Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản 2 tháng đầu năm 2024 đạt 2,68 tỷ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu lâm sản 2 tháng đầu năm ước đạt 2,465 tỷ USD.
Năm 2024, ngành nông nghiệp phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,2 tỷ USD; trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023.
Để đạt mục tiêu trên, ngành sẽ kiểm soát và quản lý chặt chẽ gỗ nhập khẩu, đảm bảo gỗ có nguồn gốc hợp pháp trước khi chế biến, khuyến khích sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng sản xuất trong nước.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ở các khu vực mới có tiềm năng, tổ chức các hội chợ quốc tế nhằm thu hút sự quan tâm và phát triển của thị trường quốc tế. Ngành khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ liên kết với người trồng rừng theo chuỗi sản xuất; trú trọng đầu tư, phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Cục Lâm nghiệp cũng đề nghị Tổng cục Thuế tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ về hoàn thuế giá trị gia tăng được nhanh chóng, kịp thời.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, hiệp hội chủ động theo dõi, tổng hợp, thu thập về tình hình chế biến gỗ và thị trường lâm sản trong nước và thế giới, kịp thời thông tin cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản biết, thực hiện.
Hiệp hội phối hợp với Cục Lâm nghiệp phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế biến, xuất khẩu lâm sản mới được ban hành; các quy định gỗ hợp pháp của Việt Nam, vùng địa lý nhập khẩu gỗ rủi ro về nguồn gốc và xu hướng sử dụng sản phẩm có trách nhiệm với môi trường, các rào cản kỹ thuật, cũng như quy định mới của EU về xuất nhập khẩu các sản phẩm không gây mất rừng,… cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản.
Hiệp hội tiếp tục là cầu nối phản ánh, đề xuất các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giúp ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển hiệu quả và bền vững.
Trước đó, Gói tín dụng 15.000 tỷ cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã được giải ngân 100%
Theo số liệu vừa được NHNN công bố, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Trước đó, tín dụng đã bật tăng mạnh trong những tuần cuối năm 2023. Tính riêng trong tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 4,56 điểm % (tương đương hơn 540.000 tỷ đồng), chiếm 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.
Chia sẻ tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá trong năm 2024 tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục dự báo mức tăng trưởng thấp hơn 2023, bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ thế giới sẽ tiếp tục có những khó khăn, phức tạp. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng, cầu tín dụng trong nước có thể tiếp tục bị tác động bởi sự khó khăn trong đầu ra của doanh nghiệp dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm.
Chính vì vậy ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tại Nghị quyết 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, thực hiện các giải pháp điều hành hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.
Cụ thể, NHNN đã khẩn trương xây dựng chương trình hành động, trọng tâm hoạt động ngân hàng năm 2024 đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hoạt động cụ thể cho toàn hệ thống, nhất là về công tác tín dụng nhằm đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD.
NHNN đã tiếp tục rà soát để hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng.
Về kết quả một số chương trình, chính sách tín dụng, chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho trên 6.000 lượt khách hàng vay vốn;
Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, các NHTM đã giải ngân cho 6 dự án với số tiền là 531 tỷ đồng và giải ngân cho người mua nhà với số tiền là 4,5 tỷ đồng;
Chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) và 2 công ty tài chính HDSaison và FECredit, đã giải ngân cho công nhân khoảng 10.056 tỷ đồng;
Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tổng lũy kế đến 31/12/2023, đã có gần 188 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183,5 nghìn tỷ đồng;
Chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, lũy kế số tiền HTLS từ đầu chương trình đến 31/12/2023 (thời điểm kết thúc chính sách theo quy định) đạt khoảng 1.218 tỷ đồng cho gần 2.300 khách hàng.
NHNN cho biết, năm 2024, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế và ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD, thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.