Ngoài việc bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, quyết định cũng điều chỉnh tổng nhu cầu sử dụng đất theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 dự kiến là 33.600ha.
Theo báo Giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong Kế hoạch, chính sách, giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điểm đáng chú ý lại quyết định này là bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào các kế hoạch thực hiện. Trong đó, đối với nhiệm vụ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải, sẽ nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn áp dụng chính sách cảng mở tại khu bến cảng Lạch Huyện, Cái Mép – Thị Vải, Vân Phong và khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Với việc bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong quy hoạch, quyết định cũng điều chỉnh tổng nhu cầu sử dụng đất theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 dự kiến là 33.600ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước đến năm 2030 dự kiến là 606.000ha (chưa bao gồm diện tích vùng đất, vùng nước của khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ).
![]() |
Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: VnExpress) |
Nhu cầu sử dụng đất, mặt nước khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ xác định trong Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng được đưa vào danh mục các dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư được xác định trong Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao khu nước vùng nước và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Dự án được thực hiện tại Cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Dự án do liên danh CTCP Cảng Sài Gòn (thuộc VIMC) và Terminal Investment Limited Holding S.A – TIL (thành viên của hãng tàu biển MSC) đề xuất đầu tư.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sử dụng khoảng 571ha đất, tổng kinh phí đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư nhưng không thấp hơn 50.000 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.
Theo đề án nghiên cứu xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được TP. HCM trình Thủ tướng trước đó, công trình dài hơn 7km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 TEU). Công trình được nghiên cứu xây ở cù lao Phú Lợi, thuộc cửa sông Cái Mép, tổng vốn 5,45 tỷ USD. Dự án chia làm 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu xong năm 2027, hoàn thành toàn bộ cuối năm 2045.
Tính toán sơ bộ của cơ quan chức năng, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi được đầu tư hoàn chỉnh, đạt công suất thiết kế vào năm 2045 sẽ có nguồn thu 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm. Nguồn này lấy từ các khoản thuế hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp cùng các loại phí hàng hải, thuê mặt nước…
Cảng Cần Giờ không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP. HCM, qua đó nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.