Giai đoạn thị trường bùng nổ đã đẩy nhu cầu margin lên cao, khối công ty chứng khoán (CTCK) phải cấp tập nâng cao năng lực tài chính. Nhưng khi cơn sóng rút đi, nhu cầu margin sụt giảm, nguồn lực mà các CTCK mới huy động được lại không “đất dụng võ”.
Nội dung chính
Doanh thu cho vay sụt giảm theo dư nợ margin
2 năm thăng hoa 2020 – 2021 đã đẩy nhịp độ giao dịch của thị trường lên mức cao kỷ lục, thanh khoản thị trường tăng mạnh. Sự sôi động của thị trường chính là điều kiện tốt để mảng cho vay margin của khối CTCK tăng trưởng mạnh. Trong 2 năm này, dư nợ cho vay liên tục tăng, xô đổ kỷ lục này tới kỷ lục khác. Tới cuối quý 1/2022, dư nợ cho vay của CTCK đạt gần 202 ngàn tỷ đồng, mức kỷ lục của thị trường chứng khoán.
Rất tiếc, sau khi đạt đỉnh vào tháng 4/2022, chuỗi ngày sau đó của thị trường chứng khoán lại nhuốm màu đen tối. VN-Index trượt dài 20% trong quý 2 về còn 1,197.6 điểm. Thanh khoản thị trường cũng giảm đáng kể so với những ngày vàng son trước đó. Bình quân giá trị giao dịch 2 sàn niêm yết chỉ đạt gần 20 ngàn tỷ đồng/phiên, giảm hơn 30% so với quý 1. Kéo theo đó, dư nợ cho vay cũng giảm đáng kể.
Tới cuối quý 2/2022, số dư cho vay của toàn khối CTCK giảm về còn gần 150 tỷ đồng, giảm 26.5% so với đầu quý. Mức dư nợ cho vay giảm về gần bằng với quý 2/2021.
Dư nợ cho vay, lãi cho vay và phải thu của CTCK
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Là mảng có kết quả hoạt động gắn liền với quy mô dư nợ, doanh thu margin quý 2 đồng thời cũng tụt áp. So với quý trước, tổng lãi từ các khoản cho vay và phải thu của nhóm CTCK giảm 8.3%, về còn hơn 4.6 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ thì doanh thu mảng này tăng trưởng xấp xỉ 40%.
Đi vào chi tiết, dữ liệu của VietstockFinance cho thấy, có 50/70 CTCK ghi lãi cho vay và phải thu giảm so với quý liền trước. Top 20 CTCK có doanh thu margin lớn nhất có tới 16 công ty ghi nhận kết quả giảm.
Top 20 CTCK có lãi cho vay và phải thu lớn nhất quý 2/2022
Đvt: Tỷ đồng
|
Dư tiền mặt
Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, các CTCK cũng rơi vào cảnh dư tiền. Lượng tiền mặt và tương đương tiền của khối CTCK trong quý 2/2022 tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua dù trước đó về mức rất thấp, trùng với thời điểm dư nợ cho vay đạt kỷ lục.
Số dư một số khoản mục của khối CTCK giai đoạn 2020 – 2022
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong cơn sốt của thị trường chứng khoán, nhu cầu margin tăng cao, CTCK phải huy động nguồn lực lớn để có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Để làm được điều này, phần lớn các CTCK phải đi vay hoặc huy động vốn (tăng vốn).
Trong 2 năm, quy mô dư nợ vay tài chính ngắn hạn của khối CTCK tăng liên tục và đạt đỉnh vào khoảng quý 1/2022. Tại thời điểm cuối quý 1, tổng dư nợ vay ở mức hơn 175 ngàn tỷ đồng, gấp 3.5 lần so với cuối quý 1/2020.
Trong cơ cấu nguồn vốn trong 2 năm trở lại đây, tiền từ đi vay chiếm tỷ trọng lớn đối với khối CTCK, với tỷ lệ luôn cao hơn 30%. Đặc biệt giai đoạn 2021 tới đầu năm 2022, tỷ trọng vay nợ ngắn hạn/nguồn vốn của CTCK đạt từ 40 – 45%.
Bên cạnh dòng tiền từ vay nợ, áp lực cầu margin cũng đặt ra yêu cầu về vốn điều lệ với các CTCK. Ở thời điểm dư nợ cho vay liên tục tăng trưởng, nhiều công ty đã chạm ngưỡng cho vay là 2 lần vốn chủ sở hữu. Từ đó, tăng vốn trở thành yêu cầu cấp thiết. Thậm chí, có CTCK phải tăng vốn điều lệ tới hai vòng để đáp ứng yêu cầu từ thị trường.
Tới cuối quý 2/2022, tổng vốn điều lệ của nhóm CTCK đạt hơn 120.5 ngàn tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, có CTCK tăng vốn lên hơn 10 ngàn tỷ đồng.
Sau khi cấp tập nâng nguồn lực cho vay, nhóm CTCK lại đối mặt với điều kiện thị trường không thuận lợi. VN-Index giảm sâu trong quý 2/2022. Thị trường đi vào xu hướng giảm khiến nhu cầu vay margin sụt giảm đáng kể. Nhóm CTCK lại dư thừa nguồn lực chưa biết sử dụng vào đâu khiến lượng tiền mặt tăng lên đáng kể. So với cuối quý 1, số dư tiền và tương đương tiền của các CTCK tăng tới 73.5%, lên hơn 44 ngàn tỷ đồng.
Tỷ trọng một số khoản mục lớn trong cơ cấu tài sản của CTCK
Nguồn: VietstockFinance
|
Một lý do góp phần cho tình trạng này là độ trễ từ các đợt huy động vốn so với nhu cầu thực tế của thị trường. CTCK không dự báo trước được nhu cầu tăng vọt trong giai đoạn thị trường thăng hoa và phải tăng vốn để bám đuôi, khi tiền về lại không có đất dùng vì nhu cầu giảm sút.
Kết quả là tỷ trọng tiền mặt của khối CTCK tăng lên đáng kể trong quý 2. Cụ thể, tiền/tổng tài sản của toàn khối ở mức 12% trong khi con số này chưa từng vượt 10% trong 2 năm thị trường chứng khoán thăng hoa 2020 – 2021.