Giới kinh doanh gạo trong nước phân tích, đầu tháng Tư tới giá lúa gạo có thể sẽ tăng cho nên ngay thời điểm này các nhà nhập khẩu gạo sẽ tranh thủ mua vào.
Nhiều yếu tố cho thấy cuối tháng Ba, có thể nhà nhập khẩu sẽ tăng mua gạo
Thu hoạch lúa Đông Xuân sẽ kết thúc vào cuối tháng 3
Theo thông tin từ các thương lái miền Tây, thị trường lúa gạo trong tuần qua tăng nhẹ đến cuối tuần thì ổn định. Do gạo OM5451 về ít nên giá bán gần bằng DT8.
Hiện gạo chất lượng đẹp được mua giá cao, dễ bán. Lúa tươi ngoài ruộng được thương lái hỏi mua sớm do lo ngại lúa Đông Xuân sắp cạn đồng. Hết tuần sau, lúa thu hoạch ít, thêm vào đó lượng lúa hàng hóa trên thị trường không còn dồi dào như trước.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống được 1.550.973 ha, đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích, tương đương 930.583 ha. Dự kiến thu hoạch lúa Đông Xuân sẽ kết thúc vào cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV cho biết, đến thời điểm này, vụ lúa Đông Xuân đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích. So với vụ trước, lượng lúa hàng hóa dồi dào, giá lúa có điều chỉnh giảm nhưng vẫn bình ổn. Hiện giá gạo xuất khẩu đang giảm từ 10 USD – 20 USD/tấn, so với thời điểm sau Tết Nguyên Đán.
“Giá gạo xuất khẩu giảm nên nhiều nhà nhập khẩu tìm mua nhưng họ vẫn dè chừng, chờ giá xuống thêm nữa mới chịu chốt hợp đồng”, ông Thành cho biết.
Theo ông Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV, thị trường Philippines rất chuộng các loại gạo OM18, OM5451 và DT8. Giá các loại gạo này đang dao động từ 480 – 500 USD/tấn, tùy theo chủng loại và tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc lại chuộng dòng gạo ST, vụ Đông Xuân năm nay, bà con trồng lúa ST25 tương đối nhiều.
“Có nhiều khách Trung Quốc tìm mua gạo ST25, giá đang dao động từ 750 – 800 USD/tấn, so với năm ngoái giảm khoảng 100 USD/tấn”, Giám đốc Công ty Phước Thành IV cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, lúa Đông Xuân đang thu hoạch rộ nguồn cung dồi dào, chất lượng tốt nhất nên có nhiều khách Trung Quốc, Philippines tìm về miền Tây mua gạo, đẩy giá lúa rục rịch tăng. Tuy nhiên, nghịch lý là khách hỏi mua nhiều nhưng không chịu tăng giá nên giá gạo xuất khẩu đang thấp hơn khoảng 10 – 20 USD/tấn so với đầu năm.
“Vụ lúa Đông Xuân dự kiến cuối tháng 3 sẽ kết thúc và giá lúa gạo có chiều hướng tăng trở lại”, ông Đôn cho biết.
Nhiều yếu tố khiến khách hàng tăng mua gạo vào cuối tháng Ba
Trước diễn biến của thị trường như trên, ông Giám đốc Công ty Phước Thành IV cho rằng, có 3 yếu tố cho thấy nhà nhập khẩu sẽ tăng mua gạo vào cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư:
Thứ nhất, cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư cao điểm thu hoạch rộ vụ Đông Xuân sẽ qua đi, lúa hàng hóa không còn nhiều, giá lúa gạo sẽ tăng lên. Các nhà nhập khẩu gạo đều biết nên từ nay đến cuối tháng Ba họ sẽ tranh thủ mua vào.
Thứ hai, vụ Đông Xuân là vụ lúa chính trong năm cho chất lượng gạo tốt nhất, các công ty kinh doanh gạo nội địa cũng tranh thủ mua vào giữ chân hàng trong kho bán dần đến vụ Hè Thu, thậm chí bán đến vụ Thu Đông.
Thứ ba, đầu năm 2023, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo có lượng tồn kho rất thấp, thậm chí có những công ty gần như hết tồn kho. Trong khi theo quy định của Nghị định 107 mỗi doanh nghiệp phải giữ trong kho lượng gạo tương đương 5%/ tổng lượng gạo xuất khẩu. Vụ Đông Xuân thích hợp để họ mua gạo dự trữ, đảm bảo an ninh lương thực.
“Vì các yếu tố trên, các nhà nhập khẩu sẽ tăng mua gạo vào thời điểm cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư, trong trường hợp họ không mua được đến khi nhập kho xong bên bán sẽ treo giá. Do đó, gạo chắc chắn sẽ không thể thấp hơn bây giờ”, Giám đốc Công ty Phước Thành IV chia sẻ.
Đồng quan điểm Giám đốc Công ty Việt Hưng cho biết, giá lúa đang có chiều hướng tăng nhẹ mặc dù giá gạo xuất khẩu vẫn đang giảm khoảng 10 USD bán so với đầu năm do khách Trung Quốc và Philippines vẫn còn đè giá chưa chịu mua cao.
“Mấy ngày nay giá lúa trong nước rục rịch tăng nhưng giá gạo xuất khẩu chưa tăng. Trước đây tôi bán gạo ST21 giá 620 USD/tấn nhưng hôm nay khách trả giá từ 590 – 600 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn. Đối với gạo ST24 lúc trước công ty bán giá 690 USD /tấn, nay khách trả 660 USD/tấn. Gạo ST21 và ST24 có chiều hướng giảm nhưng gạo DT8 đang có xu hướng tăng trở lại”, ông Đôn nói.
