Trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm đáng kể so với tháng trước (9,1%) đó nhờ vào việc giá xăng dầu hạ nhiệt.
Theo số liệu do Cục Thống kê Lao động Mỹ mới công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng 8,5% so với một năm trước. Tốc độ này đã chững lại so với tháng 6, phần lớn nhờ vào sự đi xuống của giá xăng dầu.
So với tháng trước, giá cả trong tháng 7 đi ngang khi giá năng lượng nói chung giảm 4,6% và giá xăng sụt khoảng 7,7%. Điều này đã giúp bù đắp phần nào mức tăng 1,1% của giá thực phẩm và 0,5% của chi phí nhà ở.
Các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones trước đó dự đoán CPI tháng 7 sẽ tăng khoảng 8,7% so với cùng kỳ năm trước và nhích 0,3% so với tháng trước.
Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, chỉ số CPI lõi tăng 5,9% so với một năm trước và 0,3% so với tháng 6. Ước tính của giới chuyên gia lần lượt là tăng 6,1% và 0,5%.
Dù số liệu thấp hơn dự kiến, áp lực lạm phát vẫn đè nặng lên người tiêu dùng. Chi phí nhà ở – chiếm khoảng một phần ba chỉ số CPI, tiếp tục tăng và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 5,7%.
Khi so sánh với 12 tháng trước, giá thực phẩm tháng 7 đã tăng 10,9% – tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/1979. Dù giá năng lượng nhìn chung đi xuống, giá điện vẫn cao hơn 1,6% so với tháng 6 và 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt khác, so với tháng trước, giá xe đã qua sử dụng giảm 0,4%, còn giá quần áo giảm 0,1%. Dịch vụ vận tải sụt 0,5% nhờ giá vé máy bay đi xuống 1,8% so với tháng12 6 và 7,8% so với một năm trước.
Thị trường tài chính phản ứng tích cực với báo cáo lạm phát của Mỹ. Hợp đồng tương lai chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng hơn 400 điểm và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm mạnh.
Theo nhận định của CNBC, số liệu mới cho thấy áp lực lạm phát đang lùi dần nhưng vẫn ở gần mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980.
Chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, nhu cầu hàng hoá vượt mức so với dịch vụ và hàng nghìn tỷ USD kích thích tài khoá cũng như tiền tệ trong đại dịch đã khiến giá cả tăng cao, tăng trưởng kinh tế chững lại và làm các nhà hoạch định chính sách phải đau đầu.
Sau khi leo vọt lên hơn 5 USD/gallon, việc giá xăng giảm bớt trong tháng 7 đã mang lại một số hy vọng cho giới hoạch định chính sách. Song, xăng vẫn tăng 44% và dầu nhiên liệu nhảy vọt 75,6% so với cùng kỳ năm trước.
Các quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất và sử dụng các công cụ thắt chặt chính sách tiền tệ khác nhằm đưa lạm phát quay trở về ngưỡng mục tiêu dài hạn 2%.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Fed đã nâng lãi suất chuẩn thêm 2,25 điểm % và các quan chức phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục thêm nhiều đợt tăng lãi suất khác để ghìm cương lạm phát.
Có một số tin tốt vào đầu tuần này, khi một cuộc khảo sát của Fed chi nhánh New York chỉ ra rằng người tiêu dùng đã giảm bớt kỳ vọng lạm phát trong tương lai. Tuy nhiên, hiện tại, chi phí sinh hoạt tăng cao vẫn là một vấn đề nan giải.
Trong khi lạm phát tăng nóng, nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Sự kết hợp của tăng trưởng chậm và giá cả tăng cao có thể dẫn đến lạm phát đình trệ, trong khi hai quý GDP âm liên tiếp thoả điều kiện suy thoái về mặt kỹ thuật.
Số liệu lạm phát tháng 7 có thể cởi bỏ một ít áp lực đối với Fed. Các bình luận gần đây từ giới hoạch định chính sách cho thấy nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm % tại cuộc họp tháng 9.
Sau báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, thị trường đã đảo chiều. Các nhà đầu tư giờ đây dự đoán Fed có thể chỉ tăng lãi suất khoảng 0,5 điểm %.