Trong kinh doanh, trước khi tính tới chọn vị trí, nhân sự, tính toán tổng đầu tư, chi phí, điểm hòa vốn,… thì việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là lựa chọn mô hình kinh doanh và sản phẩm trên cơ sở lắng nghe nhu cầu của khách hàng. Xét cho cùng, như Sam Walton – nhà sáng lập Walmart nói: “Chỉ có duy nhất một ông chủ, đó là khách hàng!”
Một quán cà phê được thiết kế theo phong cách hầu đồng, lấy cảm hứng từ Tín ngưỡng thờ Mẫu (Đạo Mẫu), được chia thành bốn phủ, phù hợp với tên gọi Tứ phủ giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh liệu có phải là một sự lựa chọn ưa thích với khách hàng?
Nếu thời điểm quán mới khai trương, câu hỏi trên mới chỉ có những dự đoán, bàn tán thì quá trình “gồng lỗ” được chủ quán chia sẻ sau đó cũng như kết cục đóng cửa là câu trả lời cụ thể nhất.
Bên cạnh doanh thu – chi phí, điểm hòa vốn thì cái cốt lõi là mô hình kinh doanh của quán còn nhận về nhiều bình luận không tích cực. Việc đưa văn hóa tâm linh vào kinh doanh nhằm mục đích thương mại, kiếm tiền, có nên hay không?
Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam hay thường gọi là Đạo Mẫu, thờ Thánh Mẫu, thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ xuất hiện khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ Phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ, các vị thần trong điện thần tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Việt, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao,…
Về cơ bản Đạo Mẫu Tam, Tứ Phủ tự có một hệ thống thần linh đông đảo trong đó chủ yếu là phúc thần. Các tín đồ thường chỉ tập trung thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng xoay quanh các vị này. Chủ chốt và cao nhất là Ngọc Hoàng Thượng đế, Tứ Phủ Thánh Mẫu, rồi thấp dần là các hàng Tôn Quan (Quan Lớn), Thánh Chầu (Chầu Bà), Thánh Hoàng (Ông Hoàng), Thánh Cô và Thánh Cậu, Ngũ Hổ và Ông Lốt,… và có cả các thần linh địa phương (Thánh Bản Cảnh/ Thánh bản tỉnh).
Quay lại câu chuyện kinh doanh của cà phê Tứ phủ, nếu một vị khách hẹn đối tác để bàn công việc, chắc chắn sẽ không chọn địa điểm này vì không gian không phù hợp.
“Không gian quán tối và toát lên vẻ huyền bí, các chi tiết như menu, bàn ghế, bài trí, lọng che… đều nhuốm màu sắc hầu đồng. Kèm theo đó là những bài nhạc thiền hoặc nhạc chầu văn, khiến cho nơi đây đã huyền bí càng thêm phần ma mị.” – Bên trong quán cà phê Tứ phủ được mô tả lại trong một bài báo.
Nếu để tụ tập với bạn bè, cũng không hợp lý, vì ai cũng e ngại, nhỡ mồm nói ra những lời không phù hợp.
Nếu để nhằm tới đối tượng khách am hiểu về đạo Mẫu và Tứ phủ, mọi chuyện có vẻ nặng nề hơn. Một số bình luận dưới một bài viết bàn về vấn đề này trên mạng xã hội nhận xét:
Những người theo Tam, Tứ phủ vào quán thấy bị xúc phạm tín ngưỡng. Nếu muốn làm mô hình tâm linh phải tìm hiểu thật kỹ, có những hình ảnh, những tên gọi phải được đặt ở vị trí cao, hoặc trong hộp kính chỉ cho khách tham quan.
Trong khi đó, ở quán cà phê này còn lấy tên các Quan, các Chúa Chầu làm tên cho đồ uống, bánh trong menu.
Phía dưới, đa phần các bình luận đều tỏ ra bất bình và bày tỏ:
– Thần thánh là để thờ phụng, kính ngưỡng, không nên đem ra làm mồi cho việc bán buôn ăn uống…
– Không nên sử dụng các ý tưởng văn hóa thờ cúng vào kinh doanh, rất đụng chạm.
Bên cạnh đó, với những khách hàng không theo Tam, Tứ phủ, thì họ sẽ có tâm lý e ngại khi vào một nơi mang đậm văn hóa tâm linh như vậy. Có những bình luận như:
– Cuộc sống ở TP Hồ Chí Minh đã stress lắm rồi, vô những không gian như thế này thấy rất ngộp thở;
– Không đặt chân vào quán vì cảm giác không khí nặng nề, ngộp thở cho khách hàng;
– Dưới cái nhìn bình thường thì quán mất 2 nguồn khách: Một là trẻ em, hai là những người… yếu bóng vía;
– Sài Gòn bản chất là thích thoải mái, thoáng mát mà nhìn vô thấy như vậy là hết muốn vào rồi.
Cũng có người cho biết đã ghé quán vì hiếu kỳ, đồ uống ngon, giá cả phù hợp nhưng cũng không quay trở lại.