Dự đoán cho thấy kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III/2023. Vậy thị trường cần chú ý những gì trước thềm công bố Báo cáo GDP ngày 26/10?
Theo Wall Street Journal (WSJ), các nhà dự báo ước tính rằng kinh tế Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III/2023 khi người tiêu dùng tăng cường chi tiêu và rũ bỏ nỗi lo về suy thoái.
Cụ thể, một số nhà kinh tế được WSJ khảo sát dự đoán rằng tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III/2023 sẽ đạt 4,7% – gấp đôi mức tăng 2,1% của quý II. Nhưng lãi suất cao trong thời gian dài, tình trạng đình công và khả năng chính phủ Mỹ đóng cửa một phần là những yếu tố có thể khiến nền kinh tế xuất hiện những vết nứt.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố ước tính sơ bộ về GDP quý III vào lúc 8h30 sáng thứ 5, ngày 26/10 (theo giờ Mỹ). Vậy thị trường cần chú ý những gì trước thềm báo cáo?
Mức chi tiêu lớn
Chỉ số tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với những gì các nhà kinh tế dự đoán vài tháng trước. Vào tháng 4, các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm một chút trong những tháng mùa hè. Đến tháng 7, họ cũng ước tính nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhẹ trong quý III.
Khi đó nhiều người nghĩ rằng tác động của một loạt đợt tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed nhằm hạ nhiệt lạm phát sẽ khiến tăng trưởng kinh tế bị đình trệ. Nhưng thực tế, nền kinh tế vẫn có nền tảng vững chắc. Lý do chính là vì người Mỹ đã tăng cường chi tiêu.
Trong mùa hè, người Mỹ đã “hào phóng” cho những buổi concert và các bộ phim nổi tiếng. Sức chi tiêu bền vững của họ được hỗ trợ bởi một số yếu tố như thị trường lao động vẫn mạnh mẽ hay nhờ số tiền tiết kiệm được tích lũy từ đại dịch Covid-19 vốn được Chính phủ hỗ trợ.
Matthew Luzzetti, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Deutsche Bank, cho biết: “Ban đầu, chúng tôi dự đoán rằng phần lớn sức mạnh tiêu dùng đó được thúc đẩy bởi các yếu tố mang tính xu hướng có trong mùa hè. Nhưng dữ liệu mới nhất cho thấy dường như nó có sự bền vững và kiên trì hơn”.
Hy vọng về kịch bản “hạ cánh mềm”
Các nhà tuyển dụng tiếp tục tạo thêm việc làm mới và tăng lương nhanh chóng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn gần mức thấp lịch sử.
Mặt khác, lạm phát đã giảm mạnh so với mức đỉnh 9,1% vào tháng 6 năm 2022. Để hạ nhiệt, Fed đã tăng phạm vi lãi suất lên khoảng từ 5,25% đến 5,5% vào tháng 7 năm 2023 – mức cao nhất trong 22 năm. Các quan chức Fed đã giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp tháng 9 và cũng báo hiệu rằng họ có thể làm như vậy một lần nữa tại cuộc họp vào tuần tới.
Tốc độ tăng giá chậm lại và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng đã làm dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm, khi lạm phát giảm xuống tiệm cận mức mục tiêu 2% của Fed mà không xảy ra suy thoái.
Bill Adams, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Comerica cho biết: “Theo quan điểm của tôi, nền kinh tế Mỹ có thể đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất của quá trình bình thường hóa sau đại dịch”.
Vẫn tồn tại nhiều “rào cản”
Trong khi một số nhà dự báo đã bớt cho rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái thì nhiều người vẫn bày tỏ quan điểm nước này có thể vẫn phải đối mặt với các rào cản trong thời gian tới.
Lãi suất cao trong thời gian dài có thể làm hạ nhiệt một số khu vực. Đầu tư nhà ở, vốn đã yếu đi trong năm nay có thể còn suy yếu hơn nữa khi lãi suất thế chấp tăng lên gần 8% – mức cao nhất kể từ giữa năm 2000. Điều này gây áp lực lên nhu cầu mua nhà.
Số lượng các công ty nhỏ báo cáo rằng việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn đã tăng cao trong một cuộc khảo sát vào tháng 9 của Liên Đoàn Kinh Doanh Độc Lập Quốc Gia (National Federation of Independent Business – NFIB). Điều đó có thể báo hiệu sự sụt giảm trong đầu tư kinh doanh và tuyển dụng. Người tiêu dùng cũng sẽ bớt chi tiêu nếu phải liên tục trả các khoản vay sinh viên.
Các cuộc đình công ở Mỹ cũng có thể gây áp lực lên lạm phát thông qua giá năng lượng và ô tô cao hơn, điều này sẽ ăn mòn sức chi tiêu của người Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng chung vì nó chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của Mỹ.
Tham khảo WSJ