MBAz.net – Hoạt động ngân hàng ngầm có một số đặc điểm tương tự với hoạt động của ngân hàng thương mại truyền thống nhưng chưa có sự quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước.
Trong nhiều năm qua, hoạt động ngân hàng ngầm tại Việt Nam đã tồn tại song song với hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống với vai trò cung cấp nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, thông qua hoạt động cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán, hợp đồng mua lại, cho vay của các hiệu cầm đồ, cho vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, cá nhân trong nền kinh tế và đi vay trên thị trường tín dụng đen với lãi suất cao…
Sự tồn tại của hoạt động ngân hàng ngầm trong nền kinh tế Việt Nam đi kèm với những rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự ổn định hệ thống tài chính, đặt ra yêu cầu cần phải quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động này. Bài viết đưa ra các lý luận chung về ngân hàng ngầm và thực trạng ngân hàng ngầm trên thế giới cũng như tại Việt Nam, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm trong quản lý hoạt động hệ thống ngân hàng ngầm cho Việt Nam hiện nay.
1. Lý luận chung về hoạt động ngân hàng ngầm
Các tổ chức tham gia hoạt động ngân hàng ngầm bao gồm: Các tổ chức tài chính chuyên biệt thực hiện công cụ chứng khoán hóa1; các công ty tài chính cung cấp dịch vụ tín dụng không chịu sự quản lý như ngân hàng thương mại thông thường; các tổ chức bảo hiểm, tái bảo hiểm phát hành các sản phẩm tín dụng hoặc bảo lãnh tín dụng…
Các tổ chức trong hệ thống ngân hàng ngầm là những định chế tài chính hợp pháp nhưng lại không thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan giám sát về ngân hàng và không được sử dụng các dịch vụ của hệ thống bảo hiểm. Bên cạnh đó, các tổ chức thực hiện hoạt động ngân hàng ngầm không được ngân hàng trung ương đảm bảo thông qua các khoản vay tái cấp vốn, tái chiết khấu nhằm giảm thiểu rủi ro khi gặp vấn đề về thanh khoản như các tổ chức tài chính thuộc hệ thống ngân hàng thông thường.
Theo P. Mehrling, Z. Pozsar, J. Sweeney và D. Neilson (2012), hoạt động ngân hàng ngầm huy động nguồn vốn chủ yếu từ việc chứng khoán hóa. Sự khác nhau giữa hoạt động ngân hàng ngầm và hoạt động tại các ngân hàng thương mại truyền thống thể hiện rõ ở 3 khía cạnh:
(i) Hoạt động ngân hàng ngầm không được sự hỗ trợ trực tiếp từ khu vực công về vấn đề thanh khoản và ứng phó với các rủi ro như bảo hiểm hay vay tái cấp vốn, tái chiết khấu từ ngân hàng trung ương;
(ii) Nguồn vốn cho vay trong hoạt động ngân hàng ngầm được huy động thông qua bán các sản phẩm được chứng khoán hóa trên thị trường vốn. Chẳng hạn, các khoản cho vay được chứng khoán hóa thành các chứng khoán nợ và được bán trên thị trường vốn, các chứng khoán nợ này được đảm bảo bằng các tài sản thế chấp của các khoản cho vay đó. Trong khi nguồn vốn cho vay trong hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống được huy động chủ yếu bằng nguồn tiền gửi từ dân cư và không được đảm bảo bằng các tài sản đảm bảo khi có rủi ro xảy ra;
(iii) Mức lãi suất của các khoản cho vay được chứng khoán hóa thành các trái phiếu nợ phát hành bán cho nhà đầu tư căn cứ vào các rủi ro về tín dụng, lãi suất, tỷ giá.
