Mỹ cùng đồng minh châu Âu đang cân nhắc cấm nhập khẩu dầu Nga, Blinken cho biết. Nhà Trắng đang điều phối các ủy ban trong quốc hội để thông qua luật cấm của riêng họ.
“Iran là yếu tố giá xuống thực sự duy nhất đang lơ lửng trên thị trường nhưng nếu thỏa thuận Iran bị trì hoãn, chúng ta có thể chứng kiến tồn kho chạm đáy nhanh hơn, đặc biệt nếu dầu Nga bị loại khỏi thị trường quá lâu”, Amrita Sen, đồng sáng lập Energy Aspects, nhận định.
Giới phân tích từ JPMorgan cho rằng giá dầu có thể lên 185 USD/thùng trong năm nay.
Nga xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng/ngày dầu và sản phẩm tinh chế, tương đương 7% nguồn cung toàn cầu. Một phần dầu Kazakhstan xuất khẩu từ các cảng Nga cũng sẽ gặp trở ngại.
Bank of America cảnh báo nếu hầu hết dầu Nga không thể xuất khẩu, thị trường có thể chứng kiến giá dầu lên tới 200 USD/thùng.
Một yếu tố khiến giá dầu tăng nữa là hai mỏ dầu El Feel và Sharara ở Libya đóng cửa, khiến nguồn cung giảm 330.000 thùng/ngày. Libya, thành viên OPEC, sản xuất 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2021.
Lúc 18h50 EST ngày 6/3 (6h50 ngày 7/3 giờ Hà Nội), giá dầu Brent tương lai tăng 11,67 USD, tương đương 9,9%, lên 129,78 USD/thùng.
Giá dầu WTI tương lai tăng 10,83 USD, tương đương 9,4%, lên 126,51 USD/thùng.
Giá hai loại dầu đang trên đà có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2020. Không lâu sau khi bắt đầu giao dịch ngày 6/3, giá dầu Brent và WTI đều lên cao nhất kể từ tháng 7/2008 ở 139,13 USD/thùng và 130,5 USD/thùng.
Giá xăng và sản phẩm tinh chế tương lai cũng nối đà tăng mạnh của dầu thô.
Đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 ngày 6/3 rơi vào bất ổn sau khi Nga yêu cầu Mỹ đảm bảo các lệnh trừng phạt Moscow phải đối mặt liên quan xung đột ở Ukraine sẽ không ảnh hưởng thương mại với Tehran. Trung Quốc cũng đưa ra các yêu cầu mới, theo các nguồn tin.
Phản hồi Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6/3 nói các lệnh trừng phạt Nga liên quan xung đột Ukraine không ảnh hưởng gì đến thỏa thuận hạt nhân tiềm năng với Iran.