Tại báo cáo chiến lược năm 2023, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset cho rằng nhiều khả năng giá điện bán lẻ sẽ được điều chỉnh tăng trong 2023, dựa trên 4 yếu tố.
Thứ nhất dư địa kiểm soát lạm phát định hướng cho 2023 sẽ nhiều hơn nếu mức trần được nâng từ 4% lên 4.5%. Thứ hai, theo Quyết định số 24 Thủ tướng Chính phủ cho phép EVN xem xét định kỳ các thông số đầu vào tính giá điện 6 tháng/lần.
Thứ ba, từ năm 2019 đến nay, Việt Nam chưa điều chỉnh giá bán điện bán lẻ, trong khi chi phí đầu vào đã tăng cao. Và thứ tư, giá mua điện bình quân của EVN trong 10 tháng 2022 đạt 1,730 đồng/kWh, tăng 21% so với cùng kỳ và tăng 20% so với giá bình quân 2019-2021.
Mirae Asset kỳ vọng quá trình xem xét dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia VIII (Quy hoạch điện VIII) sẽ được hoàn thành trong 2023.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương trình vào tháng 8/2022, mức tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kép 8.8% trong giai đoạn 10 năm tiếp theo.
Gần 90% nhu cầu sử dụng điện đến từ khu vực công nghiệp, xây dựng và dân dụng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt tại các khu vực kinh tế trọng điểm.
Mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 2,500 kWh trong 2021, khá thấp so với khu vực châu Á nói chung (3,300 kWh), Malaysia (5,200 kWh) và Singapore (9,300 kWh) nói riêng.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được thẩm định từ tháng 3/2021. Chính phủ đang xem xét hài hòa ba vấn đề chính: đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế; thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) với mục tiêu đưa lượng khí thải CO2 ròng về 0 vào 2050; và cung cấp điện với giá hợp lý.
Công suất điện lắp đặt của Việt Nam đạt 79,351 MW trong 2022, chủ yếu dựa vào thủy điện (28% tổng công suất), nhiệt điện than (33%), nhiệt điện khí (9%) và năng lượng tái tạo (27 %).
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất lắp đặt sẽ tăng 66% so với 2022 lên 131 GW trong 2030 để đáp ứng nhu cầu điện (theo kịch bản nhu cầu phụ tải cơ bản). Định hướng phát triển công suất các nguồn điện đã có những thay đổi lớn để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Công suất nhiệt điện than dự kiến giảm từ 33% trong 2022 về 12% trong 2045. Nhiệt điện than sẽ chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối hoặc amoniac.
Công suất nhiệt điện LNG ước tăng mạnh cho đến 2035 (16% tổng công suất điện), và dần chuyển sang hydrogen vào 2045 (10%), chuyển đổi dưới tác động của COP26, cũng như cuộc chiến Nga-Ukraine làm tăng tính cấp thiết của việc tăng cường an ninh năng lượng.
Đến 2045, công suất lắp đặt của năng lượng tái tạo và thủy điện sẽ chiếm 63% tổng công suất điện (2022: 55%).
Các chuyên gia của Mirae Asset kỳ vọng diễn biến thời tiết sẽ tiếp tục thuận lợi cho nhóm thủy điện đến quý I/2023. Ngược lại, từ 6 tháng cuối 2023, tỷ lệ huy động dự phóng tập trung nhiều vào nhóm nhiệt điện khi lượng mưa dự kiến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.
Bên cạnh đó, công suất nhóm năng lượng tái tạo được kỳ vọng giải tỏa hiệu quả hơn khi dự án đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân hoàn thành vào cuối 2022.
Đến đầu tháng 12/2022, mực nước trung bình một số sông chính ở mức cao hơn 55% CK tại khu vực miền Trung và miền Nam, và đi ngang so với CK tại khu vực miền Bắc.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, trạng thái La Nina tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 65%-75%. Từ tháng 3-5/2023, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 50%-60%.
Theo EVN, 2022 là năm đầu tiên trong 5 năm gần đây EVN phải báo lỗ do biến động giá đầu vào khiến chi phí sản xuất và mua điện tăng mạnh. Trong 10 tháng 2022, EVN ghi nhận lỗ 15,758 tỷ đồng. EVN đã đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện và Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang rà soát đề xuất này theo Quyết định số 24.