Hoạt động ngân hàng ngầm được thực hiện dưới hình thức phát hành các sản phẩm chứng khoán hóa để tài trợ cho các khoản cho vay, hợp đồng mua lại, cho vay ký quỹ, vay mượn lẫn nhau trong hệ thống ngân hàng thương mại, tín dụng đen… Tuy các định chế và các công cụ tài chính trong hoạt động ngân hàng ngầm vẫn phải tuân thủ theo các quy định pháp luật về quản lý thị trường tài chính và công cụ tài chính phái sinh tại các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, nhưng ở hầu hết các nước, hoạt động ngân hàng ngầm được xem là hình thức phi truyền thống và không được tiếp nhận hỗ trợ về thanh khoản từ ngân hàng trung ương hoặc các bảo đảm tín dụng công như các ngân hàng thương mại truyền thống, đồng nghĩa với hoạt động ngân hàng ngầm không chịu sự điều tiết và kiểm soát chặt chẽ của các quy định an toàn tài chính do ngân hàng trung ương đặt ra.
Hoạt động ngân hàng ngầm hình thành từ quá trình chứng khoán hóa để cung cấp vốn cho các khoản cho vay
Một số sản phẩm tài chính hình thành qua quá trình chứng khoán hóa được phát hành rộng rãi như: Thương phiếu được đảm bảo bằng tài sản (ABCP); chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản (ABS), chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS).
Thương phiếu được đảm bảo bằng tài sản: Là một loại chứng khoán có đảm bảo (chẳng hạn như các khoản phải thu thương mại – thương phiếu, các doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động có thể bán lại thương phiếu cho ngân hàng), đầu tư ngắn hạn với kỳ hạn khoảng 90 – 180 ngày và thường được ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tài chính phát hành.
Chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản: Là một loại trái phiếu được phát hành trên cơ sở có sự đảm bảo bằng một tài sản (ngoại trừ bất động sản) hay một dòng tiền nào đó từ một nhóm tài sản gốc của người phát hành (tiền thu từ cho vay trả góp mua ô tô, mua nhà; tiền lãi từ tài khoản thẻ tín dụng…). Giả sử, một công ty bán ô tô trả góp cho khách hàng có thể phải đợi 7 – 10 năm sau mới thu được tiền, trong khi lại rất cần tiền mặt để phục vụ cho sản xuất – kinh doanh. Công ty này có thể nhóm các khoản cho vay để phát hành trái phiếu, huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh hiện tại.
Chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp: Hợp đồng cho vay có thế chấp phổ biến hiện nay được xem là một khoản cho vay được đảm bảo bằng một loại tài sản thế chấp, thông thường là bất động sản. Nếu người đi vay không thanh toán được các khoản vay theo hợp đồng thì người cho vay được quyền nắm giữ tài sản thế chấp và phát mại tài sản thế chấp. Như vậy, MBS là việc chứng khoán hóa các hợp đồng cho vay có tài sản thế chấp thành các trái phiếu để bán lại cho các nhà đầu tư nhằm huy động vốn trên thị trường. Người phát hành chứng khoán thanh toán cho nhà đầu tư bằng dòng tiền phát sinh từ những hợp đồng cho vay thế chấp được dùng để đảm bảo cho số chứng khoán đó.
Hợp đồng mua lại và cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán
Hợp đồng mua lại là thỏa thuận bán một chứng khoán với cam kết của người bán sẽ mua lại chứng khoán đó từ người mua với một mức giá vào thời điểm cụ thể trong tương lai. Về bản chất, hợp đồng mua lại là một khoản vay có tài sản thế chấp, trong đó tài sản thế chấp trong thỏa thuận mua lại là một chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu kho bạc, MBS, ABS). Lãi của khoản vay là phần chênh lệch giữa giá bán ban đầu của người bán và giá mua lại chứng khoán đó. Trên thế giới, bên cạnh vay tái cấp vốn, tái chiết khấu tại ngân hàng trung ương, thông thường các hợp đồng mua lại được thực hiện để huy động nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại khi cần vốn để giải quyết vấn đề thanh khoản hay cho vay.
Cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán: Là hình thức công ty chứng khoán cấp một khoản tín dụng cho nhà đầu tư để mua chứng khoán nhưng nhà đầu tư phải có tài sản đảm bảo là các chứng khoán đang nắm giữ. Công ty chứng khoán sẽ thu lãi từ các khoản cho vay của giao dịch ký quỹ đối với khách hàng đầu tư, nhà đầu tư sẽ có cơ hội hơn cũng như chịu nhiều rủi ro khi tiến hành vay ký quỹ của công ty chứng khoán để mua thêm cổ phiếu. Theo đó, bằng hình thức vay đối với giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư có thể nâng cao khả năng mua chứng khoán bằng tiền đi vay mượn. Các chứng khoán trong tài khoản sẽ trở thành tài sản thế chấp cho các khoản vay.
Hoạt động ngân hàng ngầm giữa các cá nhân tổ chức trong nền kinh tế
Hoạt động cho vay của các hiệu cầm đồ dưới hình thức cho vay có đảm bảo bằng tài sản cầm cố và mức lãi suất chi trả cũng như thời hạn trả được nêu trong hợp đồng cầm đồ.
Hoạt động cầm đồ khá phổ biến tại nhiều nước trong một thời gian dài. Hiệu cầm đồ có thể đăng ký kinh doanh dưới tư cách là doanh nghiệp hoặc hộ gia đình. Hoạt động của các cửa hiệu cầm đồ có vai trò cung ứng tín dụng đối với các nhóm đối tượng cá nhân có nhu cầu vay vốn nhưng không đủ các điều kiện để tiếp cận ngoài vốn ngân hàng thương mại.
Lãi suất cho vay của các hiệu cầm đồ được thỏa thuận và thường cao hơn mặt bằng lãi suất chung của ngân hàng thương mại. Tương tự, hoạt động tín dụng đen là hình thức vay mượn lẫn nhau khác của tầng lớp dân cư trong nền kinh tế như không cần tài sản đảm bảo nhưng với lãi suất cho vay thường cao hơn nhiều lần so với mặt bằng lãi suất của các kênh tín dụng chính thống, hình thức vay nhanh gọn với thời gian giải ngân nhanh khi hai bên đã đạt được thỏa thuận. Chủ thể đi vay thường là các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân chấp nhận vay vốn với lãi suất cao trong thời gian ngắn.
2. Hoạt động ngân hàng ngầm trên thế giới
Theo báo cáo của Ủy ban Ổn định tài chính FSB (2017), tính đến cuối năm 2015, hệ thống ngân hàng ngầm trên thế giới có tài sản đạt 34 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 69% GDP và 13% tài sản tài chính toàn cầu và có xu hướng tiếp tục tăng.
Giai đoạn 2011 – 2015, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng ngầm tăng trung bình 1,3 nghìn tỷ USD/năm, với tốc độ 5,6%/năm; trong khi đó, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng truyền thống và các tổ chức tài chính khác ước đạt 135 nghìn tỷ USD và 68 nghìn tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ có hệ thống ngân hàng ngầm lớn nhất với tổng tài sản đạt 14,2 nghìn tỷ USD vào năm 2014, chiếm hơn 1/3 tổng tài sản của hệ thống ngân hàng ngầm trên toàn cầu; khu vực châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc lần lượt chiếm khoảng 23%, 10%, 2%.
Một số quốc gia trên thế giới (như Ireland), quy mô của ngân hàng ngầm còn lớn hơn cả hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống. Hệ thống ngân hàng ngầm trên thế giới có tác động tích cực góp phần cung ứng thêm nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất – kinh doanh cũng như hình thành nhiều kênh đầu tư trên thị trường vốn. Bên cạnh đó, khi hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống gặp vấn đề trong cung cấp các khoản tín dụng cho nền kinh tế thì khách hàng có thể tìm hệ thống ngân hàng ngầm như một kênh vay vốn thay thế.
Trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 – 2008, các khoản tín dụng được chứng khoán hóa tăng trưởng mạnh, chủ yếu do sự đổ vỡ của “bong bóng” thị trường bất động sản bắt nguồn từ việc cho vay tín dụng nhà đất dưới chuẩn qua các sản phẩm cho vay thế chấp mua nhà như nghĩa vụ nợ thế chấp (CDO – một loại ABS). Tuy nhiên sau khủng hoảng, các khoản tín dụng được chứng khoán hóa có xu hướng giảm dần như các CDO, ABCP nhờ chính phủ các nước đã thắt chặt chính sách về các sản phẩm tài chính này.
Trong hệ thống tài chính hiện nay, tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao trong hệ thống ngân hàng ngầm sẽ tạo ra rủi ro lớn đối với kinh tế vĩ mô nếu hệ thống tài chính trên thế giới không có khả năng chống đỡ tốt. Bên cạnh đó, rủi ro kỳ hạn và rủi ro xuất phát từ hệ thống ngân hàng ngầm ở Trung Quốc khi hệ số nợ của các tổ chức phi tài chính tại Trung Quốc/GDP tăng từ 116% trong năm 2007 lên 240% vào năm 2015.
Sự gia tăng đòn bẩy tài chính trong nền kinh tế Trung Quốc dẫn đến “bong bóng” trong giá tài sản và sự bùng nổ của ngành xây dựng cơ sở hạ tầng tại nước này. Ứớc tính có khoảng 30% tín dụng của Trung Quốc là tín dụng từ hệ thống ngân hàng ngầm, dẫn tới rủi ro đối với ổn định tài chính của nước này cũng như hệ thống tài chính toàn cầu.
Hoạt động ngân hàng ngầm là nguồn cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp Trung Quốc, làm tăng nợ doanh nghiệp lên mức cao, khoảng 132% GDP vào năm 2015 và nợ của toàn nền kinh tế đạt khoảng 290% GDP, tương đương với các nước phát triển như Úc (290% GDP), Hoa Kỳ (286% GDP), Canada (286% GDP), Đức (254% GDP).
Một số quốc gia đã ban hành nhiều chính sách để hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động ngân hàng ngầm đến sự ổn định của hệ thống tài chính. Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ đã ban hành quy định mới về hướng dẫn sử dụng đòn bẩy tài chính. Trong đó đưa ra các hướng dẫn cụ thể để tăng khả năng giám sát tỷ lệ đòn bẩy tài chính. Ngoài ra, liên quan đến quản trị rủi ro đòi hỏi các định chế tài chính phải đưa ra tiêu chí đánh giá rủi ro rõ ràng, các cam kết quản trị rủi ro.
Một số quy tắc khác trong điều hành các thực thể trong hệ thống ngân hàng ngầm cũng áp dụng như quy tắc mới về vốn, các quy trình về chứng khoán hóa… đồng thời hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng ngầm cũng diễn ra thường xuyên hơn.
Tại châu Âu, N. Doyle, L. Hermans, P. Molitor and C. Weistroffer (2016) kiến nghị, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần đưa ra một số chính sách nhằm hạn chế rủi ro của hoạt động ngân hàng ngầm như tăng cường giám sát về thanh khoản, chuyển đổi thanh khoản, các ngân hàng thương mại cần tăng cường khả năng chống đỡ các cú sốc. Đồng thời phát triển hệ thống đánh giá khả năng chống đỡ với các cú sốc trên thị trường tài chính như đánh giá qua tính toán stress test cho hệ thống tài chính.
Tại các quỹ đầu tư ở châu Âu, tỷ lệ đòn bẩy tài chính cũng như các ràng buộc về tỷ lệ đòn bẩy tài chính được quy định nhằm đảm bảo ổn định của hệ thống tài chính. Tỷ lệ đòn bẩy của hệ thống ngân hàng ngầm tại châu Âu được cho là thấp so với hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nguồn vốn của các chủ thể có hoạt động ngân hàng ngầm ít ổn định vì nhà đầu tư có thể đột ngột rút vốn ra khỏi các quỹ đầu tư. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên về tỷ lệ đòn bẩy được sử dụng trong hệ thống ngân hàng ngầm cũng được ECB đề xuất thực hiện.
