Fed tăng lãi suất ảnh hưởng đến sức cầu tiêu dùng trong đó có các doanh nghiệp ngành dệt may. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực để cán đích kinh doanh.
Hứng khởi từ thị trường xuất khẩu
Xuất khẩu dệt may khởi sắc từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết quý IV. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dệt may trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam. Riêng thị trường EU, tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 1,64 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cho biết, dệt may tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, lạm phát và Fed tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến sức mua tại thị trường Mỹ và EU. Đây là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Lạm phát leo thang trên toàn cầu khiến giá nguyên phụ liệu ngành dệt may không ngừng gia tăng.
“Ngành dệt may đặt mục tiêu năm nay xuất khẩu đạt 43 – 44 tỷ USD, tuy nhiên, tôi cho rằng, toàn ngành có thể không cán đích đề ra nhưng vẫn tăng trưởng 5% so với cùng năm ngoái”, ông Thời nhận định.
Năm ngoái, dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD, với mức dự phóng tăng trưởng 5%, ước tính kim ngạch xuất khẩu năm nay có thể đạt khoảng 41 tỷ USD.
Mọi năm, tháng 6 và tháng 7 là cao điểm của ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh bởi vào vụ xuất hàng thu – đông. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết quý III và đơn hàng quý IV/2022.
Theo ông Thời, từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ có sự phân hoá rõ năng lực của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tốt, có uy tín sẽ nhận được nhiều đơn hàng còn những doanh vừa và nhỏ, uy tín thấp, đơn hàng kém hơn.
Nhận xét về triển vọng tăng trưởng của ngành dệt may, bà Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, nhóm doanh nghiệp ngành dệt may vẫn có sự tăng trưởng, nhưng có sự co giãn lớn khi người dân thắt chặt chi tiêu trước áp lực lạm phát. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trước đây, tiêu thụ hàng may mặc tại các thị trường lớn như châu Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… tăng trưởng trong bối cảnh các nền kinh tế này mở cửa trở lại cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm trực tuyến.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022 với con số khá tích cực. TNG cho biết, luỹ kế đến tháng 5/2022, TNG đạt 2.482 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 88 tỷ đồng, tăng lần lượt 42% và 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự phóng, 6 tháng đầu năm, doanh thu có thể đạt 3.212 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỷ đồng (tăng trưởng 53%).
Trong 5 tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) đạt doanh thu 77.407.000 USD, tăng 15%; lợi nhuận sau thuế đạt 4.403.000 USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, TCM đạt 43% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
TCM xuất khẩu hàng dệt may đi nhiều nước lớn trên thế giới. Xuất khẩu tháng 5/2022 của Công ty sang châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất với 61%, trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm 28,48%, Nhật Bản chiếm 19,17%; tiếp đến là châu Mỹ chiếm 35%, trong đó, thị trường Mỹ chiếm 32,92%, Canada chiếm 2,11%; châu Âu chiếm 4%, trong đó, thị trường Anh chiếm 3,22%.
Theo Công ty Chứng khoán KIS, các doanh nghiệp dệt may đang bước vào giai đoạn cao điểm sản xuất đơn hàng cho vụ thu – đông. Quý II, nhóm doanh nghiệp này ước tính sẽ có tăng trưởng thuận lợi với tình trạng đặt hàng tích cực từ phía khách hàng. Doanh thu có thể tăng trưởng mạnh mẽ đối với mảng may mặc nhờ việc gia tăng đơn hàng dự trữ từ khách hàng và sự phục hồi công suất nhanh chóng của các nhà máy.
Thách thức mới nảy sinh
Chủ tịch TNG Nguyễn Văn Thời tự tin, Công ty có thể đạt tăng trưởng 10% trong năm nay. Công ty đã nối lại đơn hàng đi thị trường Nga và nhận được nhiều đơn hàng của các tập đoàn lớn ở Nga, Mỹ, EU, Columbia…
Trong khi đó, TCM cho hay, đến tháng 6, Công ty nhận gần đủ đơn hàng cho quý IV/2022. Công ty đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại nhà máy Vĩnh Long 2 và hiện đã đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường đồng thời tiết kiệm chi phí.
Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH) cũng được nhà đầu tư kỳ vọng rộng đường tăng trưởng. MSH gia công hàng may mặc với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 90% trong cơ cấu doanh thu, tập trung vào các đơn hàng FOB cho một số khách hàng bán buôn và bán lẻ sản phẩm thời trang hàng đầu như Columbia, Walmart…
Thị trường chủ đạo của MSH là Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022, trong đó có 2 khách hàng lớn là Columbia và Walmart đều muốn tăng đơn hàng cho MSH.
Được biết, nhà máy SH10 (Nghĩa Hưng – Nam Định) đi vào hoạt động từ tháng 3/2022, với khoảng 2.000 công nhân, dự kiến đạt 100% công suất vào quý III năm nay, giúp nâng công suất FOB lên 35%. Doanh thu của MSH vẫn duy trì ổn định do các đơn hàng đã được ký kết đến quý III/2022.
Tuy nhiên, lạm phát leo thang trên toàn cầu khiến nguyên phụ liệu ngành dệt may không ngừng tăng. Mặt bằng giá nhập khẩu sợi nguyên liệu vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022 đều tăng so với tháng cùng kỳ năm 2021, đạt trung bình 3.049 USD/tấn, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Nhiều yếu tố tác động đến vấn đề tăng giá, trong đó, cước vận chuyển tăng mạnh ảnh hưởng đến tình hình nhập khẩu sợi nguyên liệu của Việt Nam. Dự báo, giá sợi vẫn ở mức cao trong thời gian tới, trước khi có thể có sự điều chỉnh trong nửa cuối năm nay.
Bà Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Biên lợi nhuận của ngành dệt may thấp hơn so với một số nhóm, ngành khác. Trong xu hướng chung như vậy, doanh nghiệp nào kiểm soát tốt chi phí sẽ có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc so với ngành.
Thời gian vừa qua, cổ phiếu dệt may có diễn biến không tích cực cũng bởi quan ngại áp lực nêu trên. Theo thời gian, những doanh nghiệp có xu hướng tăng trưởng tốt, biên lợi nhuận tốt sẽ có sự tăng trưởng về giá.
“Nếu tình hình lạm phát được kiểm soát tốt, sức mua của người tiêu dùng tăng lên, nhóm doanh nghiệp ngành dệt may sẽ có mức tăng trưởng cao”, bà Lam nhấn mạnh