Được kỳ vọng là bệ phóng cho thị trường bất động sản các khu vực, nhưng nhiều dự án hạ tầng, đầu tư công đang gặp khó từ những chuyện… bé như hạt cát.
Ảnh: Thành Nguyễn
Chủ đầu tư lao đao vì thiếu nguyên liệu
Nếu như những năm trước, “đói” vốn là vấn đề lớn của các dự án đầu tư công, thì hiện nay, câu chuyện này đã được tháo gỡ nhiều, nhưng nguyên vật liệu lại đang trở thành vấn đề lớn.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Long cho hay, trong năm 2022 có nguy cơ thiếu hụt khoảng 5,5 triệu m3 cát sông san lấp công trình. Việc thiếu cát san lấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án, công trình và kinh phí xây dựng.
Tại Cần Thơ, nhu cầu cát phục vụ san lấp các công trình xây dựng của Thành phố giai đoạn 2022 – 2025 là 34 triệu m3. Trữ lượng hiện nay trên địa bàn không đủ đáp ứng nhu cầu.
Tình trạng thiếu cát diễn ra tại không ít địa phương khác như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, khiến các dự án bị ảnh hưởng về tiến độ. Đơn cử, dự án đường tránh thành phố Long Xuyên được khởi công vào tháng 1/2022, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023, nhưng qua 5 tháng thi công, công trình mới chỉ đạt khoảng 4% khối lượng vì thiếu cát.
Ông Đào Văn Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) cho biết, các địa phương ở phía Nam đang gặp khó khăn hơn phía Bắc về nguồn cung nguyên vật liệu, bởi số lượng các mỏ đá, mỏ đất không nhiều. Ngoài ra, khan hiếm nguyên vật liệu còn đến từ việc nhiều địa phương giữ lại các mỏ, chứ chưa mở cho các dự án liên tỉnh.
“Việc mở các mỏ liên quan nhiều đến chính sách địa phương, cùng với đó là các vướng mắc liên quan đến câu chuyện giải phóng mặt bằng, vì các mỏ thường không lộ thiên, có những mỏ ở trong rừng, trong núi, hoặc khu vực đất rừng phòng hộ, vượt ngoài tầm quyết định của các tỉnh. Đây cũng là một nút thắt cần được tháo gỡ”, ông Duy nói.
Nỗi lo thiếu cát đang hiện hữu ở nhiều địa phương (Ảnh: Thành Nguyễn) |
Góc khuất chuyện “cát, sỏi”
Thiếu nguyên vật liệu đang là vấn đề nổi cộm với nhiều dự án, nhưng đề cập đến chuyện này lại khá tế nhị, nên các chủ đầu tư thường có tâm lý dè dặt, thậm chí cam chịu, làm đến đâu ứng phó đến đó.
Đại diện một chủ đầu tư chuyên thực hiện các dự án đầu tư công có trụ sở ở Hà Nội nhận xét, thực trạng phổ biến hiện nay là có cả dự án trọng điểm quốc gia đi qua các địa phương, nhưng công tác quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho dự án chưa được thực hiện tốt, tính chủ động, phối hợp giữa các tỉnh, thành chưa cao, khiến cho các dự án liên tỉnh, liên vùng bị ảnh hưởng.
Phổ biến nhất là tình trạng xin dự án nhưng không chủ động khoanh vùng vật liệu cát, đá, sỏi, đất, mọi việc buông hết cho nhà đầu tư mà không có sự hỗ trợ.
Nguy hiểm hơn là việc chưa có quy trình, quy chế, công cụ và kế hoạch, khiến cho không ít trường hợp, các doanh nghiệp địa phương tự tung tự tác, khai thác tài nguyên vô tội vạ, vừa không đảm bảo môi trường, vừa để diễn ra tình trạng nguyên vật liệu bán trôi nổi, thông đồng làm giá một cách không kiểm soát và nhà đầu tư là nạn nhân.