Tại Trung Quốc, Chính phủ đã đưa ra các chính sách nhằm hạn chế rủi ro của hoạt động ngân hàng ngầm đem lại như: Kiểm soát tốc độ tăng trưởng cho vay của các chủ thể ngoài hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống; yêu cầu minh bạch hơn về tài sản, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngầm.
3. Thực trạng và một số kiến nghị cho hoạt động ngân hàng ngầm tại Việt Nam
3.1 Thực trạng hoạt động ngân hàng ngầm
Hoạt động ngân hàng ngầm tại Việt Nam đã tồn tại trong nhiều năm qua, tuy nhiên vẫn ở cấp độ ít phức tạp và đa dạng. Hoạt động của ngân hàng ngầm liên quan đến việc chứng khoán hóa các khoản cho vay trong hệ thống ngân hàng thành các chứng khoán nợ để bán lại cho các tổ chức tài chính khác chưa phát triển, do mức độ phát triển của thị trường tài chính ở Việt Nam còn ở mức thấp.
Hoạt động ngân hàng ngầm hiện nay ở Việt Nam bao gồm: Hoạt động cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán, hợp đồng mua lại, phát hành chứng chỉ tiền gửi, cho vay của các hiệu cầm đồ, cho vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, cá nhân trong nền kinh tế và đi vay trên thị trường tín dụng đen với lãi suất cao.
Hoạt động cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán
Tại các thời điểm thị trường chứng khoán tăng cao thì dư nợ cho vay ký quỹ cũng lớn. Hoạt động cho vay ký quỹ cũng là một trong những nghiệp vụ mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty chứng khoán và góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam có bước tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2012 – 2017 cùng với đà phục hồi của nền kinh tế. Đặc biệt vào tháng 7/2017, VN-Index đã đạt mức cao kỷ lục trong 9 năm qua khi đạt 782.65 điểm. Tuy nhiên, hoạt động cho vay ký quỹ cũng mang lại nhiều rủi ro cho thị trường tài chính khi thị trường chứng khoán lao dốc.
Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều quy định trong việc kiểm soát cho vay ký quỹ trong các công ty chứng khoán nhằm từng bước giữ ổn định thị trường chứng khoán như:
(i) Tỷ lệ cho vay ký quỹ của công ty chứng khoán tối đa là 50%;
(ii) Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán;
(iii) Tỷ lệ cho vay mua chứng khoán trên vốn điều lệ của tổ chức tín dụng là 5%, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại dưới 3% mới đủ điều kiện để cho vay ký quỹ và không được cấp tín dụng trung dài hạn cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu;
(iv) Nhà đầu tư nước ngoài không được phép thực hiện giao dịch ký quỹ…
Các cơ chế chính sách liên quan đến cho vay ký quỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung đã góp phần làm giảm rủi ro có thể xảy ra của các khoản cho vay ký quỹ đến thị trường tài chính. Tính đến hết quý I/2017, tổng dư nợ cho vay ký quỹ tại 19 công ty chứng khoán lớn nhất đạt khoảng 25.658 tỷ đồng, chiếm hơn 1% vốn hóa toàn thị trường. Đây không phải là mức cho vay quá lớn đối với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam (đạt 2.290 nghìn tỷ đồng, tương đương với 51% GDP).
Rủi ro lớn nhất về hoạt động ngân hàng ngầm hiện nay khi cho vay ký quỹ đó là sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán tăng cao và đạt trạng thái “bong bóng”, đồng thời nhu cầu cũng như dư nợ cho vay ký quỹ đạt mức cao.
Khi “bong bóng” trên thị trường chứng khoán đổ vỡ, thị trường sẽ lao dốc mạnh, làm cho các công ty chứng khoán không kịp bán các tài sản đảm bảo cho vay ký quỹ, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tại các công ty chứng khoán tăng vọt. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh – một trong những nguồn thu quan trọng của các công ty chứng khoán, cũng chịu ảnh hưởng.
