Giá vàng tăng vào ngày thứ Tư (12/4), khi các dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt thúc đẩy kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể ngừng thắt chặt chính sách sau khi nâng lãi suất vào tháng 5.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0.6% lên 2,014.39 USD/oz, sau khi tăng đến 1.3% vào đầu phiên. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0.3% lên 2,024.90 USD/oz.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ nhích 0.1% trong tháng 3 so với tháng trước sau khi tăng 0.4% hồi tháng 2. Tuy nhiên, trong 12 tháng tính đến tháng 3, chỉ số CPI cốt lõi đã tăng 5.6% sau khi tăng 5.5% hồi tháng 2.
Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Rủi ro không nâng lãi suất đủ lớn để vượt xa việc thắt chặt quá mức, vì vậy Fed có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Vẫn còn một số rủi ro, vì vậy vàng vẫn sẽ chứng kiến một số dòng tiền mạnh đổ về”.
Vàng đã thu hút được sức mạnh từ đà suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ.
Thị trường hiện định giá khả năng 69% Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 5, đặt cược vào khả năng tạm ngưng nâng lãi suất vào tháng 6.
Trong khi vàng được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát, lãi suất cao hơn để kìm hãm lạm phát ảnh hưởng tiêu cực đến sức hấp dẫn của các tài sản không mang lại lợi suất.
Một số quan chức Fed tại cuộc họp tháng trước đã xem xét tạm dừng nâng lãi suất do lo ngại căng thẳng tài chính gia tăng vì vụ phá sản của 2 ngân hàng khu vực ở Mỹ, tuy nhiên, họ kết luận rằng lạm phát cao vẫn là ưu tiên hàng đầu, biên bản cuộc họp của Fed cho hay.
Giá dầu tăng 2% vào ngày thứ Tư (12/4), khi dữ liệu lạm phát hạ nhiệt của Mỹ thúc đẩy hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiến gần hơn đến việc kết thúc chu kỳ nâng lãi suất và giảm bớt tác động của đà tăng nhẹ dự trữ dầu tại Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 1.72 USD (tương đương 2.01%) lên 87.33 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.73 USD (tương đương 2.1%) lên 83.26 USD/thùng.
Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ nhích 0.1% trong tháng trước sau khi tăng 0.4% trong tháng 2. Trong 12 tháng tính đến ngày 31/3, chỉ số CPI tăng 5%, mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 5/2021. CPI tại Mỹ đã tăng 6% so cùng kỳ hồi tháng 2.
Fawad Razaqzada, chuyên gia phân tích thị trường tại công ty môi giới StoneX, nhận định: “Chỉ số CPI yếu hơn làm tăng nghi ngờ về việc liệu Fed có nâng lãi suất vào tháng tới hay không. Kỳ vọng lãi suất giảm đang làm giảm lo ngại về suy thoái kinh tế và đồng thời giúp hỗ trợ tài sản neo giá theo đồng bạc xanh”.
Trái phiếu Chính phủ, thước đo chứng khoán toàn cầu, và vàng tăng trong khi đồng USD giảm mạnh sau dữ liệu lạm phát của Mỹ. Đồng USD suy yếu làm dầu trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ những đồng tiền khác.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Phó Chủ tịch Fed, Lael Brainard, cũng cho biết bà đang thấy lạm phát hạ nhiệt.
Thị trường đã bỏ qua đà tăng nhẹ của dự trữ dầu thô tại Mỹ, một phần do việc giải phóng dầu bắt buộc từ kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ và xuất khẩu giảm vào đầu tháng.
Cụ thể, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng 597,000 thùng trong tuần trước lên 470.5 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 600,000 thùng từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Dự trữ xăng giảm 300,000 thùng, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất mất 0.6 triệu thùng. Cả 2 mức giảm đều thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích.
Trong khi đó, thị trường dầu toàn cầu có thể chứng kiến tình trạng khan hiếm trong nửa cuối năm 2023, điều này sẽ đẩy giá dầu lên cao, Giám đốc điều hành Fatih Birol của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết.
Trong một diễn biến tiêu cực đối với nhu cầu dầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 11/4 đã hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023, với lý do tác động của lãi suất cao hơn.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Tư (12/4) khi những lo ngại về suy thoái kinh tế gây áp lực lên Phố Wall, ngay cả khi nhà đầu tư đánh giá dữ liệu lạm phát thấp hơn dự báo.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones đứt mạch 4 phiên tăng liên tiếp, hạ 38.29 điểm (tương đương 0.11%) xuống 33,646.50 điểm. Vào đầu phiên, chỉ số này đã tăng hơn 200 điểm.
Chỉ số S&P 500 mất 0.41% còn 4,091.95 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite lùi 0.85% xuống 11,929.34 điểm.
Thị trường quay đầu giảm điểm sau khi biên bản cuộc họp chính sách tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức lo ngại nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái nhẹ vào cuối năm nay sau cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ.
Biên bản cuộc họp công bố vào ngày thứ Tư cho biết: “Dựa trên đánh giá của họ về tác động kinh tế tiềm ẩn của những diễn biến gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, dự báo của các thành viên tại thời điểm diễn ra cuộc họp tháng 3 bao gồm một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay, với sự phục hồi trong 2 năm tiếp theo”.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed khu vực Richmond, Thomas Barkin, nói rằng mặc dù đỉnh lạm phát có thể đã ở phía sau, nhưng “chúng ta vẫn còn nhiều con đường để đi”.
Những lo ngại về suy thoái tiếp tục gây áp lực lên nhà đầu tư ngay cả khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 của Mỹ thấp hơn dự báo, chỉ nhích 0.1%, thấp hơn so với dự báo tăng 0.2% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
Sam Stovall của CFRA nhận định: “Điều này rất đáng khích lệ vì nó cho thấy hướng đi mà Fed muốn, nhưng tôi nghĩ nó không đủ khiến Fed ngừng nâng lãi suất”.
Vào cuối tuần này, sức khoẻ nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ sẽ được thử thách khi mùa báo cáo lợi nhuận quý 1 khởi động. Các ngân hàng lớn JPMorgan Chase, Wells Fargo và Citigroup dự kiến công bố kết quả lợi nhuận, cũng như tập đoàn y tế UnitedHealth.