NHNN đã dừng phát hành tín phiếu trong 5 phiên liên tiếp và bơm trả cho hệ thống ngân hàng 90.000 tỷ đồng khi các lô tín phiếu cũ đáo hạn.
Trong phiên giao dịch 15/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục không chào thầu tín phiếu mới. Đây là phiên thứ năm liên tiếp Nhà điều hành không phát hành tín phiếu, sau gần 2 tháng liên tục thực hiện nghiệp vụ này.
Ở hướng ngược lại, có 90.000 tỷ đồng tín phiếu cũ đáo hạn trong 5 phiên vừa qua, đồng nghĩa với lượng tiền tương ứng được bơm trả lại hệ thống.
Sau phiên giao dịch hôm qua, lượng tín phiếu lưu hành đã giảm về còn gần 105.000 tỷ đồng, tương ứng với số tiền được NHNN hút ra khỏi hệ thống kể từ khi mở lại kênh phát hành tín phiếu. Số tín phiếu này sẽ lần lượt đáo hạn từ nay đến đầu tháng 12/2023, riêng 2 phiên còn lại của tuần này sẽ có 5.900 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Động thái dừng phát hành tín phiếu của NHNN diễn ra trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm mạnh.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 14/11 đã giảm về còn 0,36%/năm, chưa bằng một nửa so với cuối tuần trước (0,83%). Còn so với mức cao điểm 2,84% ghi nhận vào phiên 24/10, lãi suất qua đêm đã giảm gần 2,5 điểm %; lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác như 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng đều giảm 2 – 2,5 điểm %.
Theo giới phân tích, việc FED tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 và lạm phát Mỹ thấp hơn dự báo khiến giá trị đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế đảo chiều giảm mạnh, đã góp phần giảm áp lực lên tỷ giá. Áp lực tỷ giá hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế và không cần thiết phải sử dụng công cụ tín phiếu để hỗ trợ tiền Đồng.
Thực tế, lãi suất VND liên ngân hàng giảm sâu khiến chênh lệch lãi suất USD – VND tiệm cận trở lại mức cao kỷ lục hồi quý 3/2023, tuy nhiên tỷ giá lại liên tục lao dốc trong nửa đầu tháng 11. Hiện, tỷ giá mua – bán USD tại Vietcombank (ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống) được niêm yết ở mức 24.100 – 24.470 VND/USD, giảm 260 đồng (tương đương 1%) so với cuối tháng 10.
Trao đổi với người viết, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng nguồn vốn và trái phiếu tại các ngân hàng cho rằng, công cụ can thiệp bằng tín phiếu có chi phí của nó, ở cả 3 khía cạnh: chi phí thực thi (tăng chi phí điều hành), lượng thanh khoản và vốn khả dụng của các ngân hàng và giá – ở đây là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Chính vì vậy, NHNN chỉ sử dụng công cụ tín phiếu khi thực sự cần thiết và là một trong những lựa chọn khả thi (ở đây mục tiêu là ổn định tỷ giá).
Theo vị chuyên gia này, việc áp lực mất giá của VND tăng mạnh thời gian trước chủ yếu do cung – cầu USD ngắn hạn và USD trên thị trường quốc tế mạnh lên; và chênh lệch lãi suất USD – VND không phải là yếu tố quyết định hay yếu tố nguyên nhân, nhưng nó có thể là yếu tố cộng hưởng làm tăng áp lực lên tỷ giá.
“Khi áp lực gia tăng thì chênh lệch lãi suất – vốn tồn tại một thời gian dài trước đây – trở thành một yếu tố cộng hưởng, tác động làm căng thẳng thêm tình hình. Do vậy, việc phát hành tín phiếu là một trong những cách cùng tác động nhằm ổn định lại tỷ giá. Hiện, áp lực lên tỷ giá giảm do xu hướng USD quốc tế, đi cùng nguồn cung ngoại tệ có phần dồi dào hơn. Tỷ giá liên ngân hàng giảm khá mạnh xuống vùng 24.3xx, nên NHNN ngưng phát hành tín phiếu”, vị này cho biết.
Chuyên gia này đánh giá, dù NHNN đã dừng phát hành tín phiếu và lượng tín phiếu cũ sẽ dần đáo hạn nhưng việc phát hành vừa qua cũng đã giúp nhà điều hành kiểm soát một cách nhạy hơn về lãi suất ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng, vốn để rất lỏng trong một thời gian dài trước đó ở mức rất thấp (do thanh khoản dồi dào, tín dụng yếu). Điều này sẽ tăng tính chủ động cho Ngân hàng Nhà nước và khi cần thiết cơ quan này có thể tác động trở lại.