Giá vàng ổn định vào ngày thứ Sáu (27/01) với đà tăng bị kìm hãm bởi đồng USD mạnh hơn, tuy nhiên kim loại quý vẫn ghi nhận 6 tuần leo dốc liên tiếp trước khi có quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay nhích 0.1% lên 1,931.61 USD/oz, xoá bớt đà tăng đầu phiên sau khi dữ liệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ giảm trong tháng 12/2022, ngay cả khi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tăng 0.3% so với tháng trước.
Hợp đồng vàng tương lai vẫn không đổi ở mức 1,930.20 USD/oz, và tăng 0.2% trong tuần qua.
Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Fed cần được thuyết phục và các chỉ báo yêu thích của họ đang cho thấy lạm phát hạ nhiệt, nhưng tôi nghĩ vẫn cần phải làm thêm một số yếu tố nữa”.
Thị trường vẫn tốt cho vàng vì một cuộc suy thoái sẽ hỗ trợ xu hướng tăng giá, và vàng vẫn có thể phát triển mạnh trong môi trường lãi suất thấp hơn, ông Moya chia sẻ.
Dữ liệu vào ngày thứ Năm (26/01) cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự báo, khiến vàng giảm hơn 1%.
Việc chuyển sự suy yếu sang năm 2023 làm tăng sự rủi ro suy thoái vào nửa cuối năm, tuy nhiên, cũng làm giảm nhu cầu Fed duy trì chính sách tiền tệ quá quyết liệt của mình.
Chỉ số của đồng USD nhích 0.1%, làm vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã báo hiệu họ kỳ vọng lãi suất cuối cùng sẽ tăng cao hơn một chút, chỉ nhỉnh hơn 5%, trong khi nhà đầu tư đang dự báo mức lãi suất cuối là 4.9% vào tháng 6/2023. Hầu hết thị trường định giá Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp sắp tới.
Vàng, vốn không đem lại lợi suất, có xu hướng được hưởng lợi khi lãi suất thấp vì làm giảm chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng.
Giá dầu giảm vào ngày thứ Sáu (27/01), khép lại tuần qua đi ngang đến ghi nhận mức giảm, khi những dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu mạnh mẽ của Nga đã lấn át dữ liệu kinh tế Mỹ tốt hơn dự báo, biên lợi nhuận tinh chế sản phẩm chưng cất trung bình mạnh và hy vọng về sự phục hồi nhu cầu nhanh chóng của Trung Quốc.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent lùi 81 xu (tương đương 0.9%) xuống 86.66 USD/thùng, nhưng chỉ nhích 3 xu từ đầu tuần đến nay. Hợp đồng dầu WTI mất 1.33 USD (tương đương 1.6%) còn 79.68 USD/thùng, và giảm 2% trong tuần này.
Mức tải dầu từ các cảng Baltic của Nga dự kiến tăng 50% trong tháng này so với tháng 12/2022, nhằm đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ ở châu Á và hưởng lợi từ sự gia tăng giá năng lượng toàn cầu, các trader và tính toán của Reuters cho thấy.
Các trader cũng cho thấy lượng dầu thô của Urals và KEBCO từ Ust-Luga trong khoảng thời gian ngày 01 đến ngày 10/02 có thể tăng từ 0.9 triệu thùng lên 1.0 triệu thùng trong kế hoạch cho cùng kỳ tháng 01/2022.
John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC, nhận định: “Nếu nguồn cung của Nga vẫn mạnh trong tháng tới, dầu có thể sẽ tiếp tục xu hướng giảm”.
Ông Kilduff cũng nói thêm rằng việc chốt lời trước cuối tuần có thể khiến giá dầu suy giảm.
Dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã giữ số giàn khoan dầu và khí đốt ổn định ở mức 771 giàn.
Trong khi đó, các đại biểu OPEC+ sẽ nhóm họp vào tuần tới để xem xét mức sản lượng dầu thô, với nhiều nguồn tin dự báo không có sự thay đổi nào đối với chính sách sản lượng hiện tại.
Quyết định tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất sẽ được đưa ra tại cuộc họp vào ngày 31/01 – 01/02 trong bối cảnh lạm phát giảm và tăng trưởng GDP nhanh hơn dự báo, đạt 2.9% trong quý 4/2022.
Dự trữ dầu tại Cushing, trung tâm định giá hợp đồng dầu tương lai của Nymex, tăng lên 4.2 triệu thùng trong tuần này cũng gây áp lực lên thị trường.
Tại Trung Quốc, các trường hợp nhiễm COVID-19 nghiêm trọng đã sụt 72% so với mức đỉnh hồi đầu tháng này, trong khi số ca tử vong mỗi ngày vì COVID-19 trong bệnh viện đã giảm 79% so với mức đỉnh, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang bình thường hoá và thúc đẩy kỳ vọng nhu cầu dầu phục hồi.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày thứ Sáu (27/01) và khép lại một tuần tích cực, nhờ tăng trưởng kinh tế tốt hơn dự báo cùng với sự tăng vọt của cổ phiếu Tesla.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.95% lên 11,621.71 điểm, còn chỉ số S&P 500 cộng 0.25% lên 4,070.56 điểm. Chỉ số Dow Jones nhích 28.67 điểm (tương đương 0.08%) lên 33,978.08 điểm.
