Nội dung chính
Lạm phát toàn thế giới
Thế giới nỗ lực tránh lặp lại cú sốc lạm phát thập niên 70
Giá hàng hóa tăng kỷ lục và lạm phát cao sau Covid-19 gợi nhớ cú sốc năng lượng 40 năm trước và tăng trưởng kinh tế ì ạch sau đó.
Maurice Obstfeld – cựu chuyên gia kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng lo ngại này là có cơ sở. “Tình hình hiện tại càng kéo dài, khả năng các nền kinh tế chịu hậu quả tương tự thập niên 70 càng lớn”, ông nói.
Thập niên 70 có hai đợt giá nhiên liệu tăng, là OPEC cấm vận dầu mỏ năm 1973 và Cách mạng Hồi giáo tại Iran 6 năm sau. Vòng xoáy tăng giá – tăng lương là nguyên chân chính gây ra lạm phát dai dẳng và khiến các nền kinh tế tăng trưởng ì ạch một thời gian dài sau đó.
Tại Đức, sau cú sốc giá dầu 1973, các công đoàn phản ứng với việc lạm phát lên gần 8% bằng cách đẩy lương tăng hai chữ số. Việc này đã góp phần đẩy Đức vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại chiến Thế giới II.
Còn hiện tại, vài tuần kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai quân đội tại biên giới Ukraine, giá dầu thô đã vượt 130 USD một thùng. Nga hiện cũng là nước sản xuất chính nhiều hàng hóa, từ lúa mỳ, phân bón đến nickel. Lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm náo loạn các thị trường này.
Anh, Đức, Italy nằm trong nhóm nước có giá xăng cao nhất châu Âu (đơn vị: euro/lít). Đồ họa: Bloomberg
Dù vậy, nhìn chung, giới kinh tế học cho rằng hậu quả này vẫn có thể tránh được. Tuy nhiên, những lý do họ đưa ra thì không mấy vui vẻ với cả các doanh nghiệp và người lao động.
Một là các nước sẽ tập trung đối phó lạm phát. Tăng trưởng kinh tế yếu đi, thậm chí suy thoái có thể là cái giá phải trả cho việc này. Các nền kinh tế mới nổi sẽ đặc biệt chịu tổn thương.
Điều này một phần là vì các ngân hàng trung ương, như Fed, đã rút ra bài học từ quá trình lạm phát kéo dài hồi thập niên 70, Mark Zandi – kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho biết. “Họ thà đẩy nền kinh tế vào suy thoái sớm, hơn là vừa tăng trưởng chậm vừa lạm phát và thất nghiệp cao (stagflation) rồi sau đó rơi vào một cuộc suy thoái tồi tệ hơn”, Zandi nói.
Một lý do chính khác mà các nhà kinh tế học không cho rằng tình hình thập niên 70 lặp lại, là người lao động khó đàm phán tăng lương như thời đó. Tại Mỹ và Anh, các công đoàn đang giảm quy mô đáng kể. Thậm chí tại Đức – nơi họ đóng vai trò lớn hơn – người lao động cũng đã được cảnh báo về hậu quả nếu lương tăng quá cao.
Điều này đồng nghĩa khả năng lặp lại vòng xoáy tăng lương – tăng giá là rất khó. Tình hình hiện tại thậm chí còn khiến các hộ gia đình phải cân nhắc giảm chi, khi thu nhập không theo kịp giá lương thực thực phẩm và xăng.
Cả trong thập niên 70 lẫn hiện tại, các cú sốc đều đánh vào các nền kinh tế vốn đang đối mặt với lạm phát. Ví dụ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được dự báo tăng 7,9% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái – cao nhất kể từ năm 1982.
Thập niên 70 chứng kiến sự chấm dứt hoàn toàn hệ thống bản vị vàng, khiến đồng đôla mất giá. Bên cạnh đó là hệ quả từ đợt kích thích từ thập niên 60. Thậm chí, sự thiếu hụt cá cơm biển – nguyên liệu chính cho thức ăn gia súc – khiến giá thịt bò tăng cao.
Còn hiện tại, nguồn cơn lạm phát là Covid-19 khiến chuỗi cung ứng gián đoạn. Các chính phủ phải tăng chi tiêu công và nới lỏng chính sách tiền tệ. Châu Âu thậm chí đối mặt với khủng hoảng năng lượng trước cả khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.
Tuy nhiên, sự khác biệt là các nền kinh tế phát triển hiện ít phụ thuộc vào năng lượng hơn là cách đây 4 thập kỷ. “Tiêu thụ dầu trên GDP hiện thấp hơn và hiệu suất sử dụng năng lượng cũng được cải thiện”, Paul Donovan – kinh tế trưởng tại UBS Wealth Management nhận định, “Không chỉ năng lượng, chúng ta hiện còn ít sử dụng hàng hóa hơn nhiều. Chỉ khoảng 20% giá bánh mỳ là tiền bột mỳ mà thôi”.
Dù vậy, một vài số liệu trên có thể thay đổi trong cuộc khủng hoảng lần này. Tại châu Âu – nơi nhập khẩu dầu khí Nga lớn nhất – gánh nặng về chi phí năng lượng lên nền kinh tế này có thể sẽ lên cao nhất kể từ thập niên 70, theo Alex Brazier – cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Anh.
Làn sóng tăng giá do hàng hóa cũng đồng nghĩa các ngân hàng trung ương đau đầu hơn khi phải cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và thúc đẩy kinh tế. Tại Mỹ, nhà đầu tư vẫn dự báo Fed sẽ nâng lãi ít nhất 6 lần năm nay, mỗi lần 0,25%, bắt đầu từ tuần tới. Các nhà kinh tế học tại Citigroup còn dự báo Fed sẽ nâng lãi 0,5% vào một thời điểm nào đó.
Dù vậy, Isabella Weber – nhà kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst – cho rằng việc dựa vào Fed để kiềm chế giá cả có thể gây ra những thiệt hại kinh tế không cần thiết. Bà cho rằng nên có ít nhất một cuộc thảo luận nghiêm túc về việc chính phủ phải kiểm soát giá hàng thiết yếu.
Từ tháng 12, Weber đã lên tiếng cảnh báo việc này. Hiện tại, bà cho biết tình hình còn tồi tệ hơn, do giá thực phẩm và năng lượng đều tăng cao.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực để không lặp lại sai lầm thập niên 70. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden cảnh báo các công ty về việc lợi dụng tăng giá. Khi thông báo cấm nhập khẩu dầu Nga hôm 8/3, Biden cho biết chính phủ Mỹ sẽ rà soát kỹ ngành xăng dầu để tìm dấu hiệu “tăng giá quá mức hoặc trục lợi”.
Về lương, tại nhiều quốc gia (như Mỹ và Anh), năng lực đàm phán lương của các liên đoàn lao động đã giảm đáng kể. Đức, nơi công đoàn vẫn còn khá mạnh, cũng rút ra bài học từ thập niên 70. Hiện tại, các công đoàn và chủ lao động đã tìm đến chính phủ để nhờ trợ giúp. IG Metall (công đoàn lớn nhất Đức) và Gesamtmetall (hiệp hội các chủ doanh nghiệp) đang “tìm gói giải pháp toàn diện” để bù đắp ảnh hưởng của lạm phát.
Các nước như Pháp và Tây Ban Nha thì dùng chính sách tài khóa để xoa dịu cú sốc lạm phát. Họ hỗ trợ các hộ gia đình trả hóa đơn. Một số nhà kinh tế cũng ủng hộ cách tiếp cận tương tự tại Mỹ.
Tất cả những chính sách này giúp kinh tế toàn cầu có bộ đệm tốt hơn hẳn thập niên 70. Christopher Smart – kinh tế trưởng tại Barings cho biết. Ông dự báo nếu có xảy ra, thời kỳ stagflation cũng sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Dù vậy, ông cho rằng việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đã châm ngòi cho “một cuộc khủng hoảng thực sự có thể kéo dài nhiều năm hoặc hàng thập kỷ”.
Hà Thu (theo Bloomberg)
Lạm phát dâng lên khắp thế giới
Lạm phát tăng do cầu mạnh còn cung lại tắc nghẽn, giá năng lượng và nguyên liệu leo thang, nhưng G20 đánh giá đây có thể chỉ là vấn đề tạm thời.
Ngân hàng trung ương Chile giữa tuần này đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên 2,75%. Động thái khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên vì đây là mức tăng lãi suất lớn nhất trong 20 năm.
