Xu hướng các công ty đầu tư các dự án năng lượng tái tạo bán cổ phần hoặc toàn bộ dự án cho các đối tác khác, chủ yếu là chuyển nhượng cho các doanh nghiệp nước ngoài đang gia tăng trong khoảng hai năm gần đây.
Mới đây, tờ Bloomberg đưa tin CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group ) đang xem xét bán 30 – 35% lượng cổ phần mảng năng lượng tái tạo. Khối tài sản này có thể được định giá lên tới 1 tỷ USD.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên ông trùm năng lượng này muốn bán vốn tại các dự án điện gió, điện mặt trời (NLTT). Cụ thể, tháng 4 năm ngoái, Trungnam Group đã bán 49% cổ phần tại Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc (204 MW) cho CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT). ACIT cũng là nhà đầu tư trong nước hiếm hoi trong các thương vụ bán vốn tại các dự án NLTT gần đây.
Một tháng sau, tập đoàn chuyển nhượng tiếp 35,1% cổ phần Nhà máy điện gió Trung Nam cho Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE) – thành viên của Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản).
Hay một doanh nghiệp lớn khác là Xuân Thiện Group do ông Nguyễn Văn Thiện làm Chủ tịch mới đây cũng đã bán hai dự án điện mặt trời có quy mô tổng công suất 200 Mwac cho EDP Renováveis, S.A. (EDPR) – công ty năng lượng tái tạo có trụ sở tại Madrid (Tây Ban Nha). Giá trị thương vụ lên tới 284 triệu USD.
Không chỉ những ông lớn mà những doanh nghiêp có quy mô nhỏ hơn cũng sử dụng cách thức tương tự khi xây dựng dự án xong rồi bán liền cho nước ngoài.
Cụ thể, Trang trại năng lượng Mặt trời Hà Tĩnh – một trong những cơ sở điện Mặt trời lớn nhất ở khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ bắt đầu đi vào hoạt động thương mại vào tháng 6/2019 do CTCP Điện Mặt Trời Hà Tĩnh vận hành. Hai năm sau, dự án này đã được bán cho Công ty Banpu Power Plc (BPP) có trụ sở tại Thái Lan với giá trị thương vụ gần 24 triệu USD.
Ngoài ra là rất nhiều trường hợp như Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II, Nhà máy điện mặt trời VSP Bình Thuận II và Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Hảo cũng đã được các cổ đông cá nhân trong nước bán lại cho phía doanh nghiệp đến từ Trung Quốc cũng chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm kể từ khi được cấp phép xây dựng.
Vì sao doanh nghiệp nội bán sớm dự án dù NLTT là được kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn?
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam hiện có công suất điện Mặt Trời được lắp đặt toàn diện nhất ở Đông Nam Á, với 16.500 MW được sản xuất vào năm 2020. Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất trên toàn cầu vào năm 2020. Ngoài ra, nguồn tài nguyên gió của Việt Nam cũng lớn nhất trong khu vực với công suất tiềm năng 311 GW.
Với yêu cầu chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hơn theo xu hướng thế giới, Việt Nam nổi lên là một trong những điểm đến đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp FDI. Các ông lớn năng lượng thế giới đã dòm ngó và bơm hàng tỷ USD vào ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp ngoại có thể gặp khó khăn trong thủ tục hành chính, không thông thạo như các công ty bản địa nên việc lựa chọn mua cổ phần của chủ đầu tư dự án thường được sử dụng nhằm rút ngắn thời gian. Đó là một trong những lý do gần đây, hàng loạt chủ đầu tư đã bán bớt cổ phần hoặc toàn bộ cổ phần cho phía đối tác ngoại.
Mặt khác, theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, đầu tư vào ngành điện đòi hỏi số vốn đầu tư ban đầu rất lớn, nhất là đầu tư tài sản cố định và thường dùng vốn vay. Với cấu trúc vốn này, thường các doanh nghiệp dễ lỗ trong những năm đầu tiên đi vào vận hành do lãi vay. Tuy nhiên, khi trả hết nợ, chi phí lãi vay…, dòng tiền còn lại dành cho chủ sở hữu sẽ rất lớn. Điều này lại hấp dẫn những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, chỉ cần mua cổ phần và vận hành dự án mà không bỏ công sức xử lý những công tác xây dựng.
Thực tế cho thấy, các công ty dù lớn hay nhỏ cũng mong muốn nhảy vào ngành năng lượng tái tạo để kiếm khoản lời từ đây. Nếu không tính các tập đoàn lớn có kinh nghiệm, có nội lực, thì cũng nhiều công ty mới được thành lập chỉ để làm một dự án năng lượng cụ thể. Những pháp nhân này thường có vốn điều lệ ít, nguồn vốn tự có không lớn.
Do việc đầu tư các dự án cần lượng vốn lớn nên hầu như các chủ đầu tư phải đi vay (thông qua ngân hàng hoặc huy động trái phiếu) và một chi phí lãi vay nhất định. Vấn đề này sẽ gây áp lực nhiều hơn đối với những tập đoàn có loạt danh mục đầu tư dàn trải.
Chẳng hạn như Trungnam Group, đơn vị này liên tục vay hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu cho loạt dự án điện gió, điện mặt trời từ 6/2020 đến nay. Để đảm bảo khả năng trả nợ, tập đoàn đã thế chấp nhiều tài sản tại các ngân hàng trong đó có cổ phần của các công ty điện mặt trời, điện gió tại các nhà băng.
Hay như Xuân Thiện Group, theo số liệu từ HNX, từ ngày 25/6 – 28/8/2020, nhóm doanh nghiệp thuộc tập đoàn này đã huy động tổng cộng gần 13.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Nhóm doanh nghiệp này gồm Công ty Ea Súp 1, Ea Súp 2, Ea Súp 3, Ea Súp 5, Xuân Thiện Đắk Lắk, Xuân Thiện Ninh Thuận, Xuân Thiện Thuận Bắc và Công ty TNHH Năng lượng Sơn La. Trong đó, nhóm Ea Súp (được giao đầu tư, vận hành Dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp, Đắk Lắk) huy động được 7.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh các khoản tín dụng cho vay trung và dài hạn đang bị hạn chế do các ngân hàng phải đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn tài trợ cho vay trung và dài hạn xuống mức chuẩn vào đầu tháng 10 tới đây, buộc các nhà đầu tư phải cân đối dòng vốn bằng cách chuyển nhượng toàn bộ dự án hoặc thoái bớt cổ phần tại nhà máy điện dù mới đi vào hoạt động.
Lãnh đạo Trungnam Group từng chia sẻ, việc bán bớt cổ phần tại một số dự án cho những đối tác có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm một mặt sẽ giúp chính dự án phát triển mạnh hơn, mặt khác, giúp công ty có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư dự án mới.
“Trên thực tế, vẫn còn hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời nghìn tỷ đang nằm phơi mưa phơi nắng do không kịp deadline 31/10/2021 để hưởng giá FIT ưu đãi theo Quyết định 39 của Chính phủ. Các dự án đó chưa có doanh thu sẽ là gánh nặng rất lớn cho các nhà đầu tư, cho cả các ngân hàng liên quan cũng như lãng phí cho xã hội”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc T&T Group chia sẻ trong một cuộc tọa đàm về năng lượng mới đây.