Các tập đoàn bán lẻ lớn đang tăng tốc mở rộng các mảng chiến lược sau thời gian tái cấu trúc, đáng kể như MWG nâng quy mô Bách Hóa Xanh và EraBlue, Masan với hệ thống WinCommerce, chuỗi điện máy và nhà thuốc của FPT Retail hay nhà sách Fahasa.
Bách Hóa Xanh – chuỗi bán lẻ thực phẩm thuộc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) – có kế hoạch mở tiếp 7 cửa hàng mới trong tháng 8 và đang tìm kiếm thêm nhân sự. Các siêu thị mở mới sẽ đặt tại TP HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
7 siêu thị là con số không đáng kể đối với một chuỗi bán lẻ thực phẩm đang có khoảng 1.700 điểm bán, nhưng điều này đánh dấu sự xoay chiều chiến lược, mở rộng cửa hàng sau khi tìm ra “công thức chiến thắng”.
Trước đó, để tối ưu vận hành và tái cấu trúc từ năm 2022, Bách Hoá Xanh có thời điểm phải đóng cửa hàng trăm cửa hàng hoạt động không hiệu quả.
Hiện Bách Hóa Xanh đã trở thành “gà đẻ trứng vàng” mới cho tập đoàn khi lần đầu có lãi 7 tỷ đồng trong quý II. Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng quay lại mức đỉnh lịch sử 2,1 tỷ đồng và được dự báo tiếp tục tăng trưởng.
Trong năm nay, chuỗi bách hóa đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trung bình mỗi cửa hàng và tối ưu chi phí. Hệ thống dự kiến mở thêm 100 cửa hàng và chuẩn bị kế hoạch tăng hiện diện tại miền Trung, miền Bắc. Lãnh đạo Bách Hóa Xanh nói tự rằng có thể đạt lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong vài năm tới.
Không chỉ tập trung cho Bách Hóa Xanh mà MWG cũng đang dồn nguồn lực nhằm bành trướng mảng chiến lược mới EraBlue – chuỗi bán lẻ tại Indonesia có mô hình giống Điện Máy Xanh tại Việt Nam.
Sau hai năm phát triển, EraBlue đang là chuỗi bán lẻ theo mô hình hiện đại lớn nhất tại Indonesia với hơn 65 điểm bán. Cửa hàng EraBlue có doanh thu gần như gấp đôi so với một shop Điện máy Xanh có cùng diện tích tại Việt Nam.
Lãnh đạo MWG đặt mục tiêu EraBlue dự kiến có vị thế và doanh thu tương tự như một Điện Máy Xanh tại Indonesia. Tập đoàn sẽ nâng hệ thống lên gần 100 cửa hàng vào cuối năm nay và 500 cửa hàng vào 2027.
EraBlue là liên doanh được lập bởi MWG (nắm 45%) và Tập đoàn Erajaya (nắm 55%). Chuỗi đặt mục tiêu có lời ở cấp độ công ty trước quý IV/2024 và đại diện hai bên tiết lộ không loại trừ khả năng sẽ lên sàn tại Indonesia sau thời điểm 2027.
Để dồn lực cho 2 mảng chiến lược Bách Hóa Xanh và EraBlue, MWG không chỉ huy động thêm vốn mà còn phải tái cấu trúc các nguồn lực khác. Tập đoàn rút gọn 25 cửa hàng điện thoại, 91 shop điện máy và đóng 45 nhà thuốc trong quý II.
Masan Group (Mã: MSN) cũng đang đẩy mạnh mở mới cửa hàng trong vài năm tới. Nikkei Asia dẫn thông tin từ CEO WinCommerce Nguyễn Thị Phương rằng doanh nghiệp có mục tiêu tham vọng đạt 10.000 cửa hàng vào năm 2030.
Hệ thống này đang có 3.673 điểm bán tính đến hết quý II, tức mở thêm 40 cửa hàng từ đầu năm. Phía công ty cho biết sẽ đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm để đạt khoảng 100 cửa hàng mới mỗi quý, tương đương hơn 1 cửa hàng mỗi ngày.
