Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng vào ngày thứ Năm (23/02), sau khi số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm đã ủng hộ lập trường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng lãi suất sẽ phải cao hơn để kiểm soát lạm phát.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0.1% xuống 1,822.5 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 30/12/2022 trong phiên. Hợp đồng vàng tương lai mất 0.8% còn 1,826.8 USD/thùng.
Số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm trong tuần trước, cho thấy thị trường lao động thắt chặt và áp lực lạm phát.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Mỹ đặt 2.7% trong quý 4/2022, được điều chỉnh giảm so với mức 2.9% được báo cáo hồi tháng trước.
Bob Haberkorn, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Mặc dù số liệu GDP thấp hơn kỳ vọng một chút, nhưng sự sụt giảm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giúp Fed giữ được vị thế dẫn dắt để họ có thể tiếp tục nâng lãi suất”.
Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed công bố vào ngày 22/02 cho thấy các nhà hoạch định chính sách đồng ý lãi suất cần tăng cao hơn, tuy nhiên, việc chuyển sang các đợt nâng lãi suất nhỏ hơn sẽ cho phép Fed hiệu chỉnh chặt chẽ hơn với dữ liệu sắp tới.
“Cách duy nhất để chống lạm phát là nâng lãi suất và cách duy nhất để nó biến mất là khi người tiêu dùng dùng hết tiền, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa dùng hết tiền… họ vẫn đang mua”, ông Haberkron nói.
Lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một công cụ phòng ngừa lạm phát, đồng thời làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất.
Giá dầu tăng 2% vào ngày thứ Năm (23/02) do kỳ vọng Nga sẽ cắt giảm mạnh sản lượng vào tháng tới. Tuy nhiên, đồng USD mạnh hơn và dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo đã làm tăng thêm mối lo ngại về nhu cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent tiến 1.61 USD (tương đương 2%) lên 82.21 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức 98 USD/thùng vào đêm trước cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra cách đây 1 năm.
Hợp đồng dầu WTI cộng 1.44 USD (tương đương 2%) lên 75.39 USD/thùng, đứt mạch 6 phiên giảm liên tiếp.
Giá dầu được hỗ trợ trước đó từ kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu từ các cảng phía Tây của Nga tới 25% trong tháng 3/2023, cao hơn so với mức cắt giảm sản lượng đã công bố là 500,000 thùng/ngày.
Trong khi đồng USD mạnh hơn vần là một rào cản trong ngắn hạn đối với dầu thô, các chuyên gia phân tích của UBS dự báo sản lượng dầu của Nga giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ khiến thị trường dầu trở nên khan hiếm, qua đó hỗ trợ giá dầu.
Chỉ số đồng USD tăng phiên thứ 3 liên tiếp, sau khi biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố vào ngày 22/02 cho thấy phần lớn các quan chức Fed đồng ý rằng rủi ro lạm phát cao đảm bảo cần nâng lãi suất hơn nữa trong tương lai.
Đồng USD mạnh hơn làm dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác, ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Cả 2 hợp đồng dầu đều mất hơn 2 USD trong phiên trước đó sau khi công bố biên bản cuộc họp của Fed.
Giá dầu cũng chịu sức ép sau khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này tăng lần thứ 9 liên tiếp vào tuần trước, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ vọt 7.6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/02, cao hơn gấp 3 lần so với dự báo tăng 2.1 triệu thùng từ các chuyên gia phân tích.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên biến động ngày thứ Năm (23/02), khi nhà đầu tư vẫn lo ngại về lộ trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số S&P 500 tiến 0.53% lên 4,012.32 điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp. Chỉ số Dow Jones tăng 108.82 điểm (tương đương 0.33%) lên 33,153.91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.72% lên 11,590.40 điểm.
Các chỉ số chính vẫn đang ghi nhận mức giảm từ đầu đến nay, với S&P 500 trên đà đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ ngày 16/12/2022.
Fed đã trở thành tâm điểm của nhà đầu tư trong tuần này kể từ khi công bố biên bản cuộc họp mới nhất. Các nhà hoạch định chính sách chỉ ra rằng lạm phát “vẫn cao hơn” mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, ngay cả khi dữ liệu cho thấy “sự suy giảm đáng hoan nghênh trong tốc độ tăng lạm phát hàng tháng”.
Brendan Murphy, Trưởng bộ phận thu nhập cố định cốt lõi Bắc Mỹ tại Insight Investment, nói rằng suy thoái kinh tế là không cần thiết để đạt được mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
“Mặc dù một cuộc suy thoái gần như chắc chắn sẽ khiến lạm phát trở lại mức mục tiêu, nhưng nó không nên được xem là một điều kiện cần thiết”, ông Murphy nói. “Mặc dù chúng tôi đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể về lạm phát thực tế trong 6 tháng qua, điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi các hiệu ứng cơ sở và quá trình bình thường hoá chuỗi cung ứng diễn ra”.
Ông Murphy cũng nói thêm: “chúng ta hiện đang trong thời kỳ tăng trưởng thấp và lạm phát vừa phải. Câu hỏi lớn đặt ra là lạm phát có thể giảm bao nhiêu trong loại môi trường đó Có khả năng là nếu áp lực nguồn cung tiếp tục giảm trong giai đoạn tăng trưởng thấp, lạm phát cuối cùng sẽ quay về mức mục tiêu của Fed. Tuy nhiên, giai đoạn tăng trưởng thấp này có thể cần khá dài, đó là lý do tại sao Fed đang nói về việc giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn”.