Sandra Valenzuela, 46 tuổi, sống ở Santiago, đã bị mất việc nhân viên bán hàng vào năm ngoái. Gia đình cô đã cắt giảm việc ăn thịt vì giá quá đắt. Họ cũng mua các loại hàng hóa khác có thương hiệu rẻ hơn. “Chúng tôi phải thích ứng với nền kinh tế”, cô nói.
Tăng giá hàng hóa leo thang nhanh hơn trên toàn thế giới vào tháng 3, đưa tỷ lệ lạm phát cao hơn mức dự kiến của hầu hết ngân hàng trung ương. Vào tháng 8, tỷ lệ lạm phát hàng năm của G20 – chiếm khoảng bốn phần năm sản lượng kinh tế của thế giới – đã tăng lên mức cao trong một thập kỷ.
Tình hình lạm phát tại Mỹ (xanh dương), Eurozone (xám), G20 (Cam) và Brazil (xanh lá). Nguồn: WSJ
Lạm phát đang được thúc đẩy bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố mà một số ngân hàng trung ương từng chứng kiến trước đây. Nhu cầu tiêu dùng đã phục hồi sớm và mạnh hơn nhiều so với diễn biến thường thấy sau một cuộc suy thoái kinh tế. Trong khi đó, nguồn cung phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu.
Vì nghĩ rằng tiến trình phục hồi sẽ nhẹ nhàng và mất thời gian hơn, ít nhà sản xuất đã quyết định tăng thêm công suất trong đại dịch. Chưa kể, các nhà máy và nhiều bộ phận của mạng lưới giao thông toàn cầu còn bị cản trở bởi các hạn chế của chính phủ về hoạt động và di chuyển.
Lãnh đạo các ngân hàng trung ương của G20 đã gặp nhau hôm thứ tư (13/10) tại Washington DC. Họ dự báo cung và cầu sẽ cân bằng trong những tháng tới và tỷ lệ lạm phát sẽ giảm bớt. Nhưng một số trong đó đã quyết định tăng lãi suất từ trước, đáng chú ý nhất là Brazil và Nga.
Và khi lạm phát tiếp tục tăng và chưa có điểm kết thúc rõ ràng, các ngân hàng trung ương khác cũng có động thái tương tự. Trong số 38 ngân hàng trung ương mà Ngân hàng Thanh toán Quốc tế theo dõi, có 13 ngân hàng đã tăng lãi suất cơ bản ít nhất một lần.
Vào tháng 10, các ngân hàng trung ương của New Zealand, Ba Lan và Romania đã tăng chi phí đi vay lần đầu tiên kể từ khi đại dịch xảy ra. Singapore, quốc gia thắt chặt chính sách bằng cách thúc đẩy tỷ giá hối đoái lên cao hơn, cũng đã tăng lãi suất vào thứ năm (14/10).
Với tất cả ngân hàng trung ương, nỗi lo lớn là lạm phát gia tăng khi các hộ gia đình bắt đầu tính đến kỳ vọng rằng lạm phát nhanh hơn nên tiếp tục mặc cả tiền lương và các doanh nghiệp cũng đưa ra giả định tương tự khi họ định giá. Những nơi từng trải qua những đợt lạm phát lớn sẽ gặp rủi ro này nhiều hơn.
Theo Bhanu Baweja, Chiến lược gia trưởng tại UBS Research, các thị trường mới nổi sẽ có nguy cơ lạm phát tăng cao hơn nhiều. Ví dụ, hầu hết mọi quốc gia ở Nam Mỹ đều đã trải qua một thời kỳ lạm phát rất cao trong trí nhớ của người dân. Giá cả nơi đây tiếp tục tăng khi số ca nhiễm giảm. Nếu không được tăng lương phù hợp, nhiều gia đình sẽ lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính.
Giống như Chile, Colombia và Peru cũng đang chứng kiến giá cả tăng cao sau nhiều năm kiểm soát lạm phát. Ngân hàng trung ương ở hai nước này đã thắt chặt chính sách tiền tệ khi các hộ gia đình phải vật lộn để kiếm sống.
Peru, một trong những quốc gia có nền kinh tế suy giảm lớn nhất Mỹ Latinh năm 2020, đang vật lộn với mức tăng giá tiêu dùng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất tham chiếu kể từ tháng 8, bao gồm mức tăng 0,5 điểm phần trăm trong tháng 10, lên 1,5%. Lạm phát của Peru đạt 5,2% trong tháng 9 vừa qua.
Hầu hết ngân hàng trung ương hiện đại đều có kinh nghiệm ứng phó với lạm phát vì đã từng trải qua cuộc chiến chống lạm phát cao từng xảy ra ở các nước giàu những năm 1970. Bài học quan trọng mà họ rút ra từ thời kỳ đó là khi tiền lương tăng rất nhanh để phù hợp với lạm phát, thì giá cả sẽ tăng mạnh hơn nữa, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Ngày nay, ở một số quốc gia, rủi ro về vòng xoáy tiền lương và giá cả sẽ lớn hơn các rủi ro khác, khi họ ít có khả năng tuyển thêm được người để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Trung Âu là trường hợp như vậy, nơi một số ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong những tháng gần đây.
Do tỷ lệ sinh thấp và người dân di cư sang Tây Âu nên lao động ở Trung Âu bị suy giảm. Theo dự đoán từ cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu, dân số Ba Lan có thể giảm hơn 1/5 vào năm 2100. “Trung và Đông Âu là một trong những khu vực mà chúng tôi nghĩ rằng nguy cơ lạm phát cao hơn kéo dài trong vài năm tới là lớn nhất”, Liam Peach, Nhà kinh tế tại Capital Economics, nói.
Một cửa hàng tạp hóa ở Paris, Pháp. Ảnh: Bloomberg
Đối với các nhà hoạch định chính sách tại Fed và ECB, mối đe dọa về vòng xoáy tiền lương và giá cả dường như thấp hơn. Họ cho rằng ký ức về một thời gian dài lạm phát thấp mới là nguyên nhân củng cố kỳ vọng của các hộ gia đình rằng giá sẽ tăng. Quan điểm đó gần đây đã bị nghi ngờ bởi các nhà kinh tế, bao gồm cả nhà kinh tế của Fed, Jeremy Rudd, người lập luận rằng không có bằng chứng thấy kỳ vọng như vậy sẽ thúc đẩy lạm phát tăng.
Giá thực phẩm và năng lượng tăng cũng đã đẩy lạm phát lên ở phần lớn các nước châu Phi cận Sahara. Ngân hàng trung ương Ethiopia vào tháng 8 đã tăng tỷ lệ cho vay đối với các ngân hàng thương mại từ 13% lên 16%, và tăng gấp đôi yêu cầu về tỷ lệ dự trữ tiền mặt đối với các ngân hàng thương mại, lên 10%.
Nguyên nhân là lạm phát ở nước này đã tăng lên 30% vào tháng 9, từ mức 26,4% của tháng trước, do sự kết hợp của hạn chế các tuyến thương mại và nạn dịch châu chấu làm giảm sản lượng lương thực.
Với hầu hết các nước châu Á, các ngân hàng trung ương vẫn thận trọng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm vì sợ làm suy yếu sự phục hồi kinh tế. Các nhà sản xuất Trung Quốc cho đến nay vẫn phải chấp nhận giá hàng hóa tăng cao, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.
Lạm phát sản xuất của Trung Quốc đã tăng 10,7% trong tháng 9, mức cao nhất trong hơn hai thập niên qua, phần lớn là do giá than cao hơn. Lạm phát tiêu dùng của nước này tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 3%. Phát biểu tại diễn đàn G20 hôm thứ tư, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Dịch Cương, cho biết lạm phát của nước này nói chung là “nhẹ”.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuần này đã sa thải ba quan chức ngân hàng trung ương hàng đầu. Ông đã yêu cầu giảm lãi suất để khuyến khích tăng trưởng kinh tế, làm dấy lên lo ngại từ các nhà đầu tư rằng động thái trên sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát. Lạm phát hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 19,58% vào tháng 9, mức cao nhất trong 2 năm rưỡi.
Ở những nơi khác, các chính phủ đang sử dụng các biện pháp phổ biến trong những năm 1970. Hôm 13/10, Bộ trưởng Thương mại Argentina, Roberto Feletti, đã công bố mức giá cố định trong 90 ngày đối với 1.247 hàng hóa trong bối cảnh lo ngại về giá thực phẩm tăng. “Chúng ta cần ngăn giá lương thực ăn mòn tiền lương”, ông nói.
