Đồng USD vừa ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch COVID-19, nhưng các nhà phân tích tin rằng đà tăng của đồng bạc xanh có thể vẫn chưa kết thúc.
Nội dung chính
Đồng bạc xanh bị bán tháo
Trong tuần này, chỉ số giá USD giao ngay của Bloomberg đã bốc hơi khoảng 3,5% – mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Các nhà đầu tư đã giảm bớt kỳ vọng vào đồng bạc xanh trước báo cáo lạm phát tháng 10 của Mỹ, bởi họ cho rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ “nới tay” trong các cuộc họp chính sách tiếp theo khi lạm phát hạ nhiệt.
Đợt bán tháo mới nhất đã khiến chỉ số đồng USD sụt khoảng 6% so với mức cao kỷ lục mà nó xác lập vào cuối tháng 9. Yen là một trong các đồng tiền hưởng lợi khi USD lao dốc, Bloomberg thông tin.
Chỉ số USD giao ngay của Bloomberg đã bật tăng hơn 22% kể từ mức thấp hồi giữa năm 2021 lên mức đỉnh vào tháng 9. Bất chấp các đợt giảm điểm gần đây, chỉ số này vẫn tăng hơn 14% so với mức thấp hồi năm ngoái.
Sức mạnh vượt trội của đồng bạc xanh đã làm đảo lộn nhiều thị trường tài chính, đồng thời khiến giá của các hàng hoá định giá bằng đồng tiền này như dầu thô tăng cao hơn và làm phức tạp hoá vấn đề chính sách tiền tệ trên khắp thế giới.
Tuần này, thị trường chứng khoán và trái phiếu Kho bạc Mỹ đều đồng loạt đi lên khi USD trượt giá. Mặt khác, các quỹ đổ xô mua vào đồng yen, giúp đồng nội tệ của Nhật Bản tăng hơn 5% sau khi chạm mức đáy 30 năm chưa đầy một tháng trước.
Đà tăng đã dứt?
Các diễn biến mới đây cho thấy đồng bạc xanh có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tuần tới khi thị trường đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất với quy mô nhỏ hơn.
Song, các nhà đầu tư và giới chuyên gia vẫn thận trọng rằng liệu xu hướng xuống giá của USD có kéo dài hay không.
Trong bối cảnh một cuộc suy thoái đang rình rập nền kinh tế toàn cầu, chiến sự tại Ukraine vẫn tiếp diễn và nền kinh tế Trung Quốc ngày càng chao đảo, các nhà phân tích nói còn quá sớm để “xả mạnh” đồng USD – tài sản được coi là thiên đường trú ẩn trong thời kỳ bất ổn.
Cụ thể, chiến lược gia tiền tệ Lee Hardman cho biết, xét quy mô của các giao dịch mua vào USD trong năm nay, đồng bạc xanh sẽ giảm thêm 2 – 3% nữa trước khi bước sang năm mới.
Điều này có thể giúp đồng yen tăng từ mức 139 hiện nay xuống 130 JPY/USD, trong khi đó đồng euro có thể cải thiện từ mức hiện tại khoảng 1,036 xuống khoảng 1,05 USD/EUR.
Trái lại, trong một ghi chú, các nhà phân tích của ING Groep nhận định: “Đồng USD có thể đã chạm đỉnh, nhưng xu hướng giảm của đồng tiền này thì chưa chắc sẽ xuất hiện”. Ngân hàng Hà Lan “lạc quan vừa phải” về triển vọng của USD trong giai đoạn cuối năm.
Bản thân ông Hardman cũng lưu ý: “Chắc chắn là khi điểm bước ngoặt xuất hiện, đồng USD sẽ cắm đầu. Song, bây giờ nhà đầu tư có thể bị thiệt nếu bán ra USD một cách quá đà, bởi chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed vẫn chưa kết thúc…”
Từ giờ, các nhà đầu tư sẽ theo dõi thêm dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt, vì việc này có thể cho phép Fed giảm bớt tốc độ tăng lãi suất.
Theo Bloomberg, 4 quan chức Fed đã ủng hộ việc hạ tốc độ tăng lãi suất, ngay cả khi họ nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ cần phải ở trạng thái thắt chặt thêm một thời gian nữa.
Ông Hardman lập luận, đồng USD sẽ tiếp tục bị bán tháo mạnh hơn nếu thị trường tự tin rằng lạm phát đang sụt giảm nhanh chóng và Fed có thể cần cân nhắc cắt giảm lãi suất để tránh rủi ro suy thoái.
Tuy nhiên, một tình huống như vậy có thể tạo thêm nhu cầu trú ẩn của nhà đầu tư, qua đó giúp ích cho đồng bạc xanh hơn nữa, ông nói thêm.
Trao đổi với Bloomberg, ông Alex Jekov – chiến lược gia tiền tệ tại BNP Paribas, cho hay: “Rủi ro là đồng USD có thể tiếp tục giảm giá.
Tuy nhiên, thật khó để tin rằng đồng tiền này sẽ chứng kiến một bước ngoặt lớn trong trung hạn vì chúng ta chỉ mới thấy CPI hạ nhiệt trong tháng 10. Hơn nữa, chúng ta cũng chưa thay đổi dự báo về mức đỉnh lãi suất của Fed – mà đây lại là chìa khoá cho sức mạnh của đồng USD”.