Nội dung chính
Sau khi mức thuế mới có hiệu lực, thị phần cá tra tại Mỹ sẽ thay đổi tùy vào khả năng cạnh tranh về giá sau thuế. Ngành tôm Việt Nam không bị ảnh hưởng lớn, do các nước xuất khẩu tôm chủ yếu là Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, và giá tôm Việt Nam cao hơn giá tôm nội địa Mỹ.
Lĩnh vực thủy sản nói chung, đặc biệt là ngành cá tra sẽ chịu tác động đáng kể từ những khác biệt trong chính sách thương mại sau khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khả năng Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan mới đối với ngành thủy sản không phải là không thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu điều này diễn ra, mức thuế kỳ vọng sẽ không quá cao, do giá trị xuất-nhập khẩu thủy sản của Mỹ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại của nước này.
Mức thuế áp trên ngành thủy sản kỳ vọng sẽ không quá cao, do giá trị xuất-nhập khẩu thủy sản của Mỹ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại |
Dữ liệu trong giai đoạn 2021-2023 cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản của Mỹ đạt trung bình 7,1 tỷ USD, tương đương khoảng 0,4% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu thủy sản của Mỹ đạt trung bình 30,7 tỷ USD, chiếm khoảng 1% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu.
Điều này cho thấy ngành thủy sản không phải là lĩnh vực trọng yếu trong cán cân thương mại của Mỹ, dẫn đến việc áp thuế nếu có, cũng sẽ mang tính chất hạn chế và không ảnh hưởng quá lớn đến tổng kim ngạch thương mại của nền kinh tế Mỹ.
Ngoài ra, xét về lịch sử, Mỹ chưa từng áp dụng chính sách thuế đồng bộ lên toàn bộ ngành thủy sản từ các nước xuất khẩu. Thay vào đó, Mỹ thường nhắm vào các sản phẩm cụ thể hoặc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng có dấu hiệu gây ảnh hưởng đến thị trường nội địa.
Do vậy, nếu các chính sách thuế quan mới được đưa ra, nhiều khả năng sẽ chỉ tập trung vào một số mặt hàng hoặc quốc gia cụ thể, hơn là áp dụng một cách toàn diện.
Ngành cá tra hưởng lợi nhiều hơn ngành tôm nếu bị áp thuế
Theo VDSC Research, ngành thủy sản sẽ có khả năng biến động như sau nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 60-100% lên Trung Quốc và 10-20% lên các nước khác:
Cụ thể, trước giai đoạn áp thuế, sản lượng thủy sản xuất khẩu sẽ tăng mạnh đột ngột do người mua nhập khẩu trữ hàng trước để tránh thuế cao. Tuy nhiên, giá cước vận chuyển dự kiến tăng theo sẽ bào mòn bớt lợi nhuận.
Sau khi mức thuế có hiệu lực, ngành cá tra sẽ hưởng lợi nhiều hơn ngành tôm. Ngành cá tra dự kiến sẽ chiếm 1 phần miếng bánh 10% thị phần của cá rô phi tùy theo khả năng cạnh tranh về giá sau thuế nhập khẩu. Giá cá tra trung bình 8 tháng đầu năm 2024 hiện thấp hơn giá cá rô phi (85% từ Trung Quốc) và giá cá Minh Thái Alaska (Nội địa Mỹ) lần lượt 46% và 8%.
Trong đó, sản lượng cá Minh Thái Alaska có thể thay thế sản lượng cá rô phi do sản lượng cá Minh Thái xuất khẩu tương đương sản lượng Mỹ nhập khẩu cá rô phi.
Giá cá Minh Thái Alaska xuất khẩu của Mỹ và giá cá rô phi đang cao hơn giá cá tra (USD/kg) |
Hạn ngạch đánh bắt cá Minh Thái Alaska tại Mỹ hiện đạt 1,5 triệu tấn mỗi năm. Trong số này, Mỹ xuất khẩu trung bình khoảng 100 nghìn tấn mỗi năm, chủ yếu sang thị trường EU. Tuy nhiên, khi áp dụng thuế nhập khẩu mới, cá Minh Thái Mỹ sẽ chuyển hướng tiêu thụ nội địa, do thị trường EU đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ cá Minh Thái Nga, vốn có giá thấp hơn khoảng 5-10%. Ngoài ra, hạn ngạch đánh bắt cá của Nga dự kiến sẽ tăng thêm 7% vào năm 2025, làm tăng áp lực cạnh tranh về giá.
Với tình hình này, ngành cá tra cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ ở các thị trường khác như EU và Trung Quốc, khi không thể xuất khẩu vào Mỹ. Cá Minh Thái Nga và cá rô phi Trung Quốc đều có lợi thế về giá cả, gây sức ép lớn cho cá tra trong việc duy trì thị phần.
Ước tính giá trị xuất khẩu cá tra theo giả định thay đổi các mức thuế và các yếu tố khách quan khác giữ nguyên. Nguồn: VDSC Research |
Theo đó, VDS đánh giá VHC là doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 60-100% lên Trung Quốc và 10-20% lên các nước khác nhờ Mỹ là thị trường xuất khẩu chính. Trong khi ANV và IDI ít hưởng lợi do thị trường Mỹ chiếm lần lượt 10% và dưới 5%. Trong kịch bản tích cực nhất, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của VHC năm 2026 đạt 1.872 tỷ đồng, tương đương EPS là 9.307 đồng/cp.
Sau khi áp dụng mức thuế mới, ngành cá tra dự kiến sẽ được hưởng lợi nhờ khả năng cạnh tranh về giá, tuy nhiên mức độ gia tăng thị phần sẽ phụ thuộc vào việc cá tra có thể duy trì lợi thế về giá sau thuế nhập khẩu hay không.
Ngược lại, ngành tôm khó có khả năng hưởng lợi lớn do không bị ảnh hưởng tiêu cực từ thuế áp dụng đồng bộ trên các quốc gia xuất khẩu chủ chốt như: Ấn Độ, Ecuador, và Indonesia. Thêm vào đó, giá bán tôm Việt Nam thường cao hơn so với tôm nội địa của Mỹ, khiến khả năng cạnh tranh về giá hạn chế hơn.
Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn rất lớn do nguồn cung nội địa không đủ đáp ứng. Theo Hiệp hội Chế biến Tôm Mỹ (ASPA), tổng sản lượng tôm đông lạnh nước ấm của Mỹ trong năm 2022 chỉ đạt khoảng 134 nghìn pound, tương đương 7,4% nhu cầu tiêu thụ toàn thị trường.
Điều này cho thấy dù có mức thuế mới, Mỹ vẫn phải nhập khẩu tôm từ các nước khác để đáp ứng nhu cầu trong nước, giữ cho thị trường tôm nhập khẩu duy trì ở mức ổn định.