Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 8/2023 đạt 170 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm 12% trong tháng 8 đã thu hẹp so với các tháng 8 đã thu hẹp so với các tháng trước đó (các tháng 5,6,7 ghi nhận giảm 23-36%).
Về thị trường tiêu thụ, tháng 8/2023, xuất khẩu cá tra sang các thị trường chính như Trung Quốc & Hongkong, Mỹ, EU, CPTPP tiếp tục giảm 2 con số. Trong tháng 8 này, xuất khẩu sang một số thị trường nhỏ hơn ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái như Saudi Arabia tăng 79%, Brazil tăng 53%, Colombia tăng 14%, Ai Cập tăng 14%.
“Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đã có tín hiệu tích cực hơn khi khoảng cách sụt giảm đã dần thu hẹp. Nếu như tháng 4/2023 giảm 66%, tháng 5/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 mức giảm này thu hẹp còn 15%. Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc và Hồng Kông luôn duy trì vị trí số 1 về tiêu thụ cá tra Việt Nam. So với các thị trường chính, Trung Quốc và Hồng Kông duy trì tăng trưởng cao nhất.” – Bà Lê Hằng, đại diện VASEP thông tin.
Thị trường Mỹ duy trì vị trí số 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam, sau Trung Quốc và Hồng Kông. Lượng tồn kho ở thị trường này đã có xu hướng giảm, cùng với đó, sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang thăm Việt Nam được kỳ vọng sẽ là tín hiệu tốt cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
Bên cạnh đó, theo kết quả sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19), có 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đã nhận được mức giảm thuế chống bán phá giá về 0 USD/kg và từ 3,87 USD/kg về 0,14 USD/kg lần lượt là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản cần Thơ. Đồng thời, 1 doanh nghiệp nhận thuế suất riêng rẽ giảm từ 1,94 USD/kg xuống còn 0,14 USD/kg và 32 công ty nhận thuế suất toàn quốc giảm từ 2,39 USD/kg về 0,14 USD/kg.
Như vậy, mức thuế sơ bộ POR19 đã giảm đáng kể, đây cũng là một tín hiệu khá tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra – basa của Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, ngành thủy sản thời gian gần đây còn hưởng lợi từ việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản. SSI Research nhận định cá tra không phải sản phẩm có thể thay thế trực tiếp hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản. Xuất khẩu Thủy sản Nhật Bản chiếm chưa đến 5% trong cơ cấu tổng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc và động vật thân mềm (mực, bạch tuộc, sò…) là sản phẩm chiếm tỷ trọng xuất khẩu chính.
Năm 2022, giá trị xuất khẩu phi lê cá từ Nhật Bản sang Trung Quốc chỉ đạt 11,8 triệu USD. Ecuador, Ấn Độ và Nga là những nước xuất khẩu chính cho Trung Quốc. đơn vị này lưu ý rằng thủy sản nhập khẩu từ Nga vào Trung Quốc đã tăng kể từ đầu năm 2023 và đạt mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây.
Đối với các nhà sản xuất cá tra niêm yết tại Việt Nam: IDI, ANV và VHC đều có xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong 6T2023, doanh thu từ Trung Quốc lần lượt chiếm 40%, 30% và 11% tổng doanh thu của IDI, ANV và VHC. SSI Research ghi nhận khối lượng tăng nhẹ của xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vào tuần trước (tuy nhiên không đáng kể và chúng tôi cho rằng không liên quan đến tin cấm nhập khẩu này) và giá bán trung bình vẫn ở mức thấp là 2 USD/kg (trung bình năm 2022: 2,5 USD/kg).