Cả 3 chỉ số chính đều khi nhận mức tăng trong tuần và hướng đến ghi nhận mức tăng trong tháng. Nasdaq Composite vọt 4.32% trong tuần này, đánh dấu tuần leo dốc thứ 4 liên tiếp và trên đà ghi nhận tháng tốt nhất kể từ tháng 7/2022. S&P 500 và Dow Jones lần lượt tăng 2.47% và 1.81% trong tuần này.
Mùa báo cáo lợi nhuận tiếp tục diễn ra, với triển vọng mạnh mẽ thúc đẩy cổ phiếu American Express vọt 10.5% mặc dù doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng. Một số cổ phiếu công ty sản xuất con chip cũng tăng ngay cả khi cổ phiếu Intel sụt hơn 6% do báo cáo lợi nhuận ảm đạm không đạt kỳ vọng.
Cổ phiếu Tesla bứt phá 11% vào ngày thứ Sáu, và leo dốc hơn 33% trong tuần sau khi báo cáo doanh thu cao kỷ lục. Đây là tuần có kết quả tốt nhất của cổ phiếu công ty sản xuất xe điện này kể từ tháng 5/2013.
Từ đầu năm đến nay, thị trường đã vượt qua xu hướng bán tháo của năm 2022. Dow Jones tiến 2.5%, còn Nasdaq Composite cộng 6%. Nasdaq Composite vọt 11%.
Ryan Detrick, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Carson Group, nhận định: “Chúng ta đang chuẩn bị những bước cuối cùng cho một tháng 1 cực kỳ mạnh mẽ sau khi lạm phát thấp và nền kinh tế đang chững lại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi khó khăn hoàn toàn. Chúng ta vẫn còn cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới, và họ có thể muốn dội một gáo nước lạnh vào đà leo dốc này”.
Nhà đầu tư đã cân nhắc thêm dữ liệu kinh tế công bố vào ngày thứ Sáu trước khi cuộc họp chính sách của Fed diễn ra vào tuần tới. Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng 4.4% so với cùng kỳ năm ngoái, trùng khớp với dự báo từ Dow Jones. PCE là thước đó lạm phát ưa thích của Fed.
Báo cáo GDP quý 4/2022 tốt hơn dự báo công bố vào ngày thứ Năm (26/01) cũng giúp khơi dậy hy vọng rằng Fed có thể hạ cánh nhẹ nhàng.
Tỷ giá USD hôm nay 28/1: Tăng cao hơn sau công bố PCE
USD lên giá
USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác đóng cửa ở mức 101,92 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam).
Tỷ giá euro so với USD giảm 0,21% ở mức 1,0869. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,11% ở mức 1,2396. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,29% ở mức 129,85.
Theo Investing, đồng USD đã tăng cao hơn vào phiên cuối tuần nhưng không đáng kể khi thị trường củng cố kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất nhỏ hơn từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.
Việc công bố dữ liệu tăng trưởng GDP quý IV cao hơn dự kiến một chút từ Mỹ trước đó đã không làm thay đổi nhiều tính toán của các chuyên gia khi phân tích các con số cho thấy chi tiêu thực của người tiêu dùng chậm hơn dự kiến và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân hàng quý cũng giảm mạnh một cách đáng ngạc nhiên.
Các nhà phân tích tại ING cho rằng mặc dù lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong chu kỳ, nhưng có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang phản ứng với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và Fed sẽ nhận thức được những lo ngại rằng việc tăng lãi suất quá mạnh và nhanh có nguy cơ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Thị trường hiện đang ủng hộ việc Fed chỉ tăng phạm vi mục tiêu thêm 25 điểm cơ bản vào tuần tới sau các mức tăng 50 điểm cơ bản trước đó. Việc công bố chỉ số giá tháng 12 cho chi tiêu tiêu dùng cá nhân – thước đo lạm phát ưa thích của Fed sau đó cho thấy chỉ số giá PCE tăng 0,1% trong tháng 12, chậm hơn so với kỳ vọng tăng 0,2%. PCE cốt lõi (không tính lương thực và năng lượng) tăng 0,3%, phù hợp với kỳ vọng, mặc dù đã giảm xuống 4,4% từ mức 4,7% trước đó.
Lạm phát cơ bản chậm lại vào thời điểm này phần lớn là do cải thiện chuỗi cung ứng, thay vì tác động của việc thắt chặt chính sách của Fed.
Những kỳ vọng thay đổi đối với chính sách của Fed đã hỗ trợ củng cố các đồng tiền châu Âu khi euro tăng giá cả tuần sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh đều được cho là vẫn cần tăng lãi suất nhiều hơn để chế ngự lạm phát.