Quý cuối năm 2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã rơi xuống mức thấp nhất năm với 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021 trước tác động của lạm phát khiến đơn hàng từ các thị trường giảm. Tuy nhiên, so với các ngành hàng khác, cá tra vẫn có triển vọng khả quan hơn trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ.
Đầu năm mới, các doanh nghiệp thủy sản, trong đó có doanh nghiệp cá tra, cho thấy tín hiệu lạc quan vào sự hồi phục đơn hàng từ các thị trường.
Ngày đầu năm Quý Mão, Công ty TNHH Hùng Cá đang tất bật chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu 21 container cá tra phi lê. Tại CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC), gần 10,000 công nhân, người lao động cũng trở lại Công ty để chuẩn bị cho những đơn hàng mới.
Mặc dù tới quý cuối năm 2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã rơi xuống mức thấp nhất năm với 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021 trước tác động của lạm phát khiến đơn hàng từ các thị trường giảm, nhưng so với các ngành hàng khác, cá tra vẫn có triển vọng khả quan hơn trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ.
Việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá tra. Với 712 triệu USD trong năm 2022, cá tra chiếm 40% xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc – là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Người Trung Quốc đang có xu hướng ưa chuộng cá tra hơn cá rô phi. Xuất nhập khẩu thủy sản giờ đây dễ dàng hơn. Chi phí vận chuyển hàng hóa cũng đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương mại.
Việc Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế đối với Covid chưa thể mang lại sự hồi phục mạnh mẽ cho đơn hàng thủy sản ngay trong tháng đầu năm, vì dịch bệnh vẫn còn là quan ngại của nhiều người dân và các nhà hàng chưa thể mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, sau một vài tháng thị trường này sẽ hồi phục trở lại.
Đối với thị trường Mỹ, diễn biến cung cầu cá thịt trắng đang có lợi cho cá tra. Các chuyên gia và các thương gia tại thị trường Mỹ đều nhận định lạc quan về nhu cầu cá tra và cá rô phi tại thị trường Mỹ trong năm 2023. Hai loài này đều có giá phù hợp và nguồn cung ổn định. Trong khi đó, lệnh cấm với Nga tiếp tục làm sụt giảm nguồn cung cá tuyết – loài cá thịt trắng vốn được ưa chuộng tại Mỹ. Đặc biệt, vào mùa Chay (từ cuối tháng 2 tới giữa tháng 4), nhu cầu sẽ tăng và sẽ phải bù đắp thiếu hụt bằng các loài khác như cá tra, cá rô phi, cá minh thái.
Năm nay Mỹ tăng hạn ngạch cá minh thái thêm 16% lên gần 1,5 triệu tấn, nhưng chưa thể đáp ứng ngay cho nhu cầu trước mắt. Đối với cá rô phi, chiến tranh thương mại và dịch Covid vẫn phần nào hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Do vậy, cá tra vẫn nhìn thấy điểm sáng tại thị trường này. Trong 11 tháng đầu năm 2022, Mỹ đã nhập khẩu 120 ngàn tấn cá tra phile, trong khi nhập khẩu cá rô phi phile đạt 96 ngàn tấn, lần đầu tiên nhập khẩu cá tra vào Mỹ vượt cá rô phi.
120 ngàn tấn cá phile nhập khẩu vào Mỹ cũng là con số cao kỷ lục thứ 2 kể từ năm 2007, so với mức kỷ lục là trên 130 ngàn tấn vào năm 2016.
Năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt 537 triệu USD, tăng 45% so với năm 2021, duy trì tăng trưởng dương từ 23% – 123% trong 3 quý đầu năm, nhưng lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu giảm trong quý 4, nên quý cuối năm giảm 32%.
Kinh tế Mỹ có tín hiệu hồi phục nhẹ, lượng tồn kho giảm và các yếu tố cung – cầu có thể sẽ kích thích các đơn hàng cho cá tra tăng trở lại từ sau Tết nguyên đán.
Những kỳ vọng đó có thể mang lại niềm tin về khả năng hồi phục cho các doanh nghiệp cá tra năm 2023.