Chuyên gia cho rằng cần sớm giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản và đẩy nhanh sửa đổi các luật về lĩnh vực bất động sản, tài chính…
Lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản trong 2 năm tới khoảng 115.000 tỷ đồng, chưa tính tiền lãi. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong buổi hội thảo chuyên đề tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam sáng 17/12, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đánh giá thị trường chứng khoán trong năm nay đã trải qua nhiều biến động. Tính chung 11 tháng, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.556 tỷ đồng/phiên, giảm 22,7% so với bình quân năm 2021.
Theo bà Phương, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.
“Hiện nay, tình hình lạm phát Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong một vài tháng vừa qua, Fed được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm cường độ tăng lãi suất. Áp lực tỷ giá trong nước theo đó cũng sẽ giảm dần. Đây sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng”, lãnh đạo UBCKNN nhận định.
Áp lực trái phiếu đáo hạn lớn
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tính đến ngày 25/11, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hơn 331.800 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần. Quý I là hơn 134.000 tỷ đồng, quý II là hơn 122.000 tỷ đồng, quý 3 là 65.900 tỷ đồng, tháng 10 là 6.800 tỷ đồng và tháng 11 là 1.850 tỷ đồng.
TỔNG GIÁ TRỊ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP ĐÁO HẠN HÀNG NĂM | ||||||
Số liệu: Fiin Group | ||||||
Nhãn | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | 2026 | |
tỷ đồng | 157800 | 302900 | 281700 | 122400 | 84100 |
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nhận định với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018-2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023-2025 (hơn 700.000 tỷ đồng chưa tính tiền lãi).
Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 215.000 tỷ đồng năm 2021 và 10 tháng đầu năm là 50.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất trung bình 10,35%/năm (theo VBMA).
“Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp ngành này cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới (năm 2023 khoảng 120.000 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 110.000 tỷ đồng), chưa tính tiền lãi”, ông nhận định.
Bên cạnh đó, theo ông Lực, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước cũng bị hạn chế trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng; giải ngân đầu tư công còn chậm, chi phí đầu vào tăng và doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau…
Giải pháp riêng cho doanh nghiệp phát hành rủi ro cao
“Thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn gặp nhiều áp lực lớn về lạm phát, tỷ giá trong khi dư địa chính sách tiền tệ, tài khóa ngày càng hẹp, đặc biệt là trái phiếu đáo hạn”, ông Lực dự báo.
Do đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế về kiểm soát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá, giữa ngân sách và hỗ trợ người dân doanh nghiệp.
“Đặc biệt, cần sớm giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản và đẩy nhanh quá trình sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực tài chính…”, ông nhấn mạnh.
Khối lượng trái phiếu đáo hạn của doanh nghiệp bất động sản chiếm phần lớn trong thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch HĐQT FiinRatings – đề xuất giải pháp ngắn hạn cần có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro cao như đánh giá, phân loại cụ thể. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý và tái cấu trúc nợ.
“Ngoài ra, có thể cho phép bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán. Khai thông trái phiếu chào bán đại chúng qua việc áp dụng phê duyệt nhanh…”, ông đề xuất.
Đồng thời Chủ tịch HĐQT FiinRatings cho rằng cần phê duyệt nhanh trái phiếu đại chúng, nếu hồ sơ phương án đáp ứng quy định; là doanh nghiệp niêm yết chưa vi phạm công bố thông tin/quy định chứng khoán 5 năm qua…
Theo ông Thuân, hoạt động huy động trái phiếu doanh nghiệp là theo nguyên tắc tự vay tự trả và là mối quan hệ dân sự, do đó các doanh nghiệp nên chủ động đánh giá khả năng trả nợ, minh bạch cho nhà đầu tư và có các biện pháp phù hợp, bao gồm tái cấu trúc qua việc giãn, hoãn nợ với các điều khoản mới.
“Minh bạch là chìa khóa của mọi giải pháp. Các giải pháp ngắn hạn nhằm khôi phục niềm tin thị trường và duy trì kênh vốn, bao gồm liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro cao, đẩy nhanh tiến độ xử lý và tái cấu trúc nợ”, ông nhấn mạnh.