Lợi nhuận của các công ty chứng khoán sụt giảm có thể dẫn tới phá sản, nợ xấu trong các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại tăng lên (vì ngân hàng thương mại cũng tham gia cho vay đầu tư chứng khoán), gây bất ổn trên thị trường tài chính. Minh chứng là vào cuối năm 2011, thị trường chứng khoán lao dốc mạnh dẫn đến nhiều công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ, tạo ra bất ổn cho thị trường tài chính.
Theo báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán trong năm 2011, tổng lợi nhuận của 26 công ty chứng khoán đang niêm yết là -1.408 tỷ đồng, giảm so với mức lãi 1.758 tỷ đồng trong năm 2010. Tuy nhiên, do quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ so với thị trường ngân hàng, dư nợ cho vay ký quỹ trên thị trường không lớn so với vốn hóa thị trường chứng khoán và dư nợ của hệ thống ngân hàng thương mại, những bất ổn trên thị trường chứng khoán và tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán xấu đi trong giai đoạn thị trường chứng khoán lao dốc vừa qua chưa mang lại rủi ro có tính hệ thống và sụp đổ dây chuyền mà chỉ làm tăng thêm sự mất ổn định trong hệ thống tài chính.
Hoạt động mua lại chứng khoán
Ở Việt Nam, nghiệp vụ mua lại chứng khoán chủ yếu liên quan đến nghiệp vụ mua lại cổ phiếu của các công ty chứng khoán và mua lại trái phiếu. Hoạt động mua lại trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp cũng diễn ra sôi động. Trong năm 2016, giá trị giao dịch mua lại trái phiếu chính phủ đã vượt lên gần ngang với giao dịch outright (giao dịch giao ngay), đạt gần 34% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường (tăng so với mức 27,5% của năm 2015). Các chủ thể giao dịch mua lại trái phiếu chủ yếu liên quan đến các ngân hàng thương mại, các quỹ bảo hiểm, các quỹ đầu tư.
Đầu năm 2007, khi thị trường chứng khoán sôi động, nhiều công ty chứng khoán đã cung cấp dịch vụ mua lại cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Bước sang năm 2008, thị trường chứng khoán liên tục suy giảm làm cho nhiều công ty chứng khoán gặp rủi ro cho vay từ các hợp đồng mua lại, dẫn đến nguy cơ phá sản khi dư nợ cho vay theo hợp đồng mua lại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Do đó, ngày 27/5/2008, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Công văn số 990/UBCK-QLKD yêu cầu các công ty chứng khoán phải dừng ký mới các hợp đồng mua lại cổ phiếu do lo ngại rủi ro dẫn đến phá sản các công ty chứng khoán, ảnh hưởng tới ổn định tài chính cũng như thị trường chứng khoán có thể sẽ giảm sâu hơn nữa từ những tác động của hoạt động mua lại cổ phiếu. Đầu năm 2009, khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu phục hồi, các công ty chứng khoán đã cung cấp lại dịch vụ mua lại cổ phiếu.
Trên thực tế, chưa có một quy chuẩn pháp lý nào được ban hành cho dịch vụ mua lại cổ phiếu, nên các công ty chứng khoán đã tự định hình hợp đồng mua lại của riêng mình. Do vậy, trong hợp đồng có thể có những điều khoản có lợi cho cho công ty chứng khoán, dẫn đến khi xảy ra tranh chấp, nhà đầu tư sẽ là người bị thua thiệt. Cuối tháng 5/2009, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn yêu cầu các công ty chứng khoán không được ký mới các hợp đồng mua lại. Dự kiến trong thời gian tới, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ chính thức ban hành thông tư hướng dẫn giao dịch mua lại.
