Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra từ 22 đến 26/5 tại Davos, Thụy Sĩ theo hình thức trực tiếp. Cuộc xung đột tại Ukraine là chủ đề được quan tâm nhất tại WEF 2022, bên cạnh đó là các vấn đề khác như suy thoái, lãi suất, dịch bệnh và an ninh lương thực.
Cuộc xung đột Ukraine, lạm phát tăng phi mã, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và rủi ro mất an toàn an ninh lương thực toàn cầu là những vấn đề nóng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa khép lại tại Davos, Thụy Sĩ.
“Sự trở lại của chiến tranh, dịch bệnh, cuộc khủng hoảng khí hậu, tất cả những yếu tố trên góp phần cản trở đà phục hồi của kinh tế toàn cầu”, Klