Trong bối cảnh nhiều rào cản bởi lạm phát và lãi suất cao, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng vượt dự kiến trong quý III/2023 với mức tăng 4,9%.
Ngày 26/10, Bộ Thương mại Mỹ cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này đã tăng 4,9% trong quý III/2023, cao hơn dự báo tăng 4,7% của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones và cũng cao hơn mức tăng 2,1% của quý II. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ quý IV/2021, bất chấp lãi suất ở mức cao cùng nhiều “cơn gió ngược” khác.
Động lực thúc đẩy chính trong quý III/2023 đến từ chi tiêu tiêu dùng, hoạt động xuất khẩu, đầu tư của hộ gia đình, chi tiêu Chính phủ và hàng tồn kho tăng. Chi tiêu của người tiêu dùng đối với hàng hoá tăng 4,8%, còn với dịch vụ tăng 3,6%.
Chi tiêu tiêu dùng, được đo lường theo chỉ số PCE của Bộ Thương mại Mỹ đã tăng 4% – cao hơn đáng kể so với mức tăng 0,8% trong quý II. Tổng đầu tư của khu vực tư nhân tăng 8,4%; chi tiêu và đầu tư của Chính phủ tăng 4,6%.
Thị trường phản ứng không mấy “hào hứng” với tin tức này, khi hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ vẫn còn nhuốm sắc đỏ và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm.
Tại thời điểm mà nhiều nhà kinh tế cho rằng ít nhất Mỹ có thể xảy ra một cuộc suy thoái nông thì tốc độ tăng trưởng vẫn tích cực do chi tiêu của người tiêu dùng đã vượt quá mọi kỳ vọng – đóng góp khoảng 68% GDP trong quý III. Ngay cả khi các khoản tiền trợ cấp của chính phủ từ thời Covid sắp cạn kiệt, chi tiêu vẫn tăng mạnh.
Mức tăng này cũng diễn ra bất chấp Fed không chỉ tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980 mà còn phát tín hiệu sẽ giữ lãi suất ở mức cao cho đến khi lạm phát quay trở lại mức “chấp nhận được”. Lạm phát đã vượt xa mục tiêu 2% của FED, nhưng cũng đã hạ nhiệt trong những tháng gần đây.
Mặt khác, ngoài với lãi suất và lạm phát, người tiêu dùng còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như việc khôi phục chương trình thanh toán nợ vay sinh viên – dự kiến sẽ gây thiệt hại lớn cho ngân sách hộ gia đình hay giá xăng tăng cao và thị trường chứng khoán ảm đạm. Căng thẳng địa chính trị cũng có thể gây ra những vấn đề đau đầu.
Theo CNBC, trong khi Mỹ đã chứng minh được khả năng phục hồi trước nhiều thách thức khác nhau thì hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại đáng kể trong những tháng tới. Tuy nhiên, nhìn chung họ cho rằng Mỹ có thể vượt qua suy thoái mà không gặp bất kỳ cú sốc không lường trước nào.
Mức tăng trưởng trong quý 3 là một dấu hiệu cho thấy FED vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết vấn đề lạm phát. Đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể chịu được lãi suất cao hơn mà vẫn tăng trưởng. Hiện lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, nhưng đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong vài tháng gần đây.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã ghi nhận hiệu quả kinh tế mạnh mẽ bất ngờ trong những tháng gần đây. Powell cho biết: “Chúng tôi chú ý đến dữ liệu gần đây cho thấy khả năng phục hồi của tăng trưởng kinh tế và nhu cầu lao động ”.
Tham khảo CNBC