Nhìn chung, hoạt động ngân hàng ngầm liên quan đến hợp đồng mua lại ở nước ta chủ yếu tập trung ở mua lại trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp. Hoạt động này không mang lại rủi ro lớn vì trái phiếu chính phủ có độ an toàn cao và các tổ chức tham gia chủ yếu là các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư. Hợp đồng mua lại cổ phiếu mặc dù đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2007 nhưng quy mô nhỏ và mức độ phát triển còn thấp, do có sự kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong bối cảnh chưa có văn bản pháp lý chính thức quy định hoạt động của nghiệp vụ giao dịch mua lại cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Các hoạt động ngân hàng ngầm khác
Các hoạt động ngân hàng ngầm khác ở Việt Nam bao gồm hoạt động cho vay của các hiệu cầm đồ, tín dụng đen, chơi hụi, phường được các tầng lớp dân cư lập ra với quy mô thường nhỏ lẻ. Các hoạt động này ít chịu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng và số liệu thống kê chính thức về các hoạt động này cũng không nhiều. Theo Nguyễn Vân Hà (2016), ước tính dư nợ tín dụng của các hoạt động ngân hàng ngầm này chiếm tới 30% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống.
Hoạt động của hiệu cầm đồ là hình thức cho vay tiền có tài sản cầm cố để đảm bảo và hoạt động của cửa hiệu cầm đồ không chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động của các cửa hiệu cầm đồ tại Việt Nam hiện nay có vai trò cung ứng tín dụng đối với các nhóm đối tượng cá nhân có nhu cầu vay vốn nhưng không đủ các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng thương mại. Lãi suất cho vay của các hiệu cầm đồ do thỏa thuận và đa phần là cao hơn mặt bằng lãi suất chung của ngân hàng thương mại. Tương tự, hoạt động tín dụng đen với một số đặc điểm cơ bản như: Lãi suất thường được thỏa thuận với mức lãi suất cho vay cao hơn nhiều lần so với mặt bằng lãi suất của các kênh tín dụng chính thống với hình thức vay nhanh gọn với thời gian giải ngân nhanh khi hai bên đã đạt được thỏa thuận. Hoạt động chơi phường và hụi, thường có quy mô số tiền đóng góp không lớn và đối tượng tham gia theo các nhóm nhỏ xuất hiện từ lâu ở nước ta. Mỗi nhóm chơi phường hụi thường có người đứng ra làm chủ định kỳ các thành viên trong nhóm đóng góp số tiền được thỏa thuận từ trước đó.
Nhìn chung các hoạt động ngân hàng ngầm liên quan đến cho vay của các tiệm cầm đồ, tín dụng đen, chơi phường hụi có vai trò cung cấp nguồn vốn tín dụng cho các tầng lớp dân cư trong nền kinh tế khi họ khó khăn hoặc không thể tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại. Một số rủi ro có thể mang lại là các tranh chấp dân sự diễn ra với tần xuất thường xuyên do các hoạt động này thường ít chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước về lãi suất cho vay, các hình thức xử lý khi một trong các bên không hoàn thành nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng… Rủi ro hệ thống của các hoạt động ngân hàng ngầm này khó xảy ra vì chủ yếu trong các nhóm nhỏ không mang tính chất quy mô lớn có tính hệ thống và mối liên hệ chặt chẽ đến các chủ thể khác trong hệ thống tài chính như chứng khoán, ngân hàng dường như ít hoặc không có.
3.2. Một số kiến nghị
Nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực về rủi ro ngân hàng ngầm đến ổn định tài chính, cần tăng cường kiểm soát, quản lý rủi ro, giám sát chặt chẽ hoạt động hệ thống ngân hàng ngầm, nhất là thực trạng cho vay mua chứng khoán của các công ty chứng khoán hiện nay, vì sẽ làm gia tăng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cũng như rủi ro về thanh khoản. Khi thị trường chứng khoán biến động xấu, sụt giảm mạnh và nhanh chóng như giai đoạn cuối năm 2008 hay 2011 – 2012 có thể dẫn tới sự mất kiểm soát về nợ xấu của các công ty chứng khoán khi cho vay ký quỹ, do các cổ phiếu thuộc danh mục cho vay ký quỹ lao dốc mạnh làm cho công ty chứng khoán không kịp thời bán các chứng khoán được ký quỹ để giảm thiểu rủi ro, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính.
