Đúng như dự đoán của thị trường, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 9. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách bày tỏ mong muốn tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2023.
Nội dung chính
Định hướng lãi suất các năm tới
Kết thúc cuộc họp chính sách tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25 – 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, Fed vẫn kỳ vọng sẽ có thêm một đợt tăng nữa vào cuối năm nay. Nếu vậy, đó sẽ là đợt tăng lãi suất thứ 12 của Fed kể từ khi chu kỳ thắt chặt bắt đầu vào tháng 3/2022.
Ngoài ra, ngân hàng trung ương Mỹ còn cho biết vào năm tới, họ sẽ thực hiện ít đợt cắt giảm lãi suất hơn so với dự kiến trước đó, theo CNBC.
Dù các nhà hoạch định chính sách không tăng lãi suất như nhận định của các nhà đầu tư, định hướng của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ trở nên khó đoán kể từ đây. FOMC dường như đang muốn giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Biểu đồ chấm của Fed cho thấy ngân hàng trung ương này có khả năng sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, sau đó hạ lãi suất hai lần vào năm 2024 – ít hơn hai lần so với dự báo hồi tháng 6.
Theo CNBC, 12 thành viên của FOMC đã đồng ý nâng lãi suất bổ sung, trong khi 7 người phản đối. Phe phản đối tăng một người so với tháng 6.
Dự báo về lãi suất quỹ liên bang năm 2025 cũng cao hơn trước. Trong khi ước tính trung vị hồi tháng 6 là 3,4%, dự báo hiện tại là 3,9%.
Xa hơn, các thành viên FOMC dự kiến lãi suất quỹ liên bang sẽ vào khoảng 2,9% vào năm 2026. Con số này cao hơn mức mà Fed coi là lãi suất “trung tính”, tức không hạn chế cũng không kích thích tăng trưởng.
Dự báo tăng trưởng, lạm phát
Cùng với dự báo về lãi suất, FOMC cũng điều chỉnh mạnh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm nay.
Cụ thể, FOMC cho biết GDP sẽ tăng 2,1% trong năm 2023 – cao gấp đôi so với ước tính hồi tháng 6 và chứng tỏ các thành viên không tin suy thoái sẽ sớm xuất hiện. Ủy ban cũng nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 từ 1,1% lên 1,5%.
Fed còn dự báo tỷ lệ lạm phát, được tính bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCEPI), là 3,7%, giảm 0,2 điểm % so với ước tính vào tháng 6. Dự báo tỷ lệ thất nghiệp cũng được hạ từ mức 4,1% trước đó xuống 3,8%.
Trong tuyên bố sau cuộc họp của Fed đã xuất hiện một vài thay đổi, cho thấy những điều chỉnh về triển vọng kinh tế. Ủy ban mô tả hoạt động kinh tế “mở rộng với tốc độ bền vững”, trong khi ở các tuyên bố trước là “vừa phải”.
Tuyên bố còn lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng việc làm “đã chậm lại trong những tháng gần đây nhưng vẫn ở mức cao”. Nhận định trước đó của FOMC là thị trường việc làm vẫn “mạnh mẽ”.
Ngoài việc giữ lãi suất ở mức tương đối cao, Fed đang tiếp tục giảm lượng trái phiếu Kho bạc mà họ nắm giữ. Kể từ tháng 6/2022, bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương Mỹ đã giảm khoảng 815 tỷ USD.
Quyết định chính sách mới nhất của Fed diễn ra ngay thời điểm đáng chú ý đối với nền kinh tế Mỹ.
Trong những lần xuất hiện trước công chúng gần đây, các quan chức Fed đã thể hiện sự thay đổi trong lập trường của mình.
Họ từng tin rằng thà thắt chặt chính sách mạnh tay để hạ gục lạm phát còn hơn là hành động quá nhẹ tay, nhưng giờ đã chuyển sang một quan điểm cân bằng hơn. Theo CNBC, giới chức Fed có thể đang đề phòng những tác động có độ trễ của chính sách tiền tệ.
Khả năng hạ cánh mềm
Ở diễn biến khác, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ có thể thực hiện cú hạ cánh mềm, tức là giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái sâu.
Dù vậy, tương lai vẫn còn nhiều điều bất ổn và các nhà hoạch định chính sách đã bày tỏ sự thận trọng, không muốn tuyên bố chiến thắng quá sớm.
Bức tranh việc làm đang khá tươi sáng, khi tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,8%, chỉ cao hơn một chút so với một năm trước. Số cơ hội việc làm đang giảm bớt, giúp điều chỉnh tình trạng mất cân bằng cung – cầu lao động .
Dữ liệu lạm phát cũng cải thiện, dù vẫn cao hơn so với mục tiêu 2% của Fed. Thước đo ưa thích của Fed cho thấy vào tháng 7, lạm phát lõi (không tính giá năng lượng và lương thực) đạt 4,2%.
Người tiêu dùng, hiện đóng góp khoảng 2/3 sản lượng kinh tế, vẫn trụ vững và tiếp tục chi tiêu ngay cả khi tiền tiết kiệm giảm dần và nợ thẻ tín dụng đã lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD.