Giá vàng giảm vào ngày thứ Năm (06/4) trước khi công bố báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên, vàng vẫn ghi nhận mức tăng trong tuần qua khi dữ liệu kinh tế Mỹ yếu kém làm tăng lo ngại về suy thoái.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0.7% xuống 2,006.45 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0.7% còn 2,022 USD/oz.
Giá vàng đã tăng hơn 2% từ đầu tuần đến nay, vượt mốc quan trọng 2,000 USD/oz, khi giá dầu tăng vọt sau thông báo cắt giảm sản lượng gây sốc của OPEC+, trong khi dữ liệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ suy giảm và có ít vị trí tuyển dụng hơn.
Paul Wong, Chiến lược gia thị trường tại Sprott, nhận định: “Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang gặp khó khăn, vì lãi suất cao hơn có thể gây ra suy thoái kinh tế nhưng việc tạm dừng thắt chặt tiền tệ có nguy cơ lạm phát, với cả 2 kịch bản đều tích cực đối với vàng”.
Cũng góp phần hỗ trợ giá vàng trong tuần này, chỉ số đồng USD dao động quanh mức đáy 2 tháng, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ chạm mức thấp nhất trong 7 tháng.
Vàng được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát, tuy nhiên, lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất.
Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, James Bullard, cho biết Fed nên kiên trì nâng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát trong khi thị trường lao động vẫn mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nhiều dữ liệu củng cố nhu cầu cắt giảm lãi suất “có thể giúp vàng giữ trên mốc 2,000 USD/oz và có thể đưa kim loại quý vào lãnh thổ chưa được khám phá”, Craig Erlam, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định.
Nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm của Mỹ vào ngày thứ Sáu để tìm kiếm các tín hiệu, nhưng phản ứng của họ sẽ chỉ trở nên rõ ràng vào tuần tới do thị trường nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday).
Giá dầu giảm nhẹ vào ngày thứ Năm (06/4) nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp, khi thị trường cân nhắc việc cắt giảm thêm sản lượng mà OPEC+ nhắm tới và sự sụt giảm dự trữ dầu tại Mỹ trước những lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent lùi 13 xu (tương đương 0.2%) xuống 84.86 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 14 xu (tương đương 0.2%) còn 80.47 USD/thùng. Các hợp đồng này sẽ không giao dịch vào ngày lễ Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday).
Cả 2 hợp đồng dầu đều vọt hơn 6% trong tuần này sau khi OPEC+, gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, khiến thị trường vào ngày 02/4 với cam kết cắt giảm sản lượng.
Giá dầu đã nhận được hỗ trợ từ sự sụt giảm mạnh hơn dự báo và giảm tuần thứ 2 liên tiếp của dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần trước. Dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng giảm, cho thấy nhu cầu gia tăng.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này cũng cắt giảm số giàn khoan dầu tuần thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, số giàn khoan tại Mỹ, một chỉ báo về sản lượng trong tương lai, đã giảm 2 giàn xuống còn 590 giàn trong tuần này, dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy.
Tuy nhiên, kìm hãm đà tăng giá dầu, thị trường lao động tại Mỹ cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, và cũng có sự tăng trưởng chậm hơn dự báo trong lĩnh vực dịch vụ ở Mỹ.
Robert Yawger, Giám đốc hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho Securities, nhận định: “Nhu cầu sụt giảm do mối đe đoạ suy thoái kinh tế còn lớn hơn mức cắt giảm của OPEC+”.
Những người mua quyền chọn bán để phòng ngừa rủi ro giảm giá hoạt động tích cực hơn những người mua quyền chọn mua, đặt cược vào giá tăng, ngụ ý rằng nhà đầu tư lo lắng giá có thể giảm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã hỗ trợ S&P 500 ghi nhận sắc xanh vào ngày thứ Năm (06/4), khi thị trường khép lại tuần giao dịch bất chấp những dấu hiệu về một thị trường lao động suy yếu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số S&P 500 tiến 0.36% lên 4,105.02 điểm, sau khi mất tới 0.5% vào đầu phiên. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.76% lên 12,087.96 điểm, được hỗ trợ bởi đà tăng 3.78% của cổ phiếu Alphabet và đà tăng 2.55% của cổ phiếu Microsoft. Chỉ số Dow Jones nhích 2.57 điểm lên 33,485.29 điểm, sau khi giảm hơn 150 điểm tại mức đáy trong phiên.
S&P 500 vẫn hạ 0.1% trong tuần, ghi nhận tuần suy giảm đầu tiên trong 4 tuần. Nasdaq Composite giảm 1.1% trong tuần này, trong khi Dow Jones tăng 0.6%.
Thị trường vẫn biến động khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tại Mỹ cao hơn dự báo, bổ sung vào các tín hiệu gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại. ADP cho biết hồi đầu tuần này ràng số việc làm ở khu vực tư nhân tại Mỹ tăng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trong tháng 3. Trong khi đó, số vị trí tuyển dụng tại Mỹ giảm dưới 10 triệu vào tháng 2 – lần đầu tiên trong gần 2 năm. Việc cắt giảm việc làm cũng đã tăng gần gấp 5 lần từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong vài tháng qua, nhà đầu tư vui mừng đón nhận những tín hiệu nền kinh tế hạ nhiệt với hy vọng rằng nó có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi hướng đi trong chiến dịch nâng lãi suất. Tuy nhiên, giờ đây họ đang tự hỏi liệu ngân hàng trung ương có đi quá xa trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát, thắt chặt nền kinh tế đến mức suy thoái hay không.
Ngày thứ Năm đã khép lại một tuần giao dịch ngắn với việc thị trường tạm ngừng hoạt động nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday). Nhà đầu tư vẫn sẽ theo dõi sát sao báo cáo việc làm tháng 3 công bố vào sáng thứ Sáu (07/4). Báo cáo việc làm đã cho thấy sự tăng trưởng vững chắc bất chấp tình trạng sa thải trong các lĩnh vực công nghệ và tài chính, tuy nhiên, nhiều người tin rằng xu hướng này sẽ sớm đảo chiều.