Cung tiền M2 của Mỹ vừa ghi nhận tháng giảm mạnh nhất so với cùng kỳ. Song, điều đó không có nghĩa là công việc của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã xong.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp vào giữa tháng 3 tới đây. Qua đó, Fed sẽ đưa lãi suất tại Mỹ lên phạm vi 4,75 – 5%.
Để khống chế lạm phát, kể từ tháng 3 năm ngoái, ngân hàng trung ương Mỹ đã triển khai chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong hàng chục năm qua.
Các đợt tăng lãi suất kết hợp với việc thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán của Fed dường như đang phát huy tác dụng, thể hiện qua việc lạm phát đã hạ nhiệt từ mức đỉnh tháng 9/2022 là 9,1% và cung tiền M2 sụt giảm.
Song, vấn đề quan trọng hơn là liệu Fed có thể hoàn thành mục tiêu đưa lạm phát quay về mức 2% trong một khoảng thời gian hợp lý hay không.
Dữ liệu do Fed công bố hôm 28/2 cho thấy trong tháng 1, cung tiền M2 của Mỹ đã sụt 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Barron’s, đây là mức giảm hàng năm lớn nhất được ghi nhận từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng của cung tiền M2 giảm liên tiếp hai tháng trong vài năm gần đây. Trước đó, vào tháng 12, cung tiền M2 đã sụt 1,12% so với cùng kỳ.
Vào tháng 2/2021, sau các gói kích thích kinh tế thời đại dịch của chính phủ Mỹ, cung tiền M2 từng báo cáo mức tăng trưởng cao kỷ lục 27%, Barrons cho biết thêm. Fed bắt đầu công bố dữ liệu về M2 vào năm 1959.
Theo ông Viral Acharya, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ và hiện là giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern (Đại học New York), cung tiền M2 suy giảm là tín hiệu đáng mừng.
“Sự đi xuống của cung tiền M2 phù hợp với định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed”, ông Acharya nhấn mạnh.
Dù vậy, việc chính sách của Fed có hiệu quả chỉ là một phần của câu chuyện. Phần còn lại là liệu chu kỳ thắt chặt của Fed đã đủ sức để đánh bật lạm phát hay chưa.
Mặc dù cung tiền M2 đang giảm với tốc độ kỷ lục, nhưng lượng tiền trong nền kinh tế hiện vẫn ở mức cao bất thường. Cung tiền M2 vẫn cao hơn 39% so với trước đại dịch.
Nói cách khác, lượng thanh khoản trong hệ thống tài chính vẫn còn rất lớn. Tiền nhiều nhưng hàng hoá và dịch vụ còn hạn chế, có thể kích thích lạm phát đi lên.
Chuyên gia kinh tế Robert Sockin của ngân hàng Citi cho biết, điều đó chứng tỏ không phải ai cũng có thể tin tưởng rằng tăng trưởng cung tiền M2 giảm đồng nghĩa với việc lạm phát đang đi xuống.
Cung tiền M2 hiện đang ở mức 21.270 tỷ USD, cao hơn gần 6.000 tỷ USD so với trước đại dịch COVID-19. Tại thời điểm này, lượng tiền trong nền kinh tế đã vượt quá GDP thực tế.
Ông Acharya nói, sự bền bỉ của nền kinh tế Mỹ và dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến của tháng 1 cho thấy tổng cầu và tiêu dùng vẫn ở mức khá cao. Điều đó có thể buộc Fed tăng lãi suất nhiều hơn trong tương lai.
“Trên thực tế, tôi nghĩ rằng các điều kiện hiện nay có vẻ rất phù hợp để Fed đưa lãi suất lên cao hơn”, ông Acharya nhấn mạnh.