Theo Trading Economics, giá khí đốt tại châu Âu ngày 7/7 là 178 euro/mwh (182 USD/mwh), tăng 4,3% so với ngày 6/7. Trước đó, ngày 6/7, giá khí đốt tại châu Âu ghi nhận giảm vì công nhân tại Công ty Equinor của Na Uy đã ngừng đình công. Na Uy là nguồn cung cấp khí đốt quan trọng của thế giới với sản lượng tương đương hơn 4 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó 50% ở dạng dầu thô, nhiên liệu lỏng và 50% ở dạng khí tự nhiên.
Diễn biến giá khí đốt tại châu Âu. Nguồn: Trading Economics |
Giá khí đốt tại Anh ngày 7/7 cũng leo dốc hơn 10% lên 320 xu Anh/therm (3,8 USD/therm). Ngày 6/7 giá mặt hàng này tại Anh cũng giảm.
Giá tại Anh và châu Âu đều đang cao nhất kể từ ngày 9/3. Nguyên nhân tăng là do lo ngại việc cung cấp khí đốt qua đường ông Nord Stream 1 sẽ không thể trở lại bình thường sau giai đoạn ngừng hoạt động để bảo trì từ ngày 11/7 đến ngày 21/7. Đường ống khí đốt quan trọng này nối Nga và châu Âu đang chỉ hoạt động 40% công suất, đe dọa mục tiêu lấp đầy 80% công suất lưu trữ của Liên minh châu Âu (EU) trước mùa đông.
Theo đánh giá của cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch, EU có thể cần hơn 3 năm để thay thế lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga nếu bị cắt đột ngột.
Fitch dự đoán Slovakia, Hungary và Cộng hòa Czech là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất khi Nga đột ngột ngắt khí đốt vì những nước châu Âu này phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt Nga và thiếu các nguồn thay thế. Ba Lan, Lithuania và Romania ít nhiều an toàn hơn trong kịch bản Nga cắt khí đốt bởi đã đảm bảo phần lớn nguồn cung thay thế hoặc có sản xuất trong nước.
Giá khí đốt tại Mỹ cũng tăng gần 2% so với ngày 6/7 và giao dịch ở 5,6 USD/MMBtu. Trước những biến động của thế giới, các nước châu Âu tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Mỹ khi gặp khó trong việc mua mặt hàng này từ Nga. Chỉ tính riêng tháng 4, năm quốc gia châu Âu gồm Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan và Ba Lan đã chiếm 54,1% lượng khí đốt xuất khẩu của Mỹ.
Giá than tương lai tại Australia, mặt hàng khác trong nhóm năng lượng, chạm 400 USD/tấn, cao nhất trong vòng một tháng.