Đáng chú ý, mặc dù đồng tình với 3 yếu tố tác động đến tâm lý nhà nhập khẩu của Giám đốc Công ty Phước Thành 4 nhưng theo ông Giám đốc Công ty Việt Hưng, vấn đề khả năng tài chính của doanh nghiệp cũng góp phần tác động lên quyết định bán của họ.
Phân tích kỹ hơn, ông Đôn cho biết, đối với doanh nghiệp có hệ thống kho tàng không đảm bảo trữ lâu dẫn đến chất lượng gạo xuống cấp, cộng với việc vay tiền tương đối khó, thời gian vay lại ngắn và áp lực trả nợ ngân hàng khi đến hạn sẽ khiến họ không thể giữ hàng lâu chờ giá.
Ngược lại, đối với các doanh nghiệp có hệ thống kho chứa bảo đảm, tiềm lực kinh tế mạnh khi hàng đã vào kho, họ sẽ chờ thị trường định hình rồi mới bung hàng.
“Do vậy, khách hàng muốn mua gạo thì nên mua bây giờ, vì những doanh nghiệp có điều kiện về kho tàng bến bãi cộng với tiềm lực kinh tế mạnh khi dự trữ rồi họ thường chờ giá cao mới bán, nhà nhập khẩu muốn mua phải chấp nhận mua cao”, ông Đôn nói.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 893.256 tấn, tương đương gần 472,43 triệu USD, giảm 8,3% về khối lượng nhưng tăng nhẹ 0,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá trung bình đạt 528,9 USD/tấn, tăng 9,8%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 45% trong tổng lượng và chiếm 43,3% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 401.975 tấn, tương đương 204,69 triệu USD. Giá trung bình 509,2 USD/tấn, giảm 25,5% về lượng, giảm 18,2% về kim ngạch nhưng tăng 9,7% về giá so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 17% trong tổng lượng và chiếm 19% trong tổng kim ngạch, đạt 152.640 tấn, tương đương 90,01 triệu USD. Giá trung bình 589,7 USD/tấn, tăng mạnh 86,4% về lượng và tăng 120,5% kim ngạch; giá tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022. Theo nhận định của Bộ Công Thương, Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2023. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo còn cao cũng như tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác. |
Indonesia có thể nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm nay
Bộ Thương mại Indonesia (In-đô-nê-xi-a) cho biết quốc gia Đông Nam Á này có thể nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm nay để lấp đầy kho dự trữ gạo quốc gia (CBP) vốn đang giảm dần.
Ảnh minh họa
Thông báo nói trên được đưa ra sau khi chính phủ nhập khẩu 500.000 tấn gạo từ các nước gồm Việt Nam, Thái Lan và Pakistan (Pa-ki-xtan) bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái.
Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan cho hay chính phủ đã nhất trí về nội dung trên trong bối cảnh Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) chỉ còn khoảng 1/4 lượng dự trữ tối thiểu cần thiết là 1,2 triệu tấn.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban VI (giám sát các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và doanh nghiệp nhà nước) thuộc Hạ viện, ông Zulkifli nói: “Trong cuộc gặp với Tổng thống, chúng tôi đã quyết định rằng bất cứ khi nào cần, Indonesia có thể nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo. Không nhập thì làm sao đảm bảo nguồn cung?”.
Giá gạo tiếp tục tăng từ đầu năm bất chấp việc nhập khẩu gạo gây tranh cãi bắt đầu từ cuối năm ngoái và các biện pháp can thiệp thị trường mới đây của Bulog. Bảng giá của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) cho thấy giá gạo cao cấp và gạo chất lượng trung bình lần lượt ở mức 13.500 rupiah (88 xu Mỹ)/kg và 11.820 rupiah (77,04 xu Mỹ)/kg, cao hơn 2% và 19% so với giá trần.
Hồi tháng 2, giá gạo chất lượng cao đã tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022 lên mức 13.521 rupiah/kg, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tương tự, gạo chất lượng trung bình tăng giá 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 11.707 rupiah/kg, cao nhất kể từ năm 2018.
Theo Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), do được sử dụng phổ biến trong ẩm thực địa phương, gạo đóng góp lớn nhất vào tỷ lệ lạm phát so với bất kỳ loại hàng hóa nào khác. Vì vậy, bình ổn giá là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Ông Zulkifli khẳng định rằng, dù đã đưa ra lựa chọn này, song chính phủ sẽ không tiến hành nhập khẩu gạo trong tương lai gần. Theo ông Zulkifli, mùa thu hoạch sắp tới, do vậy nguồn cung từ nước ngoài tràn vào có thể ảnh hưởng đến giá trong nước.
Về phần mình, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bulog, ông Budi Waseso, cho hay cơ quan này đã phân phối khoảng 230.000 tấn gạo, chiếm gần một nửa trong số 500.000 tấn nhập khẩu, để ổn định giá thị trường.
Ông Budi cam kết tiếp tục phân phối để đáp ứng nhu cầu của các nhà bán lẻ và chợ truyền thống, đồng thời khẳng định giấy phép nhập khẩu sẽ chỉ được thực hiện trong tình huống khẩn cấp, ví dụ khi có nhu cầu cấp thiết nhằm giảm bớt hạn chế về nguồn cung.
Ngày 15/3, Chính phủ Indonesia đã tăng trần giá bán lẻ gạo 8% và 15% đối với gạo chất lượng cao cấp và gạo chất lượng trung bình nhằm bù đắp chi phí sản xuất cho nông dân trong bối cảnh giá nhiên liệu được trợ giá tăng cao và thiếu hụt nguồn cung phân bón.