WinCommerce có doanh thu tăng trưởng 9% trong quý II đạt 7.844 tỷ đồng. Thành công của chuỗi được cho là sự phục hồi của tiêu dùng, và các cửa hàng lần đầu tiên có lãi kể từ khi về tay Masan.
Theo số liệu thống kê, thị trường bán lẻ và dịch vụ Việt Nam đã tăng trưởng 10% trong năm 2023, đạt 6,23 triệu tỷ đồng, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng gần 8% mỗi năm. Bán lẻ vẫn hấp dẫn dù kinh tế khó khăn, người tiêu dùng chi tiêu thắt chặt thế nào.
Đầu tháng 8, FPT Retail (Mã: FRT) gây bất ngờ khi khai trương cùng lúc 10 cửa hàng điện máy tại TP HCM và các tỉnh thành phía nam như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang… chính thức đưa FPT Shop vào thị trường bán lẻ điện máy, gia dụng.
Lãnh đạo doanh nghiệp nói nếu kết quả từ 10 cửa hàng điện máy mới mở đạt được mục tiêu và kỳ vọng đề ra, FPT Shop sẽ mở rộng để nâng tổng số cửa hàng lên 50 trong năm nay.
Đây là thách thức rất lớn bởi thị trường điện máy được xem là đã bão hòa với những tay chơi lớn. Tuy nhiên, FPT Shop tự tin vẫn còn cơ hội khai thác, nhất là độ thâm nhập của dòng sản phẩm máy lạnh và máy giặt chưa cao.
Đối với hệ thống nhà thuốc Long Châu, FPT Retail đặt mục tiêu mở thêm 400 điểm bán mới trong năm nay để nâng tổng số cửa hàng lên khoảng 1.900 điểm trong năm 2024.
Trong nửa đầu năm nay, chuỗi ghi nhận doanh thu tăng trưởng ở mức 67% so với cùng kỳ đạt 11.521 tỷ đồng và chiếm 63% doanh thu toàn công ty. Hiệu quả hoạt động được duy trì với doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc vào khoảng 1,2 tỷ/tháng.
FPT Retail tính đến hết quý II sở hữu mạng lưới 2.435 cửa hàng trên cả nước. Trong đó, FPT Long Châu mở rộng thêm 209 điểm bán để nâng tổng số lên 1.706 nhà thuốc; còn FPT Shop hiện có 642 cửa hàng sau giai đoạn tái cơ cấu.
Công ty cũng mở rộng mạng lưới tiêm chủng vắc xin với 36 trung tâm mới trong quý II, nâng tổng số lên 87 trung tâm tại 40 tỉnh thành, đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng.
Công ty Phát hành sách TP HCM (Fahasa – Mã: FHS) từ đầu năm đã khai trương hơn 7 nhà sách mới, trong đó nhiều địa điểm tại các trung tâm thương mại đông khách như Fahasa Trần Duy Hưng, Fahasa Sông Trà, Fahasa Phạm Văn Đồng, Fahasa Hồng Bàng, Fahasa Hùng Vương, Fahasa 3/2, Fahasa Cái Bè…
“Một số đối thủ của Fahasa trước đây là đối tác chiến lược của Vincom nhưng hiện đã rút lui. Vì vậy, chúng tôi đã nhân cơ hội mở mới nhiều nhà sách tại các TTTM này”, ông Thắng cho biết.
Lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận trong thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ đi theo hướng thu hẹp quy mô và giảm chi phí. Nhưng ở góc độ khác, đây là dịp cho các doanh nghiệp có tiềm lực lớn nhanh chóng mở rộng và Fahasa nhìn nhận đây là cơ hội để chiếm lấy thị phần.
Fahasa hiện là chuỗi nhà sách có quy mô lớn nhất cả nước với 120 địa điểm kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố. Đơn vị này cũng có 2 kho hàng tại TP HCM và Hà Nội với tổng diện tích hơn 10.000 m2.
Năm 2024, công ty dự báo thị trường vẫn còn khó khăn nhưng sẽ vẫn đầu tư thêm các nhà sách mới và dự kiến tăng doanh thu thêm 5% lên 4.000 tỷ đồng. Kết quả bán niên ghi nhận 1.829 tỷ đồng doanh thu, thực hiện 46% kế hoạch năm.