Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay, nhưng vẫn dao động quanh mức thấp nhất gần một tuần, sau khi Chủ tịch Fed báo hiệu về những đợt tăng lãi suất mới.
Giá vàng hôm nay tăng nhẹ
Trong phiên giao dịch sáng ngày 9/3, giá vàng giao ngay tăng 0,04% lên 1.814,5 USD/ounce vào lúc 7h34 (giờ Việt Nam), theo kitco. Giá vàng giao tháng 4 cũng tăng 0,04% lên 1.819,25 USD.
Giá vàng ổn định trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (8/3) sau khi giảm gần 2% vào phiên trước đó vì đồng USD bật tăng, với nhu cầu đối với tài sản không sinh lãi suy yếu bởi gợi ý về những đợt tăng lãi suất khác trong tương lai từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Hôm 7/3, giá vàng đã xuống thấp nhất kể từ ngày 28/2 ở 1.809,27 USD.
Đồng USD neo gần mức cao nhất trong nhiều tháng khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở thị trường nước ngoài.
Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, tăng 0,06% lên 105,66.
ÔngNicky Shiels, người đứng đầu bộ phận chiến lược kim loại tại MKS PAMP SA, cho biết có thể vàng sẽ tăng giá nhờ dữ liệu ôn hoà hơn.
Hôm 8/3, ông Powell một lần nữa khẳng định thông điệp của mình về việc tăng lãi suất cao hơn và có khả năng nhanh hơn, nhưng nhấn mạnh rằng cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra và quyết định sẽ xoay quanh dữ liệu được ban hành trước cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ trong hai tuần nữa.
Vàng đã giảm gần 2% sau bình luận của ông Powell vào thứ Ba (7/3).
“Vàng sẽ giao dịch một cách thận trọng, có khả năng xuống mốc 1.800 USD vào cuộc họp của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tháng 3 do ông Powell tạo ra sự không chắc chắn về cả quy mô và thời điểm kết thúc các đợt tăng lãi suất”, ôngShiels cho hay.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ ổn định hôm 8/3, hạn chế xu hướng tăng của giá vàng.
Sức hấp dẫn của vàng có xu hướng giảm đi khi kỳ vọng nâng lãi suất lớn hơn, vì lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không mang sinh lãi như vàng.
Ông Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường tại Blue Line Futures ở Chicago (Mỹ), nhận định vẫn còn một số rủi ro do sự kiện khác mà thị trường vàng cần phải hấp thụ, gồm bài phát biểu của ông Powell hôm nay, dữ liệu việc làm vào thứ Sáu (10/3), và báo cáo CPI vào thứ Ba tuần tới (14/2).
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,1% xuống 20,04 USD/ounce, theo Reuters. Giá bạch kim tăng 0,9% lên 937,76 USD trong khi giá palladium giảm 1,4% xuống 1.367,33 USD.
Giá dầu giảm vào ngày thứ Tư (08/3), khi nhà đầu tư lo ngại về việc nâng lãi suất mạnh tay hơn của Mỹ sẽ gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent lùi 74 xu (tương đương 0.9%) xuống 82.55 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 99 xu (tương đương 1.3%) còn 76.59 USD/thùng.
Andrew Lipow, Chủ tịch Công ty tư vấn Lipow Oil Associates, nhận định: “Giá dầu vẫn đang chịu áp lực giảm do những nhận định diều hâu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy lãi suất sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn”.
Cả hợp đồng dầu Brent và dầu WTI giảm hơn 3% vào ngày thứ Ba (07/3) sau những nhận định của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng Fed có thể nâng lãi suất nhiều hơn dự kiến để phản ứng với dữ liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây.
Đồng USD mạnh hơn cũng kìm hãm giá dầu vào đầu phiên. Những nhận định của ông Powell đã đẩy đồng USD, vốn thường giao dịch ngược chiều với giá dầu, lên mức cao nhất trong 3 tháng.
Báo cáo vào ngày thứ Tư cho thấy khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn so với dự báo trong tháng 2, cho thấy thị trường lao động tiếp tục mạnh mẽ.
Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 1.7 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 395,000 thùng từ các nhà phân tích. Dữ liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) vào ngày 07/3 cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm lần đầu tiên sau 10 tuần tăng.
Barclays đã hạ dự báo giá dầu Brent trong năm 2023, giảm 6 USD xuống còn 92 USD/thùng, và dầu WTI giảm 7 USD xuống còn 87 USD/thùng, chủ yếu do nguồn cung của Nga ổn định hơn dự báo.
Các bộ trưởng ngành dầu mỏ và giám đốc điều hành các công ty dầu mỏ tiếp tục tranh luận về tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một hội nghị ở Houston, trong đó Ngoại trưởng phụ trách dầu khí của Angola nói rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không cần thiết phải tăng sản lượng dầu để bù đắp cho mức cắt giảm 500,000 thùng/ngày của Nga.
Chỉ số Dow Jones giảm nhẹ vào ngày thứ Tư (08/3), khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell gợi ý về khả năng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones lùi 58.06 điểm (tương đương 0.18%) xuống 32,798.40 điểm. Trong khi, chỉ số S&P 500 nhích 0.14% lên 3,992.01 điểm và chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.4% lên 11,576.00 điểm.
Dữ liệu mới về thị trường lao động đã khiến nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất có thể tăng cao hơn nữa. Dữ liệu do thấy cơ hội việc làm đã giảm thấp hơn so với dự báo trong tháng 1/2023, còn báo cáo việc làm khu vực tư nhân tại Mỹ tháng 2 mạnh hơn dự báo đã khẳng định rằng nền kinh tế đang đứng vững bất chấp việc ngân hàng trung ương nâng lãi suất. Những dữ liệu được công bố trước báo cáo việc làm tháng 2 vào thứ Sáu (10/3).
Chứng khoán Mỹ vừa trải qua một phiên lao dốc sau những nhận định từ phiên điều trần của Chủ tịch Fed trước Thượng viện, cảnh báo các nhà lập pháp rằng mức lãi suất đỉnh sẽ có thể cao hơn dự báo trước đó do dữ liệu kinh tế cao ổn định. Phiên điều trần tiếp tục diễn ra vào ngày thứ Tư khi ông Powell phát biểu trước Uỷ ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ.
Trong khi ông Powell nhấn mạnh trong phiên điều trần của mình rằng không có quyết định nào được đưa ra về cuộc họp tháng 3, nhà đầu tư vẫn đang dự báo một động thái nâng lãi suất mạnh hơn kỳ vọng. Hơn 75% người tham gia dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, theo công cụ FedWatch của CME Group.