Các chủ thể tài chính trong hệ thống ngân hàng ngầm của Việt Nam chủ yếu thông qua ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và nguy cơ rủi ro hoạt động của các chủ thể này sẽ ảnh hưởng chung đến thị trường tài chính như làm gia tăng nợ xấu hàng loạt tại các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại hay kinh doanh thua lỗ phá sản tại nhiều công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư. Riêng hoạt động ngân hàng ngầm của các hiệu cầm đồ, cho vay lẫn nhau trên thị trường chợ đen thì rủi ro hệ thống mang lại không lớn, do mối liên kết giữa các chủ thể này với hệ thống tài chính còn thấp. Do đó, yêu cầu hiện nay cần phát triển hệ thống đánh giá khả năng chống đỡ với các cú sốc trên thị trường tài chính như tính toán stress test cho hệ thống tài chính (ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư) để đánh giá khả năng chịu đựng rủi ro hay mức độ tổn thương của các tổ chức tài chính trước những cú sốc bất lợi gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tài chính qua các chỉ tiêu về các chỉ số tài chính về vốn, mức độ tổn thất, tỷ lệ an toàn về thanh khoản giúp cơ quan hoạch định chính sách và các tổ chức tài chính chủ động đối phó những rủi ro.
Các hoạt động ngân hàng ngầm có thể ảnh hưởng đến mục tiêu mang tính chất vĩ mô của chính sách tiền tệ như lạm phát, tăng trưởng kinh tế hay chủ trương ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế giảm chi phí về vay vốn. Tuy nhiên, khi thống kê các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế thì số liệu về tín dụng trong hệ thống ngân hàng ngầm không được thống kê vào, do đó có thể dẫn đến sai lệch trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hằng năm về kế hoạch chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, mức lãi suất của các khoản tín dụng trong hệ thống ngầm cũng cần được thống kê, quan sát để đưa ra đánh giá tổng thể về thực trạng lãi suất cho vay trong nền kinh tế, vì trong từng giai đoạn, chính sách tiền tệ được nới lỏng với việc giảm lãi suất cho vay nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống do thiếu các tiêu chuẩn khi vay vốn nên tìm đến nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng ngầm với mức lãi suất vay cao hơn.
Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
1. Nguyễn Vân Hà (2015), Hoạt động tài chính ngầm, tác động của nó đến an toàn hệ thống ngân hàng và biện pháp phòng ngừa, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, Ngân hàng Nhà nước.
Tiếng Anh
2. D. Elliott, A. Kroeber and Y. Qiao (2015), Shadow Banking in China: A Primer, The Brookings Institution.
3. E. Sekine (2015), Reforming China’s Financial Markets: The Problem of Shadow Banking and Non – Performing Loans, Public Policy Review.
4. Financial Stability Board (2017), Global Shadow Banking Monitoring Report 2016.
5. N. Doyle, L. Hermans, P. Molitor and C. Weistroffer (2016), Shadow Banking in the Euro Area: Risks and Vulnerabilities in the Investment Fund Sector, European Central Bank.
6. P. Mehrling, Z. Pozsar, J. Sweeney and D. Neilson (2012), Bagehot Was a Shadow Banker: Shadow Banking, Central Banking and the Future of Global Finance, Institute for New Economic Thinking.
7. S. Claessens and L. Ratnovski (2015), What is Shadow Banking, IMF Working Paper.
8. Z. Pozsar, T. Adrian, A. Ashcraft and H. Boesky (2010), Shadow Banking, Federal Reserve Bank of New York.
1 Chứng khoán hóa là sự chuyển đổi các khoản cho vay của ngân hàng, các khoản phải thu thành các chứng khoán có thể bán (thường là các trái phiếu) cho các nhà đầu tư trên thị trường.
2 Tự doanh là việc công ty chứng khoán tự tiến hành các giao dịch mua, ban chứng khoán cho chính họ với mục đích tìm kiếm lợi nhuận từ việc kinh doanh chứng khoán.
Theo: Hồ Ngọc Tú – Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính