Với biên độ 5%, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng được giao dịch tối đa ở mức 24.860 đồng đổi 1 USD. Trên thị trường tự do, giá USD “phá trần” khi đã sớm vượt 25.000 đồng.
Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng liên tục được điều chỉnh tăng.
Lần đầu tiên, giá USD giao dịch trên thị trường tự do đã vượt 25.000 đồng. Khảo sát tại một số cửa hàng, mỗi USD mua vào tại mức giá 24.970 đồng và bán ra tại 25.070 đồng. Thậm chí, giá USD bán ra ở một số cửa hàng đã tăng lên 25.100 đồng.
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước đã yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.682 đồng/USD, tăng 19 đồng so với hôm qua và đã tăng tới 141 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ 5%, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng được giao dịch tối đa ở mức 24.860 đồng đổi 1 USD. Tính đến 15h, Vietcombank và ACB là hai ngân hàng yết tỷ giá bán thấp nhất hệ thống, ở mức 24.650 đồng/USD. Techcombank đang yết tỷ giá bán khá cao, lên tới 24.685 đồng đổi 1 USD, nhưng vẫn đang thấp hơn mức trần quy định 175 đồng.
Ở chiều mua vào, Vietcombank đang yết ở mức 24.370 đồng, tương đương mức chênh lệch tỷ giá mua – bán là 280 đồng. Tương tự, BIDV cũng giữ mức chênh lệch tỷ giá mua – bán ở mức 280 đồng. nhỉnh hơn giá USD yết tại Vietcombank 20 đồng ở mỗi chiều. Trong khi đó, tỷ giá tại VietinBank là 24.230 đồng/USD chiều mua vào và 24.670 đồng/USD chiều bán ra, chênh lệch lên tới 440 đồng.
Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, chênh lệch tỷ giá mua – bán phổ biến quanh mức 200-240 đồng. Tỷ giá USD/VND tại ACB ở mức 24.440 đồng chiều mua vào và 24.650 đồng chiều bán ra. Tại Eximbank, tỷ giá yết chiều mua vào là 24.420 đồng và bán ra là 24.660 đồng. Các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh tỷ giá, khoảng 20 lần từ đầu giờ sáng nay.
Tỷ giá trung tâm tăng nhanh sau động thái nới biên độ tỷ giá của NHNN đầu tuần. Trong khi đó, đồng USD đi ngang và vẫn đang neo ở mức cao. Chỉ số DXY đo sức mạnh đồng bạc xanh với rổ 6 tiền tệ mạnh hiện vẫn gần sát 113 điểm.
Trong khi chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh vẫn đang trong xu hướng đi ngang, diễn biến thị trường trái phiếu Chính phủ tại nhiều quốc gia phát triển vọt lên khá nhanh. Một loạt trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm tại các nước phát triển đã xác lập đỉnh mới nhiều năm. Chi phí đi vay tiếp tục tăng trong bối cảnh lạm phát và rủi ro suy thoái. Cùng đó, nguồn cung trái phiếu tăng cũng đẩy lợi suất trái phiếu leo cao. Tương ứng với đó, giá trái phiếu cũng đang giảm mạnh trước lực cung lớn.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ vọt lên 4,1%, cao nhất kể từ tháng 10 năm 2008. Các nhà đầu tư lo lắng về triển vọng suy thoái do động thái quyết liệt của Cục dự trữ liên bang Mỹ nhằm kiềm chế lạm phát. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức vượt mốc trên 2,44% – cao nhất kể từ tháng 8/2011. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Pháp vượt 2,9%, và đang trở lại gần mức cao nhất 10 năm (3%) vừa xác lập hôm 12/10.