Cổ phiếu ngành khai thác khoáng sản như KSV, MTA tăng mạnh, dẫn đầu xu hướng nhờ làn sóng đầu tư công. Nhu cầu đá xây dựng tăng cao từ các dự án trọng điểm như Sân bay Long Thành, Vành đai 3… được dự báo sẽ còn thúc đẩy triển vọng nhóm cổ phiếu khai thác đá trong năm 2024.
Phiên giao dịch ngày 2712, thị giá cổ phiếu KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV – CTCP (HNX) ở mức 129.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng khoảng 190% – gấp gần 3 lần trong vòng một tháng. Thanh khoản trung bình 10 phiên gần nhất đạt khoảng 93.000 cổ phiếu.
Cùng thời điểm, cổ phiếu MTA của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh – CTCP tăng 150% (gấp 2,5 lần), lên mức 10.200 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất đạt hơn 169 nghìn đơn vị mỗi phiên.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khoáng sản khác cũng ghi nhận mức tăng đáng kể trong tháng qua, như KCB (90%), HGM (56%), BKC (40%), BMC (23%), FCM (12%), và VLB (11%). Tuy nhiên, nhóm vốn hóa lớn hơn trong ngành như KSB và DHA chỉ tăng khiêm tốn, lần lượt 6% và 10%, với thanh khoản cải thiện đáng kể trong hai phiên gần nhất.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu khai thác khoáng sản nằm trong bối cảnh ngành đầu tư công ghi nhận những tín hiệu tích cực |
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu khai thác khoáng sản nằm trong bối cảnh ngành đầu tư công ghi nhận những tín hiệu tích cực, đặc biệt ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, hạ tầng và xây dựng.
Theo báo cáo của Chứng khoán Tiên Phong (TPS), vốn đầu tư khu vực Nhà nước năm 2024 ước đạt 657.000 tỷ đồng, với mục tiêu giải ngân 95%. Nhiều dự án trọng điểm như Vành đai 3, Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, và Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đang được Chính phủ đẩy mạnh thực hiện.
Riêng tháng 11, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước ước đạt 75.900 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 11 tháng đầu năm, con số này đạt 572.000 tỷ đồng, tương đương 73,5% kế hoạch năm. Chính phủ cũng đang phân bổ nốt 29.100 tỷ đồng còn lại, trong đó 7.300 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 21.800 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá xây dựng trong giai đoạn 2023-2025 ước tính đạt khoảng 21,5 triệu m³, tăng 38% so với giai đoạn 2016-2021. Những dự án lớn như Sân bay Long Thành cần 2,05 triệu m³ đá và Vành đai 3 cần 5,2 triệu m³.
Đặc biệt, khu vực Đông Nam Bộ sẽ là trung tâm tiêu thụ lớn, với các mỏ đá Tân Cang trở thành nguồn cung chính cho các dự án này. Các doanh nghiệp sở hữu mỏ đá gần khu vực dự án, như Hóa An và VLB, được dự báo sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ tiết kiệm chi phí vận chuyển, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá đầu ra sản phẩm.
Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành khai thác đá ghi nhận sự phân hóa rõ rệt trong 9 tháng đầu năm. Theo phân tích của TPS, trong số 6 doanh nghiệp tiêu biểu, hai doanh nghiệp báo lỗ, hai doanh nghiệp giảm lãi và hai doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận.
Những khó khăn về chi phí sản xuất, vận hành, cùng tình trạng gián đoạn do thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng đã tác động không nhỏ đến hoạt động của ngành. Tuy nhiên, với việc Chính phủ tiếp tục tăng cường giải ngân đầu tư công, các doanh nghiệp khai thác đá, đặc biệt ở khu vực phía Nam, được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ trong năm 2024.