HSBC nâng dự báo lạm phát Việt Nam
Tăng nhẹ mức dự báo lạm phát bình quân 2022 của Việt Nam từ 2,7% lên 3% nhưng HSBC khẳng định rủi ro không đáng kể.
Ngân hàng này cho biết, trên thực tế, lạm phát nhiên liệu vẫn tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu lạm phát tháng 1 lên 1,9% so với cùng kỳ 2021. Mặc dù vậy, giá lương thực thực phẩm vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát do nhu cầu còn chưa tăng.
“Mức này không cho thấy một rủi ro đáng kể cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ”, báo cáo khẳng định.
HSBC cũng cho rằng, trong khi tình hình lạm phát ở nhiều nước ASEAN như Thái Lan và Singapore bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều người, lạm phát nhiều khả năng “không phải mối lo lớn” với Việt Nam năm nay.
Điều chỉnh giá căng tại một cây xăng góc đường Hai Bà Trưng – Trần Cao Vân (quận 1, TP HCM), ngày 27/4/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Nhà băng này đánh giá, Việt Nam có một khởi đầu tốt đẹp cho năm 2022, nhờ tiêu dùng trong nước phục hồi và các điều kiện bên ngoài khởi sắc. Cụ thể, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là sản xuất đã bắt đầu chứng kiến những bước phục hồi lớn khi tình hình thiếu hụt lao động tiếp tục được cải thiện. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trên 90% lao động đã trở lại TP HCM.
Ngoài ra, chỉ số PMI tăng cao nhất trong vòng 9 tháng qua cho thấy dấu hiệu sản lượng công nghiệp tăng mạnh trở lại. “Hầu hết chỉ số chi tiết chính đều thể hiện sự phục hồi bền vững, dự báo một viễn cảnh lạc quan về tình hình sản xuất sẽ lấy lại phong độ như thời điểm trước Covid-19”, báo cáo cho hay.
Dù số ca nhiễm vẫn gia tăng, Việt Nam đã không áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như trước. Các nhà hoạch định chính sách đã kiên trì theo đuổi chiến lược “sống chung với Covid-19”, chủ yếu là nhờ triển khai chương trình tiêm chủng thần tốc.
Theo HSBC, chính các điều kiện này khiến cho tâm lý tiêu dùng tăng cao trở lại giúp bức tranh tiêu dùng nội địa khởi sắc. Cụ thể, sau khi giảm gần 4% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán lẻ đã tăng 1,3% trong tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm trước.
Thống đốc: Rủi ro lạm phát năm 2022 rất lớn
Việc điều hành chính sách, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, sẽ thận trọng, bởi bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng 2008-2009 và rủi ro lạm phát năm tới rất cao.
Tham gia giải trình trong phiên trả lời chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sáng nay (12/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách tiền tệ phải thực hiện hai nhiệm vụ chính, là điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, vĩ mô và đảm bảo an toàn, khả năng chi trả của hệ thống.
“Việc xem xét các công cụ chính sách trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước phải căn cứ trên hai mục tiêu này, đồng thời đảm bảo cân đối lớn của vĩ mô”, bà Hồng nói thêm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trên nghị trường sáng 12/11. Ảnh: Media Quốc hội
Với dư địa chính sách, Thống đốc cho rằng, việc đảm bảo chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, “rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn”.
Khi nền kinh tế thế giới dần phục hồi, giá cả hàng hóa có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 6,2% so với năm ngoái, cao nhất kể từ năm 1990. Lạm phát của Hàn Quốc cũng lần đầu tiên vượt mức 3%, cao nhất kể từ năm 2012. Tại châu Âu, giá năng lượng tăng cao đẩy lạm phát tháng 9 của khu vực đồng euro lên cao nhất trong 13 năm.
“Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn”, Thống đốc nhận xét.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện cũng giảm dần nới lỏng chính sách, theo tính toán của bà, đã có 65 lượt tăng lãi suất, tạo áp lực điều hành cho Việt Nam thời gian tới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã đưa ra các tiếp cận thận trọng trong chương trình mua tài sản, trong khi các ngân hàng trung ương Na Uy, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và New Zealand đã tăng lãi suất.
Trong phần tranh luận tại nghị trường, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói thêm về vai trò của ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông, có tới 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được nguồn vốn vay.
Khi trả lời đại biểu Trịnh Xuân An, bà Nguyễn Thị Hồng nhắc lại nhiệm vụ thứ hai của Ngân hàng Nhà nước, đó là đảm bảo an toàn, khả năng chi trả của hệ thống. Theo bà đây cũng là vấn đề cần thận trọng khi nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Vừa qua, các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực chứ không phải từ ngân sách. Và khi nợ xấu tăng, các tổ chức cũng phải dùng nguồn lực tự có của mình để xử lý.
“Nếu nguồn lực của tổ chức tín dụng suy giảm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động, tính an toàn của hệ thống”, bà Hồng nói. Bài học từ cuộc khủng hoảng 2008-2009 theo bà vẫn còn, nếu tính toán không cẩn thận, rủi ro lạm phát có thể quay trở lại.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo mức độ an toàn của từng tổ chức tín dụng và hệ thống. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, trên cơ sở ổn định vĩ mô, phòng ngừa rủi ro lạm phát.
Đánh giá về việc thực hiện chính sách từ đầu năm 2020, Thống đốc nói thêm, đại dịch đã tác động nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh, và Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã tích cực thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Ngay từ đầu năm 2020, trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần giảm lãi suất, từ 1,5-2%. “Đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực”, bà Hồng nói.
Ngoài việc điều hành lãi suất, cơ quan điều hành cũng chỉ đạo, kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm cả với các khoản vay cũ. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1,66% so với trước dịch, với tổng mức giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng giảm phí hơn 2.000 tỷ đồng cho khách hàng, góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và người dân.
Lạm phát Việt Nam trước căng thẳng Nga – Ukraine
Dựa trên ba kịch bản giá dầu trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine, Dragon Capital đưa ra dự đoán lạm phát 2022 của Việt Nam từ 3,58% đến 4,18%.
Dragon Capital vừa có báo cáo đánh giá tác động của căng thẳng chính trị thế giới đến kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 5 và các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Xung đột chính trị lần này theo Dragon Capital và nhiều chuyên gia khác, có tác động không đáng kể đối với thương mại Việt Nam. Tỷ trọng thương mại của Nga và Ukraine với Việt Nam lần lượt chỉ chiếm 1% và 0,1% kim ngạch xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, vai trò của Nga và Ukraine ngày càng tăng đối với thương mại quốc tế khi chiếm 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Việt Nam vẫn sẽ chịu một số tác động do hai quốc gia này có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng và năng lượng toàn cầu.
Tác động dễ thấy nhất với nền kinh tế Việt Nam, theo Dragon Capital là áp lực lạm phát do giá dầu tăng. Trong rổ hàng hoá tính lạm phát của Việt Nam, nhiên liệu hiện chiếm tỷ trọng 3,6% trong khi nhóm giao thông chiếm 9,7%.
Đến nay, giá dầu Brent đã tăng 27,2%. Diễn biến giá dầu trong thời gian tới sẽ còn phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả xung đột tại Ukraine và diễn tiến thỏa thuận hạt nhân Iran.
JP Morgan dự báo giá dầu trung bình dao động từ 88 USD đến 105 USD một thùng, dựa trên ba kịch bản có khả năng xảy ra nhất.
Thứ nhất, nếu Nga thực hiện các biện pháp trả đũa cộng với việc không có thỏa thuận hạt nhân Iran, giá dầu sẽ lên mức 105 USD một thùng. Thứ hai, nếu Nga leo thang và có thỏa thuận hạt nhân Iran, giá dầu quanh mức 100 USD mỗi thùng. Thứ ba, rủi ro địa chính trị mờ dần và vẫn có thỏa thuận hạt nhân Iran, mỗi thùng dầu ở mức 88 USD.
Dựa trên ba kịch bản dự báo giá dầu của JP Morgan, Dragon Capital nhận định lạm phát cơ bản của Việt Nam có thể tăng tương ứng 0,65%; 0,3% hoặc 0,08% so với ước tính hiện tại.
Theo đó, dưới ước tính của quỹ đầu tư này, lạm phát của Việt Nam sẽ dao động từ 3,58% đến 3,8% và tệ nhất là lên 4,18% nếu giá dầu lên 105 USD một thùng.
