Đặc phái viên khí hậu của chính phủ Mỹ, John Podesta cho biết, Mỹ đang xem xét xây dựng hệ thống định giá carbon đối với hàng nhập khẩu. Động thái này được xem là nỗ lưc phản ứng với sự cạnh tranh công nghiệp của Trung Quốc đồng thời giúp cắt giảm khí thải nhà kính.
Trong cuộc trao đổi mới đây với tờ Financial Times, ông John Podesta nói rằng, Mỹ sẽ chống lại tình trạng các nhà sản xuất nước ngoài bán hàng hóa công nghiệp phát thải nhiều carbon sang Mỹ mà không chịu bất cứ chi phí liên quan nào.
“Chúng tôi sẽ không nhường nền tảng công nghiệp của chúng tôi cho những nhà sản xuất nước nước ngoài đang phát thải nhiều carbon. Hệ thống thương mại toàn cầu hiện này không tính đến lượng carbon có trong các hàng hóa mua bán trên thị trường. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng thu thập dữ liệu sâu hơn mà chúng tôi cần để thực hiện khung chính sách cho vấn đề đó”, ông nói.
Ông cho biết thêm, Mỹ sẽ quyết định sẽ làm gì đối với carbon trong các mặt hàng được giao dịch rộng rãi, đặc biệt là: thép, nhôm, xi măng, thủy tinh, phân bón.
Chính phủ Mỹ lo ngại các mặt hàng nhập khẩu có lượng thải cao trong quá trình sản xuất sẽ gây bất lợi lớn cho các nhà sản xuất công nghiệp ở trong nước, vốn phải tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn. Mối lo ngại này xuất hiện khi Liên minh châu Âu (EU) triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), nhằm đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu trong sáu lĩnh vực có lượng phát thải khí nhà kính lớn trong quá trình sản xuất gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.
Động thái của EU có thể tạo ra động lực để các nước khác giới thiệu hệ thống định giá carbon của riêng họ. Có nghĩa là thay vì để Brussel thu tiền thuế carbon, họ có thể tự thu tiền thuế này.
Trung Quốc được cho là đang xem xét mở rộng phạm vi hệ thống giao dịch phát thải (ETS) sang các ngành công nghiệp mới bao gồm xi măng và thép, đồng thời cho phép giá giấy phép phát thải carbon tăng lên. Hiện nay, hệ thống này mới chỉ áp dụng cho ngành điện. Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đều đang trong quá trình giới thiệu ETS.
Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, Anh sẽ áp dụng cơ điều chỉnh biên giới carbon, tương tự như EU vào năm 2026. Hiện có 75 hệ thống định giá carbon đang hoạt động trên khắp thế giới, chi phối 24% tổng lượng khí thải toàn cầu.
“Điều chúng tôi hướng tới một hệ thống thương mại sạch trên trên toàn cầu. Cơ chế chính sách cụ thể mà chúng tôi áp dụng cần phải phản ánh một cách công bằng lượng carbon có trong hàng hóa được sản xuất”, ông Podesta nói.
Dù Mỹ chưa có quyết định nào về cơ chế chính sách cụ thể nhưng ông Podesta cho biết, đã có những cuộc thảo luận lưỡng đảng (đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ) về cách giải quyết vấn đề hàng hóa nhập khẩu có phát thải carbon cao.
Báo cáo của Trung tâm Niskanen, tổ chức tư vấn chính sách ở Washington cho biết, ngành công nghiệp Mỹ phát thải ít carbon hơn nhiều so với một số nước phát thải lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, nhưng lại tụt hậu so với EU.
Ông Podesta lưu ý, chính phủ Mỹ đã áp dụng phí liên bang đối với khí thải nhà kính methane. Đồng thời, bang California và một số bang khác đã triển khai các chương trình ETS cấp bang, tương tự như ETS của EU.
Tuy nhiên, vì Mỹ chưa xây dựng hệ thống định giá carbon trong nước, nên hàng xuất khẩu của Mỹ sang EU sẽ bị ảnh hưởng bởi các khoản thuế carbon mới, theo quy định của CBAM. Nhưng nếu Mỹ quyết định áp dụng chính sách giống như CBAM đối với hàng nhập khẩu, điều này sẽ tạo ra động lực kinh tế mạnh mẽ để các nhà sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới phải nỗ lực cắt giảm khí thải.
Theo Financial Times
Trước đó, theo TTXVN thì các mặt hàng Sắt thép, xi măng, phân bón xuất khẩu sang EU sắp bị đánh thuế carbon
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết các quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon từ tháng 10-2023, do đó, những mặt hàng xuất khẩu sang EU có thể sẽ chịu ảnh hưởng như sắp thép, nhôm, xi măng, phân bón…
Cổng thông tin Bộ Công Thương cho biết theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến từ 10-2023, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Nhà nhập khẩu sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và không chịu phí CBAM.
Đến tháng 1-2026, CBAM dần dần đưa vào song song với việc loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí của EU ETS (thị trường mua bán khí phát thải của EU).
Đến năm 2027, Ủy ban Châu Âu thực hiện rà soát toàn diện về CBAM. Và đến năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ.
Ngày 18-4 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nhiều biện pháp nhằm giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có việc áp dụng thuế carbon đối với hàng nhập khẩu phát thải nhiều.
Với đa số phiếu nhất trí, EP đã thông qua thỏa thuận đạt được với các nhà đàm phán của các thành viên EU vào năm ngoái, nhằm cải cách thị trường carbon để lượng khí thải vào năm 2030 giảm 62% so với mức của năm 2005.
Nghị viện châu Âu cũng ủng hộ kế hoạch triển khai CBAM từ năm 2026, từng bước áp thuế nhập khẩu các loại hàng hóa thải nhiều khí carbon gồm sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và hydro.
Loại thuế này, lần đầu tiên được áp đặt trên thế giới, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp của EU trước sự cạnh tranh của những công ty nước ngoài gây ô nhiễm hơn, cũng như hạn chế các công ty EU chuyển đến những khu vực có quy định môi trường lỏng lẻo.
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho rằng khi CBAM có hiệu lực, các sản phẩm sắp thép, nhôm, xi măng, phân bón của Việt Nam xuất khẩu sang EU có thể bị ảnh hưởng.
Bởi các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU.
Số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, năm 2022 tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam đạt 8,4 triệu tấn, trong đó xuất khẩu sang EU chiếm 16% (khoảng 1,3 triệu tấn); xuất khẩu nhôm khoảng 2,1 triệu USD, trong đó xuất sang EU hơn 307 triệu USD, chiếm tỷ trọng 14,5%; xuất khẩu phân bón và xi măng sang EU chiếm tỷ trọng 1% tổng lượng xuất khẩu hai mặt hàng này.
Theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. CBAM ban đầu sẽ áp dụng với 6 loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng thải công nghiệp của EU.