“Thị trường vẫn chưa hồi phục rõ ràng, các đơn hàng nhỏ rất nhiều, điều này có nghĩa khách hàng sợ phải tồn kho nên họ đặt một cách nhỏ giọt và cẩn trọng hơn. Cá nhân tôi nghĩ rằng trong kịch bản khả quan nhất, đến hết năm nay thị trường dệt may mới phục hồi”.
Đây là chia sẻ của ông Trần Như Tùng, Chủ tịch TCM, bên lề ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) vào sáng ngày 30/06.
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TCM diễn ra vào sáng ngày 30/06. Ảnh: TK
|
Nhìn lại, TCM vừa trải qua một năm đầy biến động. Trong 8 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận mức tiêu thụ tốt và kinh doanh thuận lợi, nhưng sau đó bắt đầu đảo chiều khi các thị trường xuất khẩu chủ chốt, như Mỹ, chững lại.
Tuy vậy, nhờ 8 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục trong năm 2022, với doanh thu thuần hơn 4,337 tỷ đồng và lãi ròng 281 tỷ đồng.
Về kế hoạch cổ tức năm 2022, TCM đã tạm ứng 7% cổ tức tiền mặt và sắp tới sẽ chia thêm 13% cổ tức bằng cổ phiếu.
Thị trường chưa hồi phục như kỳ vọng, khách hàng đặt hàng nhỏ giọt
Phiên họp thường niên của TCM được tổ chức trong bối cảnh nhiều ông lớn dệt may, bao gồm cả TCM, bị “đói” đơn hàng.
Chia sẻ với chúng tôi bên lề đại hội, Chủ tịch Trần Như Tùng đánh giá thị trường dệt may vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng.
“Vào đầu năm, chúng tôi đã kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục từ quý 3, nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ ràng. Mặc dù tín hiệu chỉ số của Mỹ về lạm phát đã được kiểm soát, nhưng đơn hàng chưa thấy một cách rõ ràng. Các đơn hàng nhỏ rất nhiều, điều này có nghĩa khách hàng sợ phải tồn kho nên họ đặt một cách nhỏ giọt và cẩn trọng hơn“, ông cho biết.
Ở châu Âu và Mỹ, người dân vẫn chưa thực sự mua sắm trở lại, dẫn tới nhu cầu không cao và các hãng dễ bị tồn kho. Ông chia sẻ biên lợi nhuận của các đơn hàng cũng giảm trong bối cảnh nhu cầu thấp và cạnh tranh cao như hiện nay.
“Lý do là khi Trung Quốc mở cửa lại thì những đơn hàng từ nước này sẽ làm gia tăng nguồn cung, tăng cạnh tranh, trong khi cầu lại không tăng. Điều này ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp“, ông Tùng chia sẻ. “Việt Nam rất khó cạnh tranh với Trung Quốc. Hiện có thông tin cho biết Chính phủ Trung Quốc đang kích thích xuất khẩu và hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ, do đó khả năng cạnh tranh của họ sẽ cao hơn“.
Ngoài ra, Việt Nam còn phải cạnh tranh với Bangladesh – quốc gia xuất khẩu hàng dệt may thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc). Theo ông Tùng, Bangladesh có lợi thế hơn so với Việt Nam về chi phí lao động, việc phát triển ESG và một đồng nội tệ giảm mạnh hơn so với Việt Nam.
Điều đó cũng thể hiện qua tình hình đơn hàng của TCM. Doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong quý 2/2023, dẫn tới các nhà máy hoạt động chưa đầy công suất. Hiện công ty chỉ mới nhận được 77% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý 3/2023.
Bên lề đại hội, ông Tùng dự báo trong kịch bản khả quan nhất là đến hết năm 2023, thị trường dệt may mới hồi phục trở lại.
Lãi 106 tỷ đồng sau 6 tháng
Trong bối cảnh nhu cầu yếu hơn dự báo, TCM lên kế hoạch có phần thận trọng hơn.