Kịch bản | Giá dầu | Tác động lên lạm phát | Lạm phát 2022 |
Nga trả đũa Ukraine + Không có thoả thuận hạt nhân Iran | 105 USD | +0,65% | 4,18% |
Nga leo thang + có thỏa thuận hạt nhân Iran | 100 USD | +0,3% | 3,8% |
Căng thẳng Nga – Ukraine hạ nhiệt + có thoả thuận Iran | 88 USD | +0,08% | 3,58% |
Tuy nhiên, Dragon Capital cũng đánh giá tác động của giá dầu tăng có thể không ảnh hưởng đến lạm phát như dự kiến. Giá xăng trong nước chịu tác động của giá quốc tế, nhưng không phải lúc nào cũng biến động cùng chiều.
Giá nhiên liệu của Việt Nam còn bao gồm nhiều loại thuế khác nhau (thuế nhập khẩu, thuế môi trường) – được xem như là yếu tố bình ổn thị trường. Để kiểm soát lạm phát, Chính phủ có thể thực hiện một số điều chỉnh chính sách.
Hiện, Chính phủ đã tài trợ cho một công ty lọc dầu để giải quyết những khó khăn tài chính tạm thời và nâng sản lượng lên mức bình thường. Bộ Tài chính cũng chuẩn bị đấu giá 100 triệu lít xăng RON 92 (xăng trong nước) từ nguồn dự trữ quốc gia trong tháng này để tăng nguồn cung.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét giảm thuế môi trường đối với xăng dầu. Phương án này sẽ được thảo luận trong kỳ họp Quốc hội tới. Hiện tại, thuế môi trường chiếm 15% giá dầu nội địa trong khi tổng thuế và phí chiếm 42% giá dầu.
Dragon Capital cho biết “không đặc biệt lo ngại về lạm phát chỉ dựa trên giá dầu”. Có những lĩnh vực khác trong rổ giá tiêu dùng như điện và nước (3,9%), y tế (5,4%), hoặc giáo dục (5,5%) mà Chính phủ có thể linh hoạt điều chỉnh. Tuy nhiên, Dragon Capital cũng đặt ra lo ngại khi giá thịt lợn, gạo và gia cầm tăng theo.
Một vấn đề khác đặt ra khi giá dầu tăng theo Dragon Capital là tác động lên cán cân thương mại.
Trong 4 năm qua, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 6 tỷ USD gồm dầu và các sản phẩm từ dầu. Dragon Capital ước tính cán cân thương mại năm 2022, Việt nam thặng dư 13,2 tỷ USD, với giả định giá dầu trung bình là 85 USD mỗi thùng. Tuy nhiên, với kịch bản có nhiều khả năng hơn là 100 USD, thặng dư thương mại của Việt Nam có thể thu hẹp xuống còn 12 tỷ USD, theo ước tính của quỹ đầu tư này.
Nhìn chung, ảnh hưởng trực tiếp của căng thẳng Nga – Ukraine đến thương mại Việt Nam là rất hạn chế. Nhưng Việt Nam có thể vẫn chịu tác động từ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với xuất khẩu điện thoại di động và điện tử của Việt Nam.
Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lớn trên thế giới về niken, neon, krypton, nhôm và paladium – vốn là những nguyên liệu quan trọng để sản xuất chip bán dẫn. Do đó, bất kỳ gián đoạn nào trong nguồn cung cấp hàng hóa của Nga có thể gây ra tắc nghẽn trong sản lượng lĩnh vực điện tử, Dragon Capital đánh giá.
Việt Nam không nhập khẩu trực tiếp các nguyên liệu này từ Nga và Ukraine nhưng lại nhập khẩu chip từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Năm 2021, Việt Nam đã mua các chất bán dẫn, điện thoại và linh kiện điện tử giá 59 tỷ USD từ các thị trường này, chiếm 17,6% tổng giá trị nhập khẩu.
Các nước Đông Á đã lên tiếng ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây và có thể thực hiện một số biện pháp áp dụng với Nga. Do đó, bất kỳ căng thẳng nào giữa Nga và các nước này đều có thể tác động đến chi phí sản xuất điện thoại di động và điện tử Việt Nam, Dragon Capital cho hay.
Lạm phát cao nhất 40 năm bủa vây người Mỹ
Lạm phát tại Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 40 năm vào tháng trước, gây áp lực lên Tổng thống Joe Biden và Fed.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 của Mỹ đã tăng 7% so với cùng kỳ 2020. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982. Lạm phát leo thang đang làm tăng chi phí hộ gia đình, ăn mòn tiền lương, gây áp lực lên Tổng thống Joe Biden và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để giải quyết những gì đã trở thành mối đe dọa lớn nhất với nền kinh tế Mỹ.
Giá ôtô, khí đốt, thực phẩm và đồ nội thất tăng mạnh vào năm 2021, như một phần của sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Những khoản viện trợ lớn từ chính phủ và lãi suất cực thấp cũng đã giúp thúc đẩy nhu cầu hàng hóa, trong khi tiêm chủng giúp người dân tự tin đi ăn ngoài và đi du lịch.
Khi người Mỹ tăng cường chi tiêu, các chuỗi cung ứng vẫn bị siết chặt bởi tình trạng thiếu nhân công và nguyên liệu thô, và điều này làm tăng áp lực giá cả. Báo cáo hôm thứ Tư (12/1) của Bộ Lao động Mỹ cho biết, thước đo lạm phát không bao gồm giá thực phẩm và khí đốt cũng đã tăng 5,5% trong tháng 12, là mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Lạm phát tổng thể tháng 12 tăng 0,5% so với tháng 11.
Diễn biến lạm phát Mỹ thập niên qua, với màu tím là chỉ số giá tiêu dùng (CPI), màu xanh là chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi không gồm giá thực phẩm và xăng dầu (Core CPI), màu đỏ là chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và màu vàng là PCE cốt lõi. Nguồn: Reuters
Giá cả có thể tăng chậm hơn khi các khó khăn trong chuỗi cung ứng giải tỏa dần. Nhưng hầu hết nhà kinh tế cho rằng lạm phát sẽ không sớm trở lại mức trước đại dịch. “Áp lực lạm phát của Mỹ không có dấu hiệu giảm bớt. Chúng ta có thể gần đạt đỉnh, nhưng rủi ro là lạm phát vẫn sẽ cao trong thời gian dài”, James Knightley, Nhà kinh tế quốc tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính ING, nhận xét.
Các công ty lớn nhỏ đang tìm cách thích ứng tốt nhất có thể. Nicole Pomije, Chủ một tiệm bánh ở Minneapolis, bang Minnesota, có kế hoạch tăng giá bánh quy vì chi phí nguyên liệu tăng cao.
Một chiếc bánh quy cơ bản của cô có giá 99 cent, trong khi loại cao cấp được bán với giá 1,5 USD. Nhưng Pomije cho biết sẽ phải tăng giá bánh cơ bản lên mức giá cao cấp. “Chúng tôi phải kiếm tiền. Chúng tôi không muốn mất khách nhưng có khả năng như vậy”, cô nói.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thuê mướn nhân sự đã chấp nhận tăng lương. Nhưng giá hàng hóa và dịch vụ tăng đã làm xói mòn mức tăng thu nhập đó của nhiều người Mỹ. Những gia đình có thu nhập thấp cảm thấy điều này rõ nhất. Các cuộc thăm dò cho thấy lạm phát đã bắt đầu thay thế Covid-19 như một mối quan tâm hàng đầu của công chúng.
Mỹ đã không chứng kiến lạm phát cao như vậy kể từ đầu những năm 1980. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Fed Paul Volcker đã phản ứng bằng cách đẩy lãi suất lên rất cao – mức cơ bản dành cho khách hàng tốt nhất của các ngân hàng là 20% vào năm 1980 – khiến nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái sâu. Nhưng bù lại, Volcker đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát vốn đã ở mức hai con số trong phần lớn giai đoạn 1979-1981.
Lạm phát cao đã đặt Tổng thống Biden vào thế phòng thủ. Chính quyền của ông, từng lặp lại nhận định của Fed, ban đầu cho rằng việc tăng giá sẽ chỉ là tạm thời. Bây giờ lạm phát đã kéo dài, Biden và một số nghị sĩ đảng Dân chủ bắt đầu đổ lỗi cho các tập đoàn lớn. Họ nói rằng các nhà sản xuất thịt và các ngành công nghiệp khác đang tận dụng tình trạng thiếu hụt do đại dịch gây ra để tăng giá và lợi nhuận.
