Giá dầu Brent và WTI tăng lần lượt 1,1% và 2%. Nhà đầu tư tiếp tục quan ngại về cung dầu toàn cầu sau khi Mỹ tuyên bố trừng phạt một số doanh nghiệp liên quan tới hoạt động xuất khẩu dầu Iran. Đồng USD đi xuống kéo giá vàng lên cao.
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch giằng co ngày 16/6 sau khi Mỹ công bố một loạt các biện pháp cấm vận mới đối với Iran, khiến thị trường tiếp tục quan ngại về vấn đề thiếu hụt nguồn cung, yếu tố đã đẩy giá dầu lên cao trong năm nay.
Trước đó, giá dầu giảm sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bên cạnh đó là các ngân hàng trung ương Anh và Thụy Sĩ, tăng lãi suất, khiến không ít người lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giá dầu Brent tương lai tăng 1,3 USD, tương đương 1,1%, lên 119,81 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 2,27 USD, tương đương 2%, lên 117,58 USD/thùng.
Mỹ trừng phạt một số doanh nghiệp liên quan tới hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Ảnh: Reuters. |
Sau giai đoạn bán tháo dầu hồi đầu phiên, người mua dần quay trở lại thị trường với dự báo nguồn cung dầu sẽ tiếp tục thiếu hụt trong một vài tháng tới.
“Các vấn đề liên quan tới cung dầu vẫn chưa được giải quyết”, theo Eli Tesfaye, Chiến lược gia thị trường tại RJO Futures. “Hiện tại, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu không có dấu hiệu giảm xuống, do đó, bất cứ giai đoạn bán tháo nào cũng sẽ là cơ hội để mua vào, và điều đó đã diễn ra trong ngày hôm nay”, ông nói.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng cao hơn 2% trong năm 2023 lên 101,6 triệu thùng/ngày. Tâm lý lạc quan còn được củng cố bởi triển vọng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sau khi quốc gia này nới lỏng một số biện pháp phòng dịch Covid-19.
Các chuyên gia phân tích nhận định giá dầu nhận được hỗ trợ từ quyết định trừng phạt một số doanh nghiệp Trung Quốc, UAE và Iran của Mỹ khi đã giúp Iran xuất khẩu dầu và các sản phẩm có liên quan.
Bên cạnh đó, sản lượng dầu mỏ của Libya giảm từ 100.000-150.000 thùng ngày do bất ổn chính trị, ảnh hưởng tới cung dầu toàn cầu
Trong ngày 15/6, giá dầu giảm hơn 2% sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994.
“Nhiều khách hàng sẽ gặp khó khi chi phí giao dịch tăng lên”, Robert Yawger, Giám đốc khối hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho.
Ngày hôm qua, ngân hàng trung ương Anh và Thụy Sĩ cũng đã tăng lãi suất.
Kim loại quý
Ngày hôm qua, giá vàng tăng trong bối cảnh đồng USD xuống giá.
Giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.849,21 USD/ounce. Giá vàng tương lai tại Mỹ tăng 1,7% lên 1.849,90 USD/ounce.
Đồng USD giảm khoảng 1,6% so với đỉnh gần đây khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
“Vàng đang thu hút sự quan tâm lớn trong bối cảnh nhiều người lo ngại về triển vọng nền kinh tế số 1 thế giới”, theo Edward Moya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại OANDA.
“Sau khi đồng USD đạt đỉnh, nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn mới, trong đó có vàng”, Moya bổ sung.
Lạm phát và bất ổn kinh tế là những yếu tố hỗ trợ giá vàng. Tuy nhiên, đà tăng của vàng bị hạn chế trong môi trường lãi suất cao.
Giá vàng sẽ chìm sâu trong xu hướng giảm nếu Fed thành công đẩy lùi lạm phát mà không đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, Carsten Menke, Giám đốc Next Generation Research tại Julius Baer, nhận định.
Trong ngày 15/6, Fed thông báo tăng lãi suất 0,75%, mức cao nhất trong gần 30 năm nhằm sớm kiểm soát lạm phát.
Lạm phát cao cũng buộc một số ngân hàng trung ương khác phải thắt chặt chính sách tiền tệ, trong đó có ngân hàng trung ương Anh và Thụy Sĩ.
Ở một diễn biến khác, giá bạc giao ngay tăng 1,1% lên 21,89 USD/ounce. Giá platinum tăng 1% lên 948,90 USD/ounce. Giá palladium tăng 0,8% lên 1.876,18 điểm.