Doanh nghiệp dự kiến doanh thu thuần 3,927 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 245 tỷ đồng, giảm lần lượt 9% và 30% so với năm trước. Lưu ý rằng con số này đã bao gồm doanh thu và lợi nhuận của việc bán cổ phiếu Savimex (HOSE: SAV).
Nguồn: VietstockFinance
|
Ước tính 6 tháng đầu năm, TCM ghi nhận doanh thu 1,571 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 106 tỷ đồng, giảm tương ứng 28% và 17% so với cùng kỳ. Nếu so với kế hoạch đề ra, TCM đã thực hiện 40% kế hoạch doanh thu và 43% kế hoạch lợi nhuận.
Chủ tịch Tùng chia sẻ con số này đã tính tới 1.3 triệu USD lợi nhuận sau thuế từ việc bán cổ phiếu Savimex (HOSE: SAV).
Ông Tùng cho biết việc TCM có đạt được kế hoạch hay không còn tùy thuộc vào đơn hàng sắp tới. “Nếu quý 4 đơn hàng tích cực hơn thì chúng ta sẽ đạt kế hoạch. Nhưng nếu không, chúng ta cũng sẽ mấp mé kế hoạch đề ra”, ông Tùng cho biết.
Dừng mở rộng nhà máy ở Vĩnh Long, sẽ mua lại nhà máy khác
Về định hướng kinh doanh năm 2023, TCM cho biết sẽ tuyển dụng lao động để đạt công suất kế hoạch của nhà máy may Vĩnh Long 2 tại Khu công nghiệp Hòa Phú (Vĩnh Long) ngay sau khi thị trường có dấu hiệu hồi phục. Năm 2022, Công ty hoàn thành thi công nhà máy may này với quy mô 1,500 công nhân, tổng vốn đầu tư là 190 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tùng chia sẻ TCM không có ý định mở rộng thêm dự án ở Vĩnh Long, vì chi phí triển khai lớn và công suất mà tỉnh Vĩnh Long cấp phép không đạt kỳ vọng. Vì thế, doanh nghiệp dự định chuyển nhượng phần đất còn lại (gần 7ha).
Ông Tùng cho biết TCM đã thuê mảnh đất này ở mức 26 USD/m2 và nếu cuyển nhượng theo giá thị trường bây giờ là 80-85 USD/m2. “Doanh nghiệp sẽ dùng tiền chuyển nhượng này để M&A để mua lại nhà máy khác. HĐQT đánh giá đây là phương án hiệu quả hơn. Công ty sẽ tìm kiếm nhà máy hiện hữu để M&A, có thể gần Tp.HCM”.
Bên cạnh đó, TCM sẽ tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký như CPTPP, EVFTA, RCEP để mở rộng tệp khách hàng. Chủ tịch Tùng nhấn mạnh tới việc mở rộng thị phần tại châu Âu, khi thị phần ở thị trường này vẫn còn thấp (khoảng 5%). Hiện các thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao của TCM là Mỹ, CPTPP (Nhật Bản) và Hàn Quốc (từ đối tác Eland).
Đồng thời, gia tăng công suất nhà máy ngành nhuộm, dệt thông qua việc hợp tác cùng các đối tác.
Trong năm nay, Công ty sẽ tiếp tục hợp tác phát triển TC Tower. Ông Tùng cho biết tình hình thủ tục pháp lý của dự án vẫn chưa tiến triển trong năm 2022 khi các dự án ở Tp.HCM bị chững lại.
Một yếu tố cũng được TCM chú trọng đẩy mạnh là ESG. Ông Tùng cho biết TCM đã chuyển đổi ESG từ lâu, nhưng nay sẽ đẩy nhanh hơn dưới áp ực từ phía khách hàng. “ESG hiện đang là yếu tố sống còn với doanh nghiệp dệt may Việt Nam”, ông cho biết.
Kết thúc đại hội tất cả tờ trình đều được thông qua.