Nhưng ngay cả một số nhà kinh tế trung tả cũng không đồng ý với phân tích đó. Hôm thứ Tư (12/1), tổng thống đã đưa ra một tuyên bố lập luận rằng việc giảm giá xăng trong tháng 12 và mức tăng giá thực phẩm nhỏ hơn đã cho thấy sự tiến bộ.
Một xu hướng mà các chuyên gia lo ngại là vòng xoáy giá cả – tiền lương. Điều đó xảy ra khi người lao động muốn tăng lương để bù đắp chi phí cao hơn, và sau đó các công ty tăng giá hơn nữa để trang trải mức lương cao hơn. Hôm thứ Ba (11/1), Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với Thượng viện rằng ông vẫn chưa thấy bằng chứng cho thấy tiền lương đang làm tăng giá trên toàn bộ nền kinh tế.
Theo các nhà kinh tế, nguyên nhân lớn nhất của lạm phát là do cung và cầu không phù hợp. Giá ôtô qua sử dụng đã tăng hơn 37% trong năm ngoái, do tình trạng thiếu chất bán dẫn khiến các công ty ôtô không thể sản xuất đủ xe mới. Những hạn chế trong chuỗi cung ứng cũng đã khiến giá đồ nội thất cao hơn gần 14%.
Người tiêu dùng Mỹ mua sắm tại Home Depot ở St. Louis, Missouri. Ảnh: Reuters
Những người mua sắm đang cảm thấy ngột ngạt trong chi tiêu, từ trạm xăng đến cửa hàng tạp hóa. Bà Vicki Bernardo Hill, 65 tuổi, sống tại Gaithersburg, Maryland, không còn dám lấy thêm thức ăn đóng hộp, ngũ cốc hoặc các loại bánh vào giỏ hàng khi đi mua sắm tại Giant Food.
“Tôi đang cố gắng bám vào danh sách hàng mình cần mua và chọn những thứ đang được giảm giá”, bà nói. Vì không tìm được giá tốt cho một chiếc xe đã qua sử dụng, bà Hill đã mua một chiếc Mazda mới, chi hơn 5.000 USD so với dự định.
Lạm phát có thể giảm bớt khi làn sóng Omicron giảm dần, khuyến khích người Mỹ chuyển nhiều chi tiêu hơn sang các dịch vụ như du lịch, ăn uống và đi xem phim. Điều đó sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa và giúp khơi thông chuỗi cung ứng.
Nhưng một số hạng mục chi tiêu vẫn sẽ có mức giá cao hơn, như giá thuê nhà. Chi phí thuê nhà vốn đã tăng nhanh kể từ mùa hè, cũng đã tăng 0,4% trong tháng 12, là tháng tăng thứ ba liên tiếp. Giá thuê nhà rất quan trọng vì chi phí nhà ở chiếm một phần ba chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ.
Ông Powell nói với Quốc hội rằng nếu cần thiết phải chống lạm phát cao một cách quyết liệt hơn, Fed sẵn sàng đẩy nhanh việc tăng lãi suất mà họ dự kiến bắt đầu trong năm nay. Lãi suất ngắn hạn chuẩn của Fed, hiện được chốt gần 0, dự kiến sẽ tăng ít nhất ba lần trong năm nay. Việc tăng lãi suất sẽ làm cho việc vay mua nhà hoặc xe hơi đắt hơn, và do đó giúp hạ nhiệt nền kinh tế.
Một số nhà kinh tế và các thành viên của Quốc hội lo ngại Fed đã hành động quá chậm để ngăn chặn lạm phát. Điều này cuối cùng có thể buộc các đợt tăng lãi suất sắp tới phải mạnh tay hơn, và có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội và thậm chí một số nhà kinh tế tự do nói rằng Tổng thống Biden ít nhất phải chịu một phần trách nhiệm về lạm phát cao. Họ cho rằng gói giải cứu tài chính mà ông đã thông qua vào tháng 3 năm ngoái càng tăng động lực lạm phát đáng kể cho một nền kinh tế vốn đã mạnh lên.
Lạm phát châu Âu cao nhất 24 năm
Giá nhiên liệu tăng kéo lạm phát tại các nước châu Âu lên gần 5% tháng trước.
Eurostat – cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU) cho biết lạm phát tháng 11 tại 19 nước sử dụng đồng euro đã chạm 4,9% . Đây cũng là tốc độ cao nhất kể từ năm 1997 – thời điểm EU bắt đầu thu thập số liệu để chuẩn bị cho việc ra mắt đồng euro. Hồi tháng 10, số liệu này là 4,1%.
Nguyên nhân chủ yếu là giá nhiên liệu tăng cao. Theo ước tính ban đầu của Eurostat, giá nhiên liệu tăng 27,4% trong tháng 11. Lạm phát mảng dịch vụ là 2,7%.
“Lạm phát tăng tốc vẫn chủ yếu do giá năng lượng cao. Tuy nhiên, lạm phát lõi cũng ghi nhận mức tăng mạnh, có thể liên quan đến giá các gói du lịch tại Đức tăng vọt”, Katharina Koenz – nhà kinh tế học tại Oxford Economics cho biết.
Số liệu trên được công bố chỉ một ngày sau khi Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – ước tính CPI nước này tăng 5,2% tháng trước. Hồi tháng 9, lạm phát của Đức lần đầu vượt 4% trong gần 30.
Lạm phát đang làm dấy lên câu hỏi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ làm gì trong cuộc họp chính sách tiếp theo. Phó chủ tịch ECB Luis de Guindos tuần trước cho biết cơ quan này vẫn giữ kế hoạch chấm dứt chương trình mua lại trái phiếu vào tháng 3/2022. Dù vậy, nhà đầu tư muốn biết ECB sẽ điều chỉnh các công cụ khác như thế nào.
“Biến chủng Omicron đang làm tăng mức độ bất ổn. Nhưng hiện tại, chúng tôi cho rằng tác động của nó lên lạm phát sẽ là rất nhỏ”, Jack Allen-Reynolds – kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Capital Economics nhận xét.
Rupert Thompson – Giám đốc Đầu tư tại hãng quản lý tài sản Kingswood cho biết số liệu mới nhất có thể khiến ECB phải giảm quy mô kích thích tiền tệ. “Lạm phát tại eurozone năm tới sẽ cao hơn khá nhiều mục tiêu 2%. Những con số này sẽ khiến ngân hàng trung ương khó khăn hơn trong việc điều chỉnh chương trình kích thích và hoãn tăng lãi suất đến năm 2023”, ông nói.
Lạm phát Anh cao nhất 30 năm
Lạm phát tháng trước của Anh tăng vọt do giá năng lượng đi lên và nhu cầu hồi sinh trong lúc chuỗi cung ứng vẫn căng thẳng.
Người tiêu dùng chọn lựa rau quả tại Cambridge, Anh ngày 17/3/2021. Ảnh: Reuters
BOE cũng đang đối diện tình trạng thị trường lao động thiếu trầm trọng. Số vị trí đang tuyển dụng cao kỷ lục, còn việc làm thì vẫn dưới mức trước đại dịch. Paul Craig, Giám đốc đầu tư tại Quilter Investors, cho rằng MPC sẽ đối mặt với sự đánh đổi khó khăn trong cuộc họp tháng sau.
Theo đó, họ phải đảm bảo ổn định tài chính hoặc giúp các hộ gia đình đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. “Không chỉ chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, chi phí đi làm cũng vậy và việc tăng lương có thể không đủ để khiến chi phí trở về mức bình thường”, ông nói.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh hôm 18/1 cũng công bố số liệu cho thấy mức tăng lương tháng 12 là 3,8% so với cùng kỳ 2020. Điều này có nghĩa trên thực tế, người lao động đang bị sụt giảm lương.
Ambrose Crofton, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, cho rằng lạm phát tăng sẽ khiến BOE khó khăn hơn với lập trường chính sách hiện tại. “Giá cả đang được thúc đẩy bởi các yếu tố phải tiết chế kịp thời, bao gồm chi phí năng lượng và các vấn đề về chuỗi cung ứng”, ông nói. Chuyên gia này dự báo trong thời gian tới, người tiêu dùng vẫn sẽ chật vật vì giá cả có thể còn tăng nữa trước khi hạ nhiệt.