Nhiều nhà đầu tư không thể mua nguyên vật liệu từ bên ngoài vì không ít địa phương có tình trạng “bao thầu” cung cấp nguyên vật liệu. Nếu mua thì giá quá cao, “ăn” vào lợi nhuận.
Việc thiếu cát san lấp ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án, công trình và kinh phí xây dựng.
Đại diện một doanh nghiệp ở Bình Dương cho biết, nguồn nguyên vật liệu đang được quản lý bởi hai bộ: Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý về khoáng sản, Bộ Xây dựng quản lý về dự án đầu tư. Vướng mắc lớn hiện nay đó là việc quy hoạch các mỏ nguyên liệu không gắn được với các dự án đầu tư, nhiều khi là một phần tách rời, khiến cho các dự án thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Cao tốc Bắc – Nam đang triển khai có nhiều đoạn thiếu vật liệu làm nền như sỏi đỏ. Trong khi đoạn từ Lâm Đồng về Phan Thiết (Bình Thuận) có nhiều mỏ sỏi đỏ, nhưng muốn khai thác được phải xin giấy phép riêng. Tương tự, khu Lagi (Bình Thuận) có một dải đồi cát hoang không sử dụng, nhưng các dự án hạ tầng xung quanh lại không có cát để san lấp do chưa thể khai thác.
Về góc độ quản lý, các cơ quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường có cái khó riêng, đó là nếu cấp phép thông thoáng quá sẽ dễ dẫn đến một cuộc đua khai thác rầm rộ, làm ảnh hưởng môi trường và nhanh chóng cạn kiệt tài nguyên. Còn nếu thắt chặt như hiện tại thì các dự án cơ bản đều thiếu nguyên vật liệu, nhất là nguyên vật liệu làm nền.
Theo vị đại diện doanh nghiệp ở Bình Dương, việc cấp phép các mỏ nguyên liệu lớn thuộc thẩm quyền của cấp Bộ, dẫn đến việc chạy đua xin giấy phép mà phía địa phương không quản lý được. Do đó, Nhà nước nên xem xét việc phân cấp, phân quyền cấp phép khai thác cho cấp tỉnh. Tất nhiên để quản lý tốt thì cần cơ chế giám sát qua hội đồng nhân dân, các ngành liên quan để đảm bảo công bằng, tránh tình trạng “tỉnh lỏng, tỉnh chặt”.
Về những bất cập trong quy hoạch nguồn nguyên vật liệu phục vụ các dự án đầu tư, đại diện một chủ đầu tư ở TP.HCM cho hay, trong dự án đầu tư xây dựng đều có phần đánh giá nguồn vật liệu như một hạng mục cho tính khả thi của dự án, nhưng nhiều khi lập quy hoạch hạng mục này được làm sơ sài, chủ yếu tiếp cận theo hướng “mua hết cho gọn”.
Điều này dễ dẫn đến tình trạng chủ đầu tư phải mua theo giá thị trường, chịu giá cao, khan hiếm, thiếu chủ động và hay rơi vào tình trạng có cầu mà chẳng có cung.
Do đó, giải pháp căn cơ để chấm dứt tình trạng trên là cần phải tối ưu và quán triệt thực hiện cơ chế đấu thầu theo hình thức “một giai đoạn, hai túi hồ sơ”. Tính khả thi của dự án phải được đặt lên trên, trong đó nhà đầu tư phải đảm bảo xin được giấy phép khai khoáng để chủ động nguyên vật liệu và giảm giá thầu. Chỉ khi túi hồ sơ thứ nhất – đề xuất kỹ thuật đạt yêu cầu mới mở túi hồ sơ thứ hai – đề xuất giá.
“Thực hiện được điều này sẽ tạo nên hàng rào kỹ thuật và giải quyết tốt câu chuyện thiếu nguyên vật liệu cho dự án. Nhà nước cũng được lợi do giảm được chi phí”, vị đại diện chủ đầu tư ở TP.HCM nhấn mạnh.