Theo BSC, giá phân neo ở mức cao, chính sách thuế hỗ trợ, cổ phiếu phân bón được cho là sẽ còn hưởng lợi nhờ yếu tố lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý 4/2021 và vụ mùa đầu năm 2022.
Giá phân bón được dự báo vẫn neo cao trong cuối 2021 và 2022.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/12, dưới áp lực chốt lời, hầu hết cổ phiếu ngành phân bón đều bị điều chỉnh trong bối cảnh thị trường chung rung lắc, giằng co căng thẳng. Đây là phiên các quỹ ETF cơ cấu lại một phần danh mục và cũng là phiên đáo hạn phái sinh, theo đó, biến động trên thị trường là khó tránh, đặc biệt với rổ VN30.
Tại nhóm ngành phân bón, cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau giảm 2% còn 37.500 đồng/CP; DPM của Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí giảm 2,4% còn 49.800 đồng/CP; BFC của CTCP Phân bón Bình Điền giảm 0,83% còn 35.800 đồng/CP. DDV của CTCP DAP – Vinachem tiếp tục giảm thêm 2,5% còn 27.100 đồng/CP.
VAF của CTCP Phân lân Nung chảy Văn Điển và NFC của CTCP Phân lân Ninh Bình là hai mã hiếm hoi tăng 0,4% nhưng gần như không có thanh khoản; LAS của CTCP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao tương tự cũng đứng giá 26.000 đồng/CP với thanh khoản “mất hút”.
Mặc dù có phiên điều chỉnh do ảnh hưởng chung của thị trường nhưng nhìn chung, cổ phiếu ngành phân bón vẫn đang trong xu hướng tăng giá. Thị giá của các mã cổ phiếu trong ngành này đều đã tăng mạnh so với thời điểm đầu năm.
Một số nhận định cho rằng, cổ phiếu phân bón hiện tại vẫn đang được hỗ trợ bởi diễn biến giá phân bón “nóng” trở lại trên thị trường cũng như triển vọng kết quả kinh doanh quý 4 thuận lợi.
Trước đó, trong 3 quý đầu năm, các doanh nghiệp phân bón đều đã đạt kết quả kinh doanh khả quan, thậm chí có doanh nghiệp đã vượt cả kế hoạch năm 2021.
Điển hình như DDV, một doanh nghiệp “nặng” yếu tố Nhà nước với Tập đoàn Hóa Chất nắm 64% vốn, từng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn trước, đã “lột xác” ngoạn mục trong năm nay. Đây là doanh nghiệp sản xuất phân DAP, ngoài ra còn có nhà máy sản xuất Axit Sulfuric 98%, Axit Photphoric 51%, nhà máy nhiệt điện.
Nhờ giá bán sản phẩm tăng nên trong quý 3, doanh thu thuần DDV tăng gấp rưỡi cùng kỳ lên mức 788 tỷ đồng, lãi ròng trên 68 tỷ đồng, cao nhất 3 năm. Được biết, giá bán bình quân (đã trừ chiết khấu) trong quý đạt 13 triệu đồng/tấn, tăng 69% so với quý 3/2020.
Tính chung 9 tháng, DDV đã đạt 2.158 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 84% cùng kỳ, lãi sau thuế 159 tỷ đồng. Nhờ đó, doanh nghiệp phân DAP này đã giảm lỗ luỹ kế tại thời điểm 30/9 xuống còn gần 46 tỷ đồng.
Với kết quả trên, chỉ trong 9 tháng, DAP Vinachem đã thực hiện 84% kế hoạch doanh thu và vượt 134% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Các “ông lớn” khác trong ngành cũng có kết quả kinh doanh rất tích cực. 9 tháng đầu năm 2021 của DPM ghi nhận lãi ròng đạt 1.503 tỷ đồng, tăng 152% so với cùng kỳ năm ngoái, và vượt 311% kế hoạch năm. DCM cũng lãi lớn 9 tháng với doanh thu đạt 6.048 tỷ đồng, tăng 14% và lãi ròng tăng 78% lên 822 tỷ đồng.
Giá phân bón duy trì ở mức cao, cổ phiếu ngành hưởng lợi
Tại báo cáo vừa cập nhật về ngành phân bón, các chuyên gia phân tích tại CTCK BIDV (BSC) dự báo, kết quả kinh doanh quý 4/2021 của nhóm phân bón sẽ tiếp tục khả quan nhờ diện tích gieo trồng tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giá nông sản nội địa kỳ vọng tích cực so với cùng kỳ và tồn kho ngành phân bón thấp do nhu cầu tích trữ lương thực trong dịch.
Công ty này đánh giá, giá phân bón thế giới khả năng cao sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm 2021 và 2022. Tính tới thời điểm cuối tháng 10, giá bán các loại phân bón Ure, DAP và Kali đã tăng lần lượt 97%, 67%, và 92% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân được cho là giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các loại phân bón như giá dầu và giá khí đang tăng mạnh cũng như cước vận tải biển tăng thời gian qua đã đẩy chi phí sản xuất tăng theo.
Theo BSC, giá phân bón thế giới khả năng cao sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm 2021 và 2022 bởi 3 nguyên nhân chính.
Một là, chi phí nguyên liệu đầu vào để sản xuất, cùng với chi phí cước vận tải vẫn sẽ duy trì ở mức cao;
Hai là, một số nhà máy phân bón phải ngừng sản xuất ngoài dự kiến gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung;
Ba là, nhu cầu tích trữ lương thực gia tăng hậu đại dịch COVID-19 để đảm bảo an ninh lương thực.
Thêm vào đó, bên cạnh Trung Quốc đang thực hiện hạn chế xuất khẩu phân bón thì mới đây Nga có kế hoạch áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón. Ngoài ra, giá cước vận tải biển quốc tế đang ở mức cao kỷ lục và có khả năng sẽ tiếp tục tăng.
BSC duy trì quan điểm “khả quan” đối với ngành phân bón trong năm 2022 dựa trên triển vọng nhu cầu phân bón vẫn ở trạng thái tích cực trong khi nguồn cung bị hạn chế, khiến giá bán duy trì ở mức nền cao, cũng như việc Luật thuế VAT được sửa đổi sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành phân bón.
BSC cho rằng, cổ phiếu phân bón theo đó tiếp tục hưởng lợi nhờ yếu tố hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp này trong quý 4/2021 và vụ mùa đầu năm 2022.