Lạm phát Canada cao nhất 30 năm
Lạm phát Canada tăng vọt tháng 12/2021 do giá thực phẩm và chi phí sở hữu nhà leo thang.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa trong một siêu thị ở Canada. Ảnh: Zuma Press
Kỳ vọng tăng lãi suất đã xuất hiện sau khi khảo sát về triển vọng kinh doanh hàng quý của ngân hàng trung ương Canada được công bố hồi đầu tuần. Theo đó, khảo sát cho thấy một đợt lạm phát tăng cao thứ hai đang hình thành. Doanh nghiệp nước này cũng dự kiến tăng lương với tốc độ nhanh hơn so với 12 tháng trước đó để thu hút và giữ chân người lao động do thiếu nhân sự.
Do những khó khăn trong chuỗi cung ứng, các công ty có kế hoạch đẩy nhanh đầu tư vào máy móc, thiết bị và nhà cửa để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Để triển khai, họ định chuyển những chi phí này cho khách hàng. “Các chỉ số liên quan đến kỳ vọng lạm phát và mức độ trì trệ của nền kinh tế thường cho thấy lạm phát tăng cao và dai dẳng”, Veronica Clark – nhà kinh tế tại Citi nói.
Ngân hàng Canada dự kiến đưa ra quyết định về lãi suất ngày 26/1. Họ có nhiệm vụ phải duy trì lạm phát 2%, hoặc trong phạm vi mục tiêu 1-3% mà Chính phủ Canada đề ra cho giai đoạn đến cuối 2026.
Thống đốc Tiff Macklem cho biết vào tháng trước rằng các quan chức ngân hàng trung ương ngày càng khó chịu với mức độ tăng giá. Tu Nguyen – chuyên gia kinh tế tại công ty tư vấn RSM Canada, cho rằng áp lực tăng lãi suất đang gia tăng đối với ngân hàng trung ương Canada. “Tuy nhiên, cơ quan này khó giải quyết nguyên nhân lớn nhất của lạm phát: sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra”, bà nói.
Lạm phát Trung Quốc năm 2022 dự kiến ở mức thấp
Cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc kỳ vọng lạm phát năm 2022 ở mức khiêm tốn khi các nước phương Tây thắt chặt tiền tệ.
Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, lạm phát nước này vẫn ở mức khiêm tốn trong năm nay, nếu việc thay đổi chính sách tiền tệ ở nước khác làm suy yếu đà tăng giá của hàng hóa toàn cầu.
Nhà hoạch định chính sách hàng đầu của quốc gia này dự báo, rủi ro lạm phát của Trung Quốc sẽ giảm trong 2022, do tác động của Covid-19 và tình trạng thiếu hụt nguồn cung thế giới ngày càng bớt nghiêm trọng.
Cơ quan này dự báo chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2022 ở mức 0,9% – thấp hơn so với các năm trước.
NDRC đánh giá, chỉ số giá sản xuất cũng có khả năng hạ nhiệt sau khi tăng 8,1% vào năm 2021, do nguồn cung các sản phẩm công nghiệp và năng lượng trong nước dồi dào, có thể chống lại “sự biến động giá bất thường”.
Khi giá hàng hóa toàn cầu tăng mạnh vào năm ngoái, Bắc Kinh đã tìm cách tăng thêm nguồn cung trong nước, trấn áp tình trạng đầu cơ và tích trữ.
Giá dầu đạt mức cao nhất trong 7 năm vào thứ Sáu (4/2) và dự kiến còn leo cao hơn nữa.
Trung Quốc kỳ vọng việc thắt chặt tiền tệ ở các nước phương Tây sẽ làm suy yếu lạm phát giá đối với hàng nhập khẩu. Các chuyên gia của Bloomberg ước tính nhóm 7 ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm tổng lượng mua tài sản năm 2022 xuống chỉ còn 10% so với mức năm 2021.
Đầu tư gì hiệu quả trong thời lạm phát?
>Nền kinh tế toàn cầu năm 2022 chứng kiến nhiều biến động, từ lo ngại FED tăng lãi suất đến nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Bất ổn về địa chính trị ở Đông Âu ngày càng gia tăng. Việc Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2 và các động thái trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã làm rung chuyển các thị trường tài chính, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng thêm một lần nữa, vốn tiềm ẩn rủi ro trước áp lực lạm phát và thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Trong khi giá vàng, giá dầu nhanh chóng leo thang thì thị trường chứng khoán lại xuống dốc. Chỉ số S&P 500 đã giảm điểm 6 trên 7 phiên trước đó, giảm hơn 10% so với mức đỉnh hồi đầu năm. Một số thị trường châu Á chao đảo như Nikkei 225 giảm tới hơn 12%, trong đó, tại Việt Nam, Vn-Index cũng giảm hơn 5% so với mức đỉnh hồi tháng 1 và giảm hơn 3% so với thời điểm trước khi chiến sự xảy ra ở Ukraine.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam chịu áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu lớn. Lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than, giá vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.
Trong bối cảnh đó, chứng khoán và bất động sản được đánh giá vẫn là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời cao nhất. Tuy nhiên, đầu tư như thế nào lại không dễ.
Về lạm phát, áp lực có tăng lên nhưng trong tầm kiểm soát nhờ sự ổn định kinh tế nội tại và chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước. Với giá dầu trung bình cả năm dao động trong khoảng 95-130 USD/thùng, CPI của VN sẽ quanh mức 3,7-5,5%. Kịch bản cơ sở của Dragon Capital là mức CPI khoảng 4,2% – không có nhiều rủi ro quá lớn. Tăng trưởng GDP có thể đạt khoảng 7%, do tác động của yếu tố địa chính trị ở mức thấp đến trung bình.
“Kinh tế Việt Nam đang nằm ở chu kỳ phục hồi với mức lãi suất ổn định. Loại tài sản phù hợp nhất, có thiên hướng được hưởng lợi trong chu kỳ chính là tài sản cổ phiếu”, bà Minh chia sẻ.
Về thị trường chứng khoán, dựa trên báo cáo từ 60 công ty niêm yết lớn nhất thị trường Việt Nam, Dragon Capital Việt Nam dự phóng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 trên mức 20%. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực trên nền 2021 là thị trường tăng trưởng lợi nhuận tới 42%. Về mặt định giá, P/E tương lai là khoảng 14,2 lần, tương đương trung bình cả 10 năm vừa rồi, là thị trường hấp dẫn nhất khu vực.
Xét tổng lợi nhuận của thị trường, tăng trưởng chung vẫn được dẫn dắt bởi sự phục hồi lợi nhuận từ nhóm ngân hàng và bất động sản sau một năm chịu nhiều tác động của giãn cách xã hội. Nếu nói về độ rộng, hầu hết các ngành đều có độ tăng trưởng từ 20-30%. Ví dụ như ngành bán lẻ, chứng khoán, phần mềm, vận tải… Ngành điện và ngành thép có nguy cơ lợi nhuận giảm do nguyên vật liệu đầu vào tăng. Hoặc một số tập đoàn đa ngành nghề đã ghi nhận lợi nhuận đột biến trong năm 2021, nên sang năm 2022 có thể giảm nhẹ lợi nhuận.
Các kênh đầu tư trong thời kỳ lạm phát
Hiện nay có các kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm, trái phiếu, vàng, bất động sản, chứng khoán… Trong đó, kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán nên ưu tiên.
Vàng là kênh đầu tư tạm ổn trong ngắn hạn, nhưng dài hạn thì không nên. Vì vàng chỉ tăng giá mạnh khi có biến động.
“Thông thường, cứ 10 năm sẽ có 1-2 năm khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị. Nếu như chỉ đầu tư dài hạn vào vàng, thì nhà đầu tư chỉ có mức sinh lời tốt trong khoảng 1-2 năm, nhưng lại bỏ phí 8 năm còn lại”.
Còn kênh đầu tư thứ hai là gửi tiết kiệm là an toàn nhất, nhưng kém hấp dẫn do mặt bằng lãi suất thấp. Do đó, những ai muốn có kênh đầu tư an toàn và ổn định thì thay vì gửi tiết kiệm có thể chuyển một phần sang đầu tư trái phiếu hoặc các quỹ trái phiếu – an toàn tương đối cao, đồng thời đem lại lợi suất tốt hơn.
Một kênh đầu tư rất truyền thống khác là bất động sản. Giá bất động sản luôn tăng trong dài hạn, do sự tăng dân số và trình đô thị hoá. Ở những nước phát triển như Việt Nam,tiềm năng bất động sản còn tăng giá rất nhiều.
Kênh đầu tư cuối cùng là đầu tư chứng khoán hay cổ phiếu. Trong vòng 20 năm qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 14 lần và đem lại mức lợi suất là cao so với các kênh còn lại.
