Nội dung chính
Vàng thế giới gần đỉnh 8 tháng khi đồng USD giảm
Giá vàng giảm nhẹ sau khi chạm đỉnh 8 tháng vào ngày thứ Hai, khi sự hỗ trợ từ đà suy yếu của đồng USD bị bù đắp bởi việc các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhắc lại lập trường quyết liệt của họ đối với lạm phát.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0.3% lên 1,870.45 USD/oz, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 09/05/2022 vào đầu phiên là 1,881.5 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0.4% lên 1,877.8 USD/oz.
Đồng USD dao động gần mức thấp nhất trong 7 tháng, làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp nhất trong 3 tuần.
Bob Haberkorn, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Chúng tôi cũng đang thấy một số dòng tiền đổ về kênh trú ẩn an toàn. Về mặt kỹ thuật, vàng có vẻ như có nhiều dư địa hơn vì nó đã mạnh mẽ vượt qua tất cả các điểm kháng cự mà chúng ta tiếp tục chứng kiến”.
Trong khi Chủ tịch Fed khu vực San Francisco, Mary Daly, cho biết đều có khả năng nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản hay 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào ngày 31/01 – 01/02 sắp tới, thì Chủ tịch Fed khu vực Atlanta, Raphael Bostic, nhận xét rằng việc “thận trọng hơn” trong điều chỉnh lãi suất là phù hợp, với lãi suất có thể duy trì ở mức cao hơn cho đến năm 2024.
Đặt cược trên thị trường tiền tệ cho thấy khả năng 75% Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách sắp tới, với lãi suất dự kiến ở dưới mức 5% vào tháng 6/2023.
Lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một kênh phòng ngừa lạm phát và làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất.
Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại một hội nghị ở Stockholm vào ngày thứ Ba (10/01) và theo dõi chặt chẽ dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ công bố trong tuần này để có thể đưa ra nhiều tín hiệu hơn về lộ trình nâng lãi suất của Mỹ.
Dầu tăng hơn 1% khi Trung Quốc mở cửa biên giới
Giá dầu tăng hơn 1% vào ngày thứ Hai (09/01), sau khi Trung Quốc chuyển sang mở cửa trở lại biên giới đã thúc đẩy triển vọng về nhu cầu nhiên liệu và làm lu mờ những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Đà tăng này một phần là nhờ tâm lý ưa thích rủi ro được hỗ trợ bởi cả việc mở cửa biên giới trở lại của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới Trung Quốc và những hy vọng lãi suất của Mỹ sẽ được nâng một cách ít quyết liệt hơn, với thị trường chứng khoán tăng và đồng USD suy yếu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 1.37% lên 79.65 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.17% lên 74.63 USD/thùng.
Tamas Varga của PVM nhận định: “Việc mở cửa trở lại dần dần của nền kinh tế Trung Quốc sẽ mang đến sự trợ giá bổ sung lớn”.
Giá dầu tăng sau khi giảm hơn 8% hồi tuần trước, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất vào đầu năm của cả 2 hợp đồng dầu kể từ năm 2016.
Là một phần của “giai đoạn mới” trong cuộc chiến chống COVID-19, Trung Quốc đã mở cửa biên giới vào cuối tuần qua lần đầu tiên trong 3 năm. Trong nước, dự kiến có khoảng 2 tỷ chuyến đi trong mùa Tết Nguyên đán, gần gấp đôi so với năm ngoái và bằng 70% so với năm 2019, Bắc Kinh cho biết.
Trong những diễn biến cự thế liên quan đến dầu mỏ, Trung Quốc đã ban hành hạn ngạch nhập khẩu dầu thô đợt 2 của năm 20223, theo các nguồn tin từ Reuters, nâng tổng hạn ngạch trong năm nay thêm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bất chấp đà phục hồi của giá dầu, vẫn có lo ngại rằng lượng lớn du khách Trung Quốc có thể gây ra một đợt lây nhiễm COVID-19 khác trong khi những lo ngại về kinh tế vẫn kéo dài.
Những lo ngại đó được phản ánh trong cấu trúc của thị trường dầu mỏ. Cả hợp đồng dầu Brent và dầu WTI thời hạn gần được giao dịch với mức chiết khấu cho tháng tới, một cầu trúc được gọi là contango, thường cho thấy tâm lý tiêu cực.
Trong khi đó, các hộ gia đình Mỹ nhận thấy lạm phát trong ngắn hạn yếu hơn và dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn đáng kể, ngay cả khi họ dự đoán thu nhập của mình sẽ tiếp tục tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực New York cho biết vào ngày thứ Hai trong cuộc Khảo sát về Kỳ vọng của người tiêu dùng trong tháng 12/2022.
Những người trả lời cuộc khảo sát này cho biết họ nhận thấy lạm phát 1 năm kể từ giờ là ở mức 5%, giảm so với mức 5.2% hồi tháng 11/2022, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021.
Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tại Price Futures group, nhận định: “Dữ liệu của Fed New York sẽ hỗ trợ giá dầu, vì nó cho thấy lạm phát đang đạt đỉnh”.
Nasdaq Composite tăng 2 phiên liên tiếp nhờ đà leo dốc của cổ phiếu Tesla
Đà tăng trong lĩnh vực công nghệ đã giúp Nasdaq Composite ghi nhận sắc xanh vào ngày thứ Hai (09/01), khi nhà đầu tư cược rằng lạm phát có thể đang hạ nhiệt.
Nasdaq Composite là chỉ số chính duy nhất khép phiên tăng điểm khi được thúc đẩy bởi đà tăng gần 6% của cổ phiếu Tesla. Cụ thể, chỉ số Nasdaq Composite tiến 66.36 điểm (tương đương 0.6%) lên 10,635.65 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones mất 112.96 điểm (tương đương 0.3%) còn 33,517.65 điểm, khi các cổ phiếu dược như Merck và Johnson & Johnson gây áp lực lên chỉ số này. Chỉ số S&P 500 lùi 2.99 điểm (tương đương 0.1%) xuống 3,892.09 điểm, nhưng đà tăng 1.1% của lĩnh vực công nghệ thông tin đã giúp xoá bớt mức giảm của chỉ số này.
Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance, nhận định: “Thị trường, ít nhất trong năm 2023, có vẻ lạc quan hơn nhiều so với cách chúng ta kết thúc năm 2022”.
Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong ngày thứ Hai sau một tuần giao dịch rút ngắn thắng lợi đối với cả 3 chỉ số chính, với Dow Jones và S&P 500 ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Phần lớn đà tăng đó đến vào ngày thứ Sáu (06/01) nhờ vào dữ liệu của ngành lao động và dịch vụ đã thúc đẩy hy vọng rằng nền kinh tế đang chững lại đủ để xoa dịu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Và ngày thứ Hai đánh dấu phiên giao dịch thứ 5 trong năm 2023, nhắc nhở nhà đầu tư về một quy tắc cổ điển của Phố Wall cho thấy thị trường sẽ tăng vào cuối năm nếu chứng khoán hoạt động tốt trong 5 phiên đầu tiên. S&P 500 đã khép năm tăng với 83% số lần chỉ số này kết thúc 5 phiên giao dịch đầu tiên tăng – và với mức tăng trung bình 14%, theo Stock Trader’s Almanac. S&P 500 hiên đã tăng 1.1% trong 5 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023.
Vào cuối tuần này, nhà đầu tư sẽ theo dõi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12/2022 công bố vào ngày thứ Năm (12/01) và báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng lớn dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu (13/01).