Đến hết quý III năm nay, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã đạt gần 5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ.
Được biết, UAE (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Tây Á (chỉ sau Kuwait).
Giai đoạn 2019-2023, tổng trao đổi thương mại song phương giữa hai nước trung bình ở mức 4,8 tỷ USD/năm, trong đó Việt Nam luôn duy trì cán cân thương mại xuất siêu với giá trị vượt trên 3 tỷ USD/năm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: “Việt Nam luôn coi UAE là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông. Việt Nam đánh giá cao vai trò, vị trí của UAE, là một trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, du lịch, logistics hàng đầu của khu vực Trung Đông và thế giới”.
Bộ trưởng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Đến hết quý III năm nay, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã đạt gần 5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,3 tỷ USD, tăng 7,5%, và nhập khẩu đạt hơn 650 triệu USD, tăng 10%.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: “Việt Nam luôn coi UAE là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông” |
Phòng Thương mại Quốc tế Dubai (Dubai Chambers) đánh giá tiềm năng hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và UAE còn rất lớn nhờ sự bổ trợ thế mạnh giữa hai nền kinh tế. Hai nước đã khởi động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) từ tháng 6/2023 và sẽ hoàn tất, ký kết trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ tới UAE dịp này.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ với Báo Chính phủ, khi Hiệp định CEPA có hiệu lực, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan đối với nhiều ngành hàng chủ lực và tiềm năng của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt tiếp cận thị trường UAE cũng như các quốc gia Trung Đông. Theo đó, các ngành hàng chính được hưởng lợi gồm:
– Nông sản: Các mặt hàng như hạt điều, hạt tiêu, mật ong sẽ có thêm cơ hội mở rộng tại thị trường UAE và Trung Đông nhờ thuế suất thấp hơn. Đặc biệt, khu vực này có nhu cầu lớn đối với nông sản sạch, hữu cơ và có chứng chỉ Halal.
– Hàng tiêu dùng: Dệt may, da giày, điện tử… đều là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Việc giảm thuế quan từ CEPA sẽ giúp các sản phẩm này tăng khả năng cạnh tranh về giá và mở rộng thị phần tại UAE, một thị trường có nhu cầu cao đối với thời trang và hàng tiêu dùng chất lượng.
– Hàng thủy sản: Với nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản cao cấp tại UAE, đặc biệt là tôm và cá, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng giá trị sản phẩm nhờ vào ưu đãi thuế từ CEPA.
– Gỗ và các sản phẩm từ gỗ: Đây cũng là lĩnh vực sẽ được hưởng lợi lớn từ CEPA. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và các dự án bất động sản cao cấp tại UAE, nhu cầu dành cho các sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất và vật liệu xây dựng là rất lớn.