Giá dầu đã ở mức cao dù nhu cầu tại Trung Quốc – nước tiêu thụ hàng đầu – giảm đáng kể. Giờ, khi nước này mở cửa trở lại, giá có khả năng gia tăng mạnh mẽ.
Theo Bloomberg, các nhà đầu cơ dầu cho rằng sự trở lại của Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu trên toàn cầu mạnh mẽ.
Nếu điều đó là đúng, mùa hè này, người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ đối mặt với giá xăng dầu tăng vọt.
Tại Trung Quốc, Thượng Hải đã tái áp dụng lệnh phong tỏa ở một số khu vực. Nhưng nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới vẫn được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ sau làn sóng Covid-19 mới. Điều đó tạo thêm áp lực về phía cầu cho thị trường dầu toàn cầu, vốn đã căng thẳng với mức giá cao kỷ lục.
Giá dầu đã duy trì trên ngưỡng 120 USD/thùng trong thời gian dài. Ảnh: Reuters. |
Nội dung chính
Nhu cầu tại Trung Quốc trở lại
Ngay cả khi các lệnh phong tỏa và biện pháp kiểm soát dịch gắt gao đè nặng lên nhu cầu ở Trung Quốc, dầu thô thế giới vẫn được giao dịch trên ngưỡng 120 USD/thùng trong một thời gian dài.
Mới đây, ông Suhail Al-Mazrouei – Bộ trưởng Năng lượng UAE – thừa nhận rằng các nước thành viên của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) đang gặp khó trong việc khôi phục sản xuất theo đúng kế hoạch.
“Với mức tiêu thụ hiện giờ, chúng ta vẫn còn xa ngưỡng giá kỷ lục, bởi Trung Quốc thậm chí còn chưa mở cửa trở lại”, ông Suhail Al-Mazrouei lập luận. Theo ông, một khi hoạt động tại đất nước 1,4 tỷ dân được khôi phục hoàn toàn, nhu cầu sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Một số quốc gia đã công bố lệnh cấm vận đối với dầu Nga – một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới – sau khi Moscow đổ quân vào Ukraine. Điều đó làm gián đoạn nguồn cung dầu thô và nhiên liệu sẵn có.
Giá dầu đang ở mức 120 USD/thùng khi không có Trung Quốc. Vì thế, nếu Bắc Kinh trở lại, giá dầu sẽ tăng cao hơn Bà Amrita Sen, nhà phân tích tại công ty tư vấn Energy Aspects Ltd. |
Trong khi đó, tiêu thụ các sản phẩm tinh chế đã vượt mức sản xuất, làm xói mòn nguồn cung sẵn có.
Tuần này, Goldman Sachs Group Inc. dự báo giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu sẽ đạt 140 USD/thùng trong những tháng tới. Morgan Stanley cho rằng nếu chạm ngưỡng 150 USD/thùng, giá dầu có thể còn tăng cao hơn nữa. Giá dầu Brent lập kỷ lục 147,5 USD/thùng vào tháng 7/2008.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc ước tính mức tiêu thụ của nước này có thể tăng 12% trong quý III/2022. Trong khi đó, Ngân hàng Trung Quốc Quốc tế dự báo nhu cầu dầu sẽ phục hồi nhẹ vào quý III, nhưng tăng mạnh trong quý IV.
“Giá dầu đang ở mức 120 USD/thùng khi không có Trung Quốc. Vì thế, nếu Bắc Kinh trở lại, giá dầu sẽ tăng cao hơn”, bà Amrita Sen – nhà phân tích tại công ty tư vấn Energy Aspects Ltd. – bình luận.
“Ngay cả khi giá tăng cao, nhu cầu vẫn đi lên bởi mọi người muốn du lịch và ra khỏi nhà. Thêm vào đó, các chính phủ trên khắp thế giới đang tăng cường trợ giá”, bà nói thêm.
Việc trợ giá hoặc giảm thuế đang thúc đẩy nhu cầu tại những quốc gia từ Mexico đến Nam Phi. Đó là một trong những lý do khiến nhu cầu vẫn đi lên ngay cả khi giá tăng cao.
Năng lực sản xuất hạn chế
Nga là nguồn cung chính của những sản phẩm tinh chế, chẳng hạn dầu diesel. Loại hàng hóa này đang được bán ở châu Âu với giá khoảng 170 USD/thùng. Chênh lệch giá giữa xăng, dầu diesel và dầu thô đã đạt mức kỷ lục tại châu Âu và Mỹ trong năm nay. Tồn trữ nhiên liệu sẽ còn giảm mạnh vào mùa hè.
Ông Amos Hochstein – cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ – cho rằng việc thiếu hụt đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và xu hướng giảm công suất lọc dầu là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu.
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al-Mazrouei cũng cho rằng nếu không có thêm đầu tư trên toàn cầu, OPEC+ (OPEC và đồng minh) sẽ không thể đảm bảo đủ nguồn cung dầu khi nhu cầu phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. “Giá có thể tăng vọt lên mức chưa từng thấy nếu dầu và khí đốt của Nga hoàn toàn bị loại bỏ khỏi thị trường”, ông cảnh báo.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí yêu cầu ngành công nghiệp lọc dầu của Mỹ tái khởi động các nhà máy đã bị dừng hoạt động.
Điều này có nghĩa là ngay cả khi OPEC+ cam kết nâng sản lượng, những động thái này khó có thể tạo ra thay đổi lớn trên thị trường dầu. Tuần này, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết chỉ 2-3 quốc gia thành viên có khả năng nâng sản lượng đáng kể.
Những tháng qua, các đợt phong tỏa của Trung Quốc giúp hạ nhiệt phần nào giá dầu. Ảnh: Reuters. |
Hôm 2/6, OPEC+ (bao gồm Nga) đã thống nhất tăng cung thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8. Mức nâng này cao hơn 200.000 thùng/ngày so với kế hoạch cũ.
Mức tăng sản lượng của OPEC+ chỉ bằng 0,4% nhu cầu toàn cầu trong tháng 7 và tháng 8. Thêm vào đó, vài tháng qua, nhóm này đã không thể đạt mục tiêu sản lượng của mình.
“Sản lượng của nhóm đang thấp hơn mục tiêu khoảng 2,6 triệu thùng/ngày. Đó là một con số lớn”, ông Al-Mazrouei thừa nhận.
Ngay cả khi một số khu vực của Thượng Hải đã tái áp dụng các biện pháp chống dịch, theo giới quan sát, nhu cầu sẽ gia tăng mạnh mẽ, vượt xa mức tăng của sản lượng trên toàn cầu.
Đối với người tiêu dùng, nhu cầu sẽ đặc biệt tăng cao vào mùa hè, bởi tiêu thụ sản phẩm tinh chế đi lên vì nhu cầu di chuyển gia tăng.