Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết điện chiếm từ 17 – 25% chi phí sản xuất xi măng, tuỳ nhà máy. Giá điện tăng trong bối cảnh tiêu thụ xi măng tiếp tục duy trì ở mức thấp lịch sử càng tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành.
Nội dung chính
Điện chiếm tối tối đa 25% chi phí sản xuất xi măng
Ngày 11/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện bình quân 4,8% so với giá hiện hành lên hơn 2.103 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Đối với ngành sử dụng nhiều điện như xi măng, việc tăng giá điện
này được đánh giá sẽ có tác động lớn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh ngành này vẫn đang trong giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), cho biết điện chiếm khoảng 17 – 25% chi phí sản xuất xi măng, tuỳ nhà máy. Do đó, việc tăng giá điện ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh vẫn còn khó khăn.
Trong 9 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ xi măng xấp xỉ với năm ngoái và tiếp tục duy trì ở mứcthấp lịch sử của ngành này.
Với xu hướng kinh tế thị trường hiện nay, dù không muốn nhưng các doanh nghiệp trong ngành cũng phải chấp nhận việc tăng giá điện. Tuy nhiên, đại diện của VNCA mong muốn nguồn điện cung cấp cho các nhà máy xi măng được ổn định.
“Chúng tôi là hộ tiêu thụ điện lớn và cần chất lượng nguồn điện cao. Hiện tại, một số nhà máy dùng nguồn điện nhập khẩu
từ Trung Quốc không được ổn định. Trong khi đó, các thiết bị lò quay hoạt động 24/24, một năm chỉ nghỉ 10 – 20 ngày để bảo dưỡng. Do đó, những lò này cần phải được đảm bảo đủ điện trong giờ cao điểm, không được sụt áp. ”, ông Long cho biết.
Mặc dù phải chịu tác động của nhiều chi phí đầu vào khác, nhưng tăng giá điện được xem là không tránh khỏi trong bối cảnh ngành điện chịu khó khăn do các chi phí sản xuất đầu vào như than, dầu tăng cao.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,9 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022. Việc chi phí tăng cao trong khi giá bán chưa theo kịp chi phí trong thời gian dài khiến EVN chịu lỗ. Tính đến ngày 30/6, EVN vẫn còn lỗ luỹ kế 52.016 tỷ đồng.
Do đó, tăng giá điện là điều khó tránh khỏi và các doanh nghiệp xi măng phải tìm cách thích ứng với điều này.
Các doanh nghiệp xi măng đang thích ứng ra sao khi giá điện tăng?
Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay tăng giá điện buộc đơn vị sản xuất xi măng phải tính toán lại vấn đề sản xuất, thực hiện đẩy mạnh hơn tiết giảm chi phí, sử dụng điện hiệu quả hơn. Đồng thời, để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, trong đó có giá điện, bản thân ngành xi măng đã đặt ra nhiều giải pháp như tự cung cấp một phần điện năng và sử dụng một số nhiên liệu thay thế.
Theo ông Lương Đức Long, nhiều doanh nghiệp thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư từ quá trình sản xuất xi măng để phát điện, giúp tự chủ được 25 – 30% điện. Tỷ lệ các nhà máy áp dụng công nghệ này là 60%, dự kiến sẽ nâng lên 80% vào năm 2025.
Công nghệ này đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước điển hình như ở Thái Lan, tỷ lệ các nhà máy xi măng áp dụng biện pháp thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư để phát điện lên tới 100%. Ngoài ra, một số doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái nhằm phục vụ nhu cầu điện của khối văn phòng trong khu nhà máy.
Ông Nguyễn Đình Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai, cho biết mặc dù đã tự chủ khoảng 30% lượng điện sản xuất, nhưng lượng tiêu thụ điện mua ngoài của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ cần phải tính toán để cơ cấu lại sản xuất, tối ưu hơn để tiết giảm chi phí.
Một số khác áp dụng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung làm nhiên liệu thay thế trong nhà máy xi măng…