Các diễn giả tại chương trình “Bàn Tròn Đầu Tư” đã đưa ra dự báo rằng tăng trưởng ngành ngân hàng trong hai quý cuối năm có thể không còn mạnh như nửa đầu năm trong bối cảnh dư địa tín dụng hạn chế, biên lãi thuần (NIM) thu hẹp.
Ông Lê Hoài Ân, CFA Founder IFSS và Co-founder WiResearch, đánh giá những ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp đã tăng trưởng mạnh trong hai quý vừa qua, khiến cho dư địa tăng trưởng trong hai quý tới không còn nhiều nữa.
Chuyên gia chỉ đến những ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp như LPBank, Techcombank và HDBank đều đạt mức tăng trưởng tín dụng đột biến trong nửa đầu năm nay. Ngoài ra, ACB được biết đến là nhà băng mạnh về cho vay cá nhân nhưng ngay từ đầu năm cũng đã tuyên bố chuyển dịch sang mảng doanh nghiệp, FDI.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng trong nhóm này đã sử dụng tới khoảng 80% hạn mức (room tín dụng) trong nửa đầu năm. Mặc dù đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp thêm, nhưng dư địa tăng trưởng sẽ không còn quá nhiều.
Ở chiều ngược lại, nhóm tăng trưởng tín dụng kém trong nửa đầu năm nay bao gồm VPBank, VIB, Sacombank lại tập trung về cho vay tiêu dùng.
Do đó, ông Ân đánh giá tăng trưởng tín dụng trong những quý cuối năm sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng, chẳng hạn như cho vay mua nhà. Trong giai đoạn vừa qua, VIB đã đưa ra nhiều chương trình giảm lãi suất để kích cầu, ông lấy ví dụ.
Trong khi đó, các ông lớn ngân hàng quốc doanh vẫn sẽ có cách tiếp cận thận trọng và nhiều khả năng đã đăng ký mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp ngay từ đầu năm, chuyên gia cho hay.
“Những ngân hàng nào tăng trường được thì đã chạy nhanh hai quý đầu rồi”, ông nói. “Bởi vậy, gần đây NHNN nới room cho những ngân hàng giải ngân tốt”.
Bổ sung thêm, Trần Ngọc Báu, CEO & Founder CTCP WiGroup, cho biết mặc dù tăng trưởng so với quý liền trước của ngành ngân hàng có thể không tốt như giai đoạn đầu năm, nhưng nếu so với cùng kỳ, đây vẫn là kết quả tích cực.
Đồng thời, xu hướng lãi suất huy động bắt đầu nhích tăng trở lại từ cuối quý I, đầu quý II sẽ khiến chi phí vốn (COF) gia tăng trong quý III, làm NIM của ngân hàng thu hẹp.
Trong bối cảnh “tín dụng chậm lại, triển vọng lợi nhuận ngân hàng, xung lực tăng trưởng so với quý liền trước sẽ yếu đi hẳn”, chuyên gia dự báo.