Giá vàng giảm vào ngày thứ Năm (09/02), khi nhà đầu tư chuẩn bị cho nhiều đợt nâng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với sự tập trung chú ý hiện chuyển sang dữ liệu lạm phát vào tuần tới có thể là một yếu tố quan trọng đối với các kế hoạch chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0.5% xuống 1,865.60 USD/oz, trước đó hợp đồng này đã tăng tới 1,890.18 USD/oz sau dữ liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ. Hợp đồng vàng tương lai mất 0.7% còn 1,878.50 USD/oz.
Phillip Streible, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, nhận định vàng đang cố đánh giá những nhận định của các quan chức Fed và liệu chúng ta sẽ thấy được bao nhiêu đợt nâng lãi suất nữa.
Một số quan chức Fed cho biết vào ngày 08/02 có khả năng sẽ nâng lãi suất nhiều hơn nữa, với Chủ tịch Fed khu vực Richmond, Tom Barkin, nói rằng “điều hành một cách thận trọng hơn là hợp lý” khi ngân hàng trung ương Mỹ nghiên cứu tác động của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế và nếu lạm phát tiếp tục chậm lại.
Thị trường hiện định giá lãi suất mục tiêu của Fed sẽ đạt đỉnh ở mức 5.1% vào tháng 7/2023, cao hơn khoảng 25 điểm cơ bản so với tuần trước.
Vàng cực kỳ nhạy cảm với việc nâng lãi suất của Mỹ, vì những điều này làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ tài sản không đem lại lợi suất.
Chỉ số đồng USD lùi 0.6%. Đồng USD suy yếu có xu hướng làm vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng, gây áp lực lên vàng.
Giá dầu giảm vào ngày thứ Năm (09/02), khi các cơ sở hạ tầng dầu mở dường như đã không bị thiệt hại nghiêm trọng từ trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, trong khi dự trữ tại Mỹ tăng và nhà đầu tư lo lắng về động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent lùi 59 xu (tương đương 0.7%) xuống 84.50 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 41 xu (tương đương 0.5%) còn 78.06 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng này đều tăng hơn 5% từ đầu tuần đến nay.
Trận động đất đã làm thiệt mạng hơn 19,000 người, ban đầu khi khiến giá dầu tăng cao do thảm hoạ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các đường ống dẫn và cơ sở hạ tầng khác, đồng thời làm giảm sản lượng dầu thô trên thị trường toàn cầu trong một thời gian.
John Kilduff, Đối tác tại Again Capital, nhận định: “Chúng ta sẽ không mất nguồn cung đó lâu như chúng ta nghĩ”.
BP Azerbaijan đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với các chuyến hàng dầu thô Azeri từ cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 07/02 sau khi trận động đất xảy ra vào sáng sớm ngày 06/02. Dầu Azeri tiếp tục được dẫn qua đường ống, BP Azerbaijan cho biết vào ngày thứ Năm.
Báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ đã làm tăng lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay để hạ nhiệt lạm phát, gây áp lực lên các tài sản rủi ro như dầu và chứng khoán.
Vào ngày 08/02, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng trong tuần trước lên 455.1 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021, qua đó gây áp lực lên giá dầu. Dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất cũng tăng trong tuần trước.
Triển vọng nhu cầu mạnh hơn từ Trung Quốc đã cung cấp một số hỗ trợ cho giá dầu, khi quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới chấm dứt hơn 3 năm thực hiện nghiêm ngặt chính sách zero-COVID-19.
Đồng USD suy yếu, thường giao dịch ngược chiều với dầu, cũng giúp hạn chế đà giảm của giá dầu. Chỉ số đồng USD lùi 0.7% xuống 102.74.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Năm (09/02), xoá sạch đà tăng đầu phiên khi những lo ngại về các động thái trong tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lấn át sự phấn khích xung quanh các báo cáo lợi nhuận mới nhất của doanh nghiệp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones lùi 249.13 điểm (tương đương 0.73%) xuống 33,699.88 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 36.36 điểm (tương đương 0.9%) còn 4,081.50 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm mạnh nhất trong 3 chỉ số, rớt 120.94 điểm (tương đương 1.02%) xuống 11,789.58 điểm.
Cả 3 chỉ số chính đều ghi nhận mức thấp nhất của phiên trong giờ giao dịch cuối cùng. Tại mức đỉnh trong phiên, Dow Jones đã tăng hơn 300 điểm, còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 0.9% và 1.4%.
Ed Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Phố Wall không thể giữ được tâm lý lạc quan. Một số nhà đầu tư đã cược rằng Fed sẽ phải thắt chặt nhiều hơn so với những gì Phố Wall kỳ vọng”.
Cổ phiếu Alphabet sụt hơn 4% khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại về sự cạnh tranh gia tăng trong không gian trí tuệ nhân tạo. Cổ phiếu Meta giảm 3% cũng tạo sức áp lên chỉ số Nasdaq Composite.
Nhà đầu tư gần đây đã theo dõi những nhận định của Fed khi họ tìm kiếm manh mối về các động thái chính sách trong tương lai sau đợt nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản hồi tuần trước. Vào ngày 07/02, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết lạm phát đang hạ nhiệt nhưng vẫn còn chặng đường dài ở phía trước.
Đồng thời, Phố Wall đang ở giữa mùa báo cáo lợi nhuận. Nhà đầu tư tìm kiếm thông tin sâu sắc hơn về tình hình hoạt động của các công ty trong bối cảnh lạm phát cao và cách họ kỳ vọng hoạt động trong tương lai. Nhà đầu tư ban đầu bước vào phiên với lệnh đặt mua giá cao sau báo cáo lợi nhuận tích cực từ Walt Disney và PepsiCo.
Cổ phiếu Disney mất hơn 1%. Trước đó, cổ phiếu này tăng sau khi gã khổng lồ ngành giải trí công bố số tài khoản đăng ký dịch vụ phát trực tuyến giảm thấp hơn dự báo cùng với kết quả lợi nhuận và doanh thu cao hơn dự báo.
Cổ phiếu PepsiCo tăng gần 1% nhờ kết quả lợi nhuận quý 4/2022 cao hơn dự báo của Phố Wall.
Tuy nhiên, bất chấp những kết quả kinh doanh tích cực mới nhất, Phố Wall đã xem mùa báo cáo lợi nhuận này là mờ nhạt. Gần 70% trong số 2/3 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo lợi nhuận cao hơn kỳ vọng, dữ liệu từ FactSet cho thấy. Tỷ lệ này thấp hơn mức trung bình 3 năm là 79%, theo dữ liệu từ Earnings Scout.