Trong nhóm 6 mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ, mặt hàng dệt may đang có sự phục hồi rõ nét khi giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này theo xu hướng tăng liên tục từ đầu năm đến nay.
Theo số liệu mới công bố từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 9,01 tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong 1 năm kể từ tháng 8/2022. So với cùng kỳ, xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng trưởng, tuy nhiên chỉ còn giảm 9,4% (cải thiện so với mức giảm 13,7% trong tháng 7 và giảm 25,5% trong tháng 6). So với tháng trước, xuất khẩu sang Mỹ tăng 4,3%.
Trong nhóm 6 mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ, nhìn từ số liệu, nhóm hàng dệt may đang có sự phục hồi rõ nét theo tháng. Giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này theo xu hướng tăng liên tục từ đầu năm đến nay. So sánh với cùng kỳ, xuất khẩu hàng dệt, may vẫn tăng trưởng âm do mức nền năm ngoái cao, tuy nhiên đà giảm đang dần thu hẹp trong 3 tháng trở lại đây.
Trong khi đó nhóm hàng “gỗ và sản phẩm từ gỗ”, “giày dép các loại” ghi nhận sự cải thiện nhẹ.
“Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện” cũng là mặt hàng đang trong xu hướng phục hồi. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ trong tháng 8 đạt 1,52 tỷ USD – cao nhất trong 10 tháng trở lại đây. Tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 8 đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ và so với tháng liền trước.
Theo nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), khi nói đến khả năng phục hồi của xuất khẩu cần nhìn vào diễn biến xuất khẩu sang Mỹ – thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong tháng 8 xuất khẩu sang Mỹ chỉ còn giảm hơn 9% so với cùng kỳ, là mức giảm ít nhất trong 6 tháng. Kỳ vọng mức giảm này sẽ dần thu hẹp trong những tháng cuối năm nhờ hưởng lợi từ hiệu ứng mức nền thấp và thông thường quý IV các năm cũng là quý xuất khẩu bật tăng mạnh.
Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ đạt 62,11 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên giá trị vẫn cao hơn các năm trước.
Mới đây, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cũng nhận định có một số tín hiệu cho thấy xuất khẩu sẽ phục hồi vào quý IV nhờ tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã chạm đáy.
Nói về một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, VinaCapital cho biết hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao (hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh), các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.
Đầu năm 2023, doanh số bán hàng toàn cầu của máy tính cá nhân giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước (xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam giảm hơn 10% trong nửa đầu năm 2023), nhưng sự sụt giảm doanh số bán hàng đối với mặt hàng máy tính cá nhân và hàng điện tử tiêu dùng đã kết thúc – theo lời các điều hành cấp cao của Walmart. Họ cũng chỉ ra doanh số bán hàng sản phẩm điện tử tiêu dùng gần đây của Walmart đã cải thiện nhẹ.
Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Do đó, các đợt ra mắt sản phẩm điện thoại thông minh thế hệ mới có thể tác động lớn đến xuất khẩu và hoạt động sản xuất của Việt Nam. Riêng Samsung đã chiếm đến 1/4 tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Samsung vừa thông báo, doanh số bán hàng điện thoại thông minh giảm 12% trong quý II/2023 (cùng xu thế với sự suy giảm toàn cầu trong doanh số bán hàng điện thoại thông minh trong năm nay). Họ đang kỳ vọng về sự phục hồi trong nửa cuối năm nay, nhờ vào việc ra mắt các mẫu điện thoại mới, đặc biệt là điện thoại gập.
Apple và Google cũng có kế hoạch ra mắt các ra mắt các sản phẩm quan trọng.
Tuy những mẫu điện thoại mới này sẽ không được sản xuất tại Việt Nam, nhưng nhiều linh kiện được sử dụng cho các điện thoại mới sẽ được sản xuất tại Việt Nam bởi Foxxconn, Luxshare, Goertek và các nhà cung cấp khác.
Đối với mặt hàng may mặc và giày dép, VinaCapital dự báo xuất khẩu chưa phục hồi cho đến năm sau, vì tốc độ giảm lượng tồn kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ cho các mặt hàng này đang chậm hơn so với sản phẩm điện tử tiêu dùng.