Tỷ lệ Margin/VCSH của các công ty chứng khoán tại ngày cuối năm 2023 xấp xỉ 80%, cao nhất trong vòng một năm qua nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn cuối 2021 đến đầu 2022.
Năm 2023 là giai đoạn mà cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán diễn ra tương đối ảm đạm. Thương vụ đáng chú ý nhất là việc TCBS chào bán riêng lẻ cho Techcombank qua đó tăng vốn điều lệ thêm 10.000 tỷ đồng. Động thái này đưa TCBS vươn lên trở thành công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn nhất ngành với hơn 23.600 tỷ đồng tính đến cuối năm 2023.
Thời điểm 31/12/2023, tổng vốn chủ sở hữu (VCSH) của các công ty chứng khoán ước tính lên đến 219.000 tỷ đồng, tăng khoảng 4.000 tỷ so với cuối quý 3 và tăng khoảng 29.000 tỷ so với đầu năm. Ngoài trường hợp của TCBS, sự gia tăng trên chủ yếu đến từ khoản lợi nhuận chưa phân phối tích luỹ trong năm qua.
Tại cùng thời điểm, dư nợ margin tại các công ty chứng khoán ước tính vào khoảng 172.000 tỷ đồng, cũng tăng 13.000 tỷ so với cuối quý 3 và tăng 57.000 so với cuối năm 2022. Như vậy, tỷ lệ Margin/VCSH tại ngày cuối năm 2023 ước đạt xấp xỉ 80%. Đây là mức cao nhất trong vòng một năm qua nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn rất căng margin cuối 2021 đến đầu 2022.
Theo quy định, công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm.Với tỷ lệ Margin/VCSH như hiện nay, các công ty chứng khoán ước tính còn đến 266.000 tỷ đồng (~11 tỷ USD) có thể cho nhà đầu tư vay ký quỹ trong thời gian tới.
Cần lưu ý rằng, con số này chỉ là tính toán trên lý thuyết và thực tế chưa bao giờ tỷ lệ Margin/VCSH toàn thị trường chạm đến ngưỡng 2 lần ngay cả trong giai đoạn giao dịch bùng nổ nhất.
Phần lớn các công ty chứng khoán đều có tỷ lệ Margin/VCSH nằm trong khoảng 100-150%, ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt như MBS, PHS đang ở gần ngưỡng tối đa. Mặt bằng tỷ lệ này cao hơn so với thời điểm cuối quý 3 nhưng vẫn tương đối an toàn. TCBS và SSI là 2 cái tên cho vay nhiều nhất tại thời điểm cuối năm 2023 nhưng tỷ lệ Margin/VCSH đều rất thấp, dưới 70%. Nhìn chung, các công ty chứng khoán còn thừa rất nhiều room có thể cho nhà đầu tư vay margin.
Cuộc đua tăng vốn lại nóng dần lên
Nhìn bề ngoài áp lực tăng vốn đối với các công ty chứng khoán là chưa quá bức thiết tuy nhiên cuộc đua lại đang có dấu hiệu nóng dần lên gần đây. Theo thống kê, dự kiến sẽ có ít nhất 5 công ty chứng khoán thực hiện tăng vốn điều lệ trong thời gian tới. Mục đích sử dụng vốn đa phần để bổ sung hoạt động cho vay.
Ngay đầu năm 2024, Chứng khoán HSC đã chốt danh sách cổ đông để chào bán 228,6 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/cp, đồng thời phát hành gần 68,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2/2021 theo tỷ lệ 15%. Nếu thành công, vốn điều lệ của HSC sẽ tăng thêm gần 3.000 tỷ, lên mức 7.552 tỷ đồng.
SSI cũng đã được cổ đông “bật đèn xanh” cho phương án phát hành 453 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Trong đó, SSI phát hành 302 triệu cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100:20 và chào bán 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp, tỷ lệ 100:10. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng lên mức 19.645 tỷ đồng, tiếp tục là quán quân vốn điều lệ nhóm chứng khoán.
Trước đó, VNDirect đã lên kế hoạch chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1, giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Đồng thời, chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, tương ứng phát hành gần 61 triệu cổ phiếu mới. Nếu cả 2 phương án trên đều thành công, vốn điều lệ của VND sẽ được nâng từ 12.178 tỷ lên gần 15.223 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2023 và hoặc năm 2024 sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
LPBS cũng có kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tối đa 363,8 triệu cổ phiếu với mức giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền là 1.000/14.552. Nếu hoàn tất 100% kế hoạch, vốn điều lệ của LPBS dự kiến gấp gần 16 lần, tăng từ 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng.
Chứng khoán TPS đang triển khai phương án phát hành tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng thông qua chào bán 100 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Chứng khoán Nhất Việt (VFS) dự kiến sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm 2023-2024 với mục tiêu lên 2.400 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần hiện tại.
Mới đây, ACBS đã nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng, lên thành 7.000 tỷ đồng. Con số này đưa ACBS trở thành công ty chứng khoán xếp thứ 5 về vốn điều lệ trên thị trường. Việc tăng vốn nhằm đáp ứng cho nhu cầu nâng cấp hệ thống giao dịch lõi (core), chiếm lĩnh thị phần môi giới cơ sở/phái sinh và kinh doanh margin.
Theo Chứng khoán DSC, tổng giá trị tăng vốn điều lệ dự kiến tăng thêm của 7 công ty chứng khoán vào khoảng 17.000 tỷ đồng, chủ yếu được sử dụng để mở cung margin, bổ sung vốn cho tự doanh và đầu tư khác. Ngoài ra, một số doanh nghiệp tăng vốn để bù lại dòng vốn đang bị “đóng băng” do nắm giữ lượng lớn trái phiếu.
Mặt khác, báo cáo của DSC cũng nhất mạnh việc tăng vốn nóng trong bối cảnh thanh khoản thị trường chưa thực sự sôi động trở lại có nguy cơ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trong ngắn hạn. DSC cho rằng chỉ số ROE sẽ duy trì ở mức thấp trong giai đoạn 2024-2025.