Bản chất Chứng khoán hay cổ phiếu nói chung đó là đại diện cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp hay là doanh nhân thì họ là đại diện cho một cái tầng lớp tạo ra giá trị gia tăng nhiều nhất cho xã hội ngày. Vì thế cả kể trong những môi trường như lạm phát, có những xung đột thì về dài hạn 5 năm, 10 năm hay 20 năm thì chứng khoán vẫn là kênh sinh lời tốt nhất.
Mặc dù có nhiều hấp dẫn, nhưng đầu tư chứng khoán hay bất động sản không hề đơn giản. Khi đầu tư bất động sản, nhà đầu tư phải mất công để tìm kiếm vị trí, yếu tố pháp lý của một dự án, rất là mất công để tìm ra một bất động ưng ý. Trong chứng khoán cũng như vậy, nhà đầu tư cũng phải tìm kiếm cổ phiếu hay doanh nghiệp tốt.
Nhà đầu tư nên chọn những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng rõ ràng, những công ty mà ban lãnh đạo có tầm nhìn và thực hiện đúng những lời hứa của họ.
“Cái khó ở đây là chúng ta hay nhìn vào thị trường chứng khoán chung, thấy những diễn biến lên xuống thì sợ hãi. Thực chất chỉ nên tập trung vào những cổ phiếu của doanh nghiệp mà mình biết rõ giống như tìm kiếm những bất động sản mà mình biết chắc chắn thì lúc đó sẽ đem lại mức sinh lời tốt nhất”.
Đầu tư càng sớm càng tốt
Một trong những phương pháp đầu tư tốt nhất là mua sớm bán ít. Mua sớm tức là mua từ lúc mình trẻ nhất có thể, đầu tư sớm nhất và phù hợp với nhu cầu tài chính cá nhân. Còn bán ít có nghĩa là khi nào thực sự cần thì hẵng bán.
Ví dụ, với mức sinh lời của thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư giai đoạn 5 năm hoặc 10 năm, lợi suất trung bình là từ 12-15%/năm. Nghĩa là cứ sau 5 năm, tài sản của nhà đầu tư tăng gấp đôi. Đây là một lãi kép rất lớn trong đầu tư.
Thời gian đầu tư quan trọng hơn thời điểm đầu tư. Bởi nhà đầu tư khó có thể dự đoán chính xác thời điểm giá cổ phiếu lên xuống để mua đáy bán đỉnh, chưa kể những rủi ro tiềm ẩn trong ngắn hạn. Nhưng nếu đầu tư từ sớm, sau một thời gian, số lợi nhuận mà nhà đầu tư tăng lên rất cao, tất nhiên áp dụng với trường hợp nhà đầu tư hiểu rõ về cổ phiếu hay tài sản đầu tư đó.
Với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường (còn gọi là F0), nếu không may bị lỗ, thì nên coi đó là một khoản học phí đổi lại kiến thức đầu tư. Tích cực hơn, sau 5-10 năm, tài sản tăng trở lại, nhà đầu tư còn lấy lại được vốn, thậm chí cả lãi.
“Quan trọng nhất là những gì học được khi mới tham gia thị trường, đặc biệt là biết cách kiềm chế cảm xúc trong đầu tư. Nếu có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, tôi tin rằng các F0 đó hoàn toàn có thể thành công trong tương lai”.
Tìm kiếm sự hỗ trợ
Những nhà đầu tư mới, hoặc thiếu thời gian, hoặc cảm thấy chưa đủ kiến thức chuyên môn, khó kiểm soát trong đầu tư, có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia, lựa chọn bên thứ 3 để ủy thác như chọn công ty quản lý quỹ đầu tư. Đây cũng là những sản phẩm đầu tư rất phổ biến trên thị trường.
Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm quỹ mở. Trong đó, các quỹ ETF là những sản phẩm nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm nhưng lại chưa có sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Các quỹ ETF là những quỹ chỉ số đa dạng hoá danh mục đầu tư, giúp tránh được yếu tố lên xuống của một chu kỳ.
Đặc biệt, các quỹ mở cũng đáp ứng được tuỳ khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nữa. Cụ thể, nhà đầu tư ưa thích sự an toàn sẽ tìm đến trái phiếu hoặc những quỹ trái phiếu. Nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn có thể tìm đến các quỹ đầu tư cổ phiếu, hoặc các quỹ hỗn hợp.
Thống kê ở Mỹ cho thấy, đến 40 % các hộ gia đình đầu tư thông qua các quỹ tương hỗ. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa đến 1% hộ gia đình biết và đầu tư qua các sản phẩm này, mặc dù đây là một kênh đầu tư rất tốt.
Hiện, các quỹ đầu tư có 2 loại hình đầu tư, đó là đầu chủ động và đầu tư bị động.
Đầu tư bị động tức là các quỹ đầu tư này sẽ mô phỏng theo chỉ số chứng khoán trên thị trường – VN30. Mức sinh lời của các quỹ này sẽ mô phỏng theo đúng lời của các chỉ số đó.
Còn ở hình thức quỹ chủ động, việc đầu tư do các chuyên viên phân tích hoặc các nhà điều hành quỹ chủ động đầu tư và tìm kiếm để tạo ra mức sinh lời tốt nhất. Quỹ chủ động hiện nay phổ biến nhất là dạng các quỹ mở. Nhà đầu tư có thể xem xét các quỹ mở và tùy vào khẩu vị rủi ro có thể lựa chọn các quỹ mở khác nhau. Các quỹ mở ở Việt Nam đảm bảo sự an toàn, minh bạch và tính thanh khoản rất cao. Bởi quỹ mở là quỹ đại chúng nên Pháp luật Việt Nam cũng như là quốc tế đã có những chế tài, quy định riêng để dành riêng cho quỹ mở. Tài sản của các nhà đầu tư được đảm bảo giám sát bởi các ngân hàng độc lập.
Lạm phát tác động thế nào đến bất động sản?
Nhà đất sẽ đội giá nhưng khó bán khi nỗi lo lạm phát lớn dần trong bối cảnh giá hàng hóa tăng nhanh, vàng biến động mạnh, theo các chuyên gia.
Từ cuối tháng 2 đến nay, giá dầu, xăng, gas, thép đều tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các chuyên gia cho rằng, đà tăng sốc giá hàng hóa ngay trong quý đầu năm cùng biến động lớn của giá vàng có thể tác động tiêu cực đến giá nhà đất và thổi bùng làn sóng đầu cơ tích trữ tài sản.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, lạm phát, biến động giá vàng thường khiến người dân, giới đầu tư, đầu cơ tìm kiếm tài sản làm kênh trú ẩn an toàn. Cộng thêm bất ổn từ xung đột Ukraina – Nga vài tuần qua, khiến giá xăng, dầu, khí đốt lập đỉnh càng thúc đẩy người có tài chính tốt bám giữ tài sản để dành nhiều hơn.
Theo ông Quang, thị trường đang xuất hiện làn sóng các nhà đầu tư lâu năm với lợi thế vốn lớn giữ tài sản có giá trị cao trong khi người ít tiền “chạy” về vùng xa mua nhà đất chống trượt giá. Đầu tư kinh doanh sản xuất sẽ bị lép vế so với đầu cơ tài sản. “Lạm phát sẽ càng đẩy giá nhà đất tăng thêm dù 2 năm Covid giá bất động sản đã tăng mất kiểm soát”, ông Quang dự báo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Nam Phát phân tích, với nhiều loại hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng đều tăng cao, lạm phát tăng là kịch bản không thể tránh khỏi.
Ông Nam cho rằng, trong điều kiện bình thường, thậm chí là hai năm dịch bệnh hoành hành vừa qua, giá bất động sản vẫn leo thang nên năm nay, lạm phát tăng càng đẩy giá tài sản lên cao theo hướng bất lợi cho thị trường. “Trong quá khứ từng xảy ra kịch bản lạm phát cao kéo theo lãi suất tăng khiến thị trường bất động sản bị đình trệ”, CEO Công ty Nam Phát quan ngại.
Một mặt ông Nam thừa nhận lạm phát sẽ khiến nhiều người có tiền nhàn rỗi tranh thủ tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn, trong đó có bất động sản. Mặt khác, ông cho rằng lạm phát có thể khiến những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính (vay vốn đầu tư bất động sản) sẽ phải đắn đo, thận trọng, thậm chí tháo chạy do “thủng ví” vì có khả năng lãi suất ngân hàng tăng cao để bù lạm phát. Các bất động sản nói chung và tài sản giá trị cao nói riêng, có thể gặp khó khăn trong cơn bão lạm phát vì thanh khoản kém.
Theo ông Nam, nếu xét ở khía cạnh thanh khoản, khi lạm phát tăng cao, vàng sẽ là kênh nóng sốt hơn vì ai cũng có thể mua được trong khi bất động sản bị hạn chế do giá trị quá lớn.
Thị trường bất động sản khu trung tâm TP HCM. Ành: Quỳnh Trần
Còn ông Lê Quốc Kiên, chuyên gia có hơn chục năm tư vấn bất động sản cho biết, năm 2022 lạm phát cao có thể khoét sâu thêm điểm yếu của thị trường địa ốc là thanh khoản thấp.
Ông Kiên đánh giá, đa số nhà đầu tư sử dụng tiền nhàn rỗi đã ôm hàng từ đầu năm ngoái đến nay đang rơi vào tình trạng no hàng (ôm trữ hàng nhiều) nhưng thanh khoản ế ẩm do neo giá cao. “Các giao dịch trên thị trường từ giữa năm ngoái đến nay diễn ra rất chậm, dù giá được neo thêm 20-25% ở khu vực thành phố, tăng trên 30% ở khu vực vùng ven, đội giá trên 50% ở địa bàn tỉnh lẻ”, ông nhận xét.
Ông Kiên phân tích thêm, khi vật giá leo thang và lạm phát tăng cao, người có tiền lại càng không giữ tiền mà bỏ hết vào tài sản, trong đó bất động sản có thể được chọn là kênh trú ẩn chống trượt giá. Các ngành sản xuất kinh doanh có biên lợi nhuận trung bình hàng năm khoảng 15-18% trên vốn đầu tư sẽ gặp khó khăn khi giá sản xuất đầu vào tăng nhanh nhưng giá thành không thể bù lạm phát. Một kịch bản xấu có thể xảy ra là chính các doanh nghiệp này cũng phải chọn cách đẩy tiền vào việc giữ tài sản hơn là sản xuất.
Những người “mạnh về gạo, bạo về tiền” không bị áp lực nợ ngân hàng sẽ chưa vội bán bất động sản trong 6-12 tháng tới. Bởi bán xong lại phải tìm mua tài sản khác vì không thể giữ tiền mặt trong thời điểm lạm phát cao. Những người sử dụng đòn bẩy tài chính không còn dòng tiền đủ gánh chi phí trả nhà băng chắc chắn sẽ xả hàng khi lạm phát tăng cao. Sau 2 năm dịch bệnh, sản xuất kinh doanh khó khăn, túi tiền bị ảnh hưởng, nhiều nhà đầu tư bắt đầu rơi vào trường hợp hết tiền trong năm 2022.
Thêm một tác động tiêu cực khác của lạm phát đến thị trường bất động sản, theo ông Kiên, là bên nắm giữ tài sản sẽ đẩy giá lên cao để trừ hao trượt giá. Khi toàn thị trường đẩy giá bán lên sẽ khiến bất động sản thiết lập mặt bằng mới. Các dự án hình thành trong tương lai cũng tính sẵn giá bán của 2-3 năm sau khi bàn giao sản phẩm vì chủ đầu tư tính luôn phần lạm phát vào giá thành.
“Trong 12 tháng tới sẽ xuất hiện nghịch lý giá nhà đất liên tục leo thang nhưng thanh khoản ì ạch, ai cũng đua sở hữu tài sản dẫn đến nguồn lực xã hội chôn hết vào bất động sản”, ông Kiên dự báo.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC khuyến cáo, rủi ro lạm phát sẽ đào sâu thêm điểm yếu “mua dễ bán khó” đang tồn tại trên thị trường bất động sản. Biến động trượt giá một mặt khiến giá bất động sản tiếp tục tăng lên, mặt khác sẽ tác động tiêu cực đến thanh khoản của thị trường, nơi vốn không có hàng rẻ vì mọi thứ đều bị đẩy giá lên đỉnh điểm.
Chuyên gia này khuyến nghị, người đầu tư bất động sản chỉ cân nhắc mua khi biết rõ có thể bán được trong 12 tháng tới.
Vì sao Việt Nam kiểm soát được lạm phát, tránh được bão giá?
Công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ quý I năm 2022 đạt kết quả tốt, lạm phát được kiểm soát, tránh được bão giá góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều nước
Trong quý I/2022, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh, gây áp lực lạm phát lên nhiều quốc gia trên thế giới.
Do đó, áp lực lạm phát tăng cao tại nền kinh tế lớn và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu.
Cụ thể, lạm phát của Mỹ tháng 02/2022 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 01/1982. Lạm phát tại Anh lên mức cao nhất trong 30 năm qua (tháng Hai tăng 6,2%).
Lạm phát tháng 2/2022 của các nước khác thuộc khu vực châu Âu cũng tăng cao như: Pháp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, Đức tăng 5,1%, Tây Ban Nha tăng 7,6%, Italy tăng 5,7%…
Ở châu Á, Nhật Bản tháng thứ 6 liên tiếp có lạm phát tăng (tháng Một tăng 0,5%, tháng Hai tăng 0,9%), Hàn Quốc tháng 2 tăng 3,7%.
Các nước thuộc khu vực ASEAN đều có mức lạm phát tháng Hai cao hơn Việt Nam như Indonesia tăng 2,1%, Malaysia tăng 2,2%, Philippines tăng 3,0%, Singapore tăng 4,3%, Thái Lan tăng 5,3%…
Thêm vào đó, xung đột giữa Nga và Ucraina cùng với các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước đối với Nga, nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất và xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới đã đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao, đặc biệt giảm mạnh nguồn cung cho các nước châu Âu vốn phụ thuộc đáng kể vào việc nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón và lúa mì quan trọng, tình trạng thiếu hụt hai mặt hàng này làm tăng giá lương thực toàn cầu và gây áp lực lạm phát thêm trầm trọng.
Chúng ta vẫn kiểm soát tốt mặt bằng giá
Ở trong nước, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới với tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá một số hàng hóa tăng lên nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Tuy cao hơn mức tăng 0,29% của quý I/2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017-2020.
Tập quán và cơ cấu tiêu dùng của Việt Nam khác các nước
Lạm phát của Việt Nam trong quý I năm nay không tăng cao như nhiều quốc gia khác trên thế giới chủ yếu do một số nguyên nhân:
Thứ nhất, danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện tính CPI của các quốc gia khác nhau do phụ thuộc vào tập quán tiêu dùng, đồng thời cơ cấu chi tiêu dùng của hộ gia đình cũng không đồng nhất.
Đơn cử, Mỹ và châu Âu chi tiêu dùng cho các nhóm nhà ở, điện, nước, khí đốt, giao thông, văn hóa, giải trí chiếm tỷ trọng lớn trong khi Việt Nam chủ yếu chi tiêu dùng cho lương thực, thực phẩm (chiếm tỷ trọng 27,68%).
Cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đã khiến giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng nhanh hơn trong thời gian vừa qua. Mỹ và các nước phương Tây có tỷ trọng chi tiêu dùng các nhóm hàng này lớn nên tỷ lệ lạm phát cao hơn Việt Nam.
Lương thực, thực phẩm dồi dào, giá cả ổn định
Thứ hai, Việt Nam là quốc gia có nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi đào, bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân còn xuất khẩu ra thế giới nên giá cả khá ổn định.
Nhóm thực phẩm quý I/2022 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,26 điểm phần trăm.
Trong đó, giá thịt lợn giảm 21,55%; mỡ ăn giảm 22,6% và giá thịt chế biến giảm 4,63%. Giá thịt lợn giảm sâu chủ yếu do Việt Nam đã sản xuất được vaccine dịch tả lợn châu Phi nên chủ động trong phòng ngừa dịch khiến nguồn cung đảm bảo, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao làm cho các hộ chăn nuôi phải bán sớm cắt lỗ.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24% do một số địa phương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 làm CPI giảm 0,23 điểm phần trăm.
Nhiều hộ gia đình trong quý I đã giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến giá thuê nhà ở giảm 15,14%.
Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả
Thứ ba, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội.
Các chính sách, giải pháp tài chính tiền tệ được ban hành kịp thời đã giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: Ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01 đến hết 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022.
Đồng thời, công tác điều hành giá xăng dầu theo sát diễn biến giá thế giới, nguồn cung xăng dầu được chỉ đạo khắc phục kịp thời. Các địa phương tăng cường quản lý giá trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá.
Nguyễn Trung Tiến
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê