Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng tiền gửi tiết kiệm dân cư trong năm 2022 tăng cao hơn mức tăng trưởng chung.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn thành phố trong năm 2022 tăng khoảng 6%. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm 37,2% trong tổng huy động vốn và tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung, tăng 9,2% so với cuối năm 2021.
Ngân hàng hút vốn tiết kiệm từ dân cư. Ngọc Thắng |
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đánh giá, diễn biến này khá tích cực trong bối cảnh năm 2022 có nhiều yếu tố tác động đến tâm lý người dân, người gửi tiền. Kết quả phản ánh kênh tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân, an toàn và hiệu quả, tiếp tục phản ánh niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng, được pháp luật bảo đảm lợi ích người gửi tiền trong mọi trường hợp. Bên cạnh đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư là bộ phận tiền gửi ổn định nhất, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn khai thác và sử dụng vốn hiệu quả.
Từ quý 3/2022, lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng thương mại tăng liên tục, mức tăng từ 2 – 3%/năm so với đầu năm. Lãi suất dao động từ 6 – 10%/năm đã thu hút lượng tiền nhàn rỗi trên thị trường.
Ngoài ra, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM ước đạt trên 3,2 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 14% so với cuối năm 2021, bằng với mức tăng trưởng định hướng của Ngân hàng Trung ương. Nguồn tín dụng này góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân và thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế thành phố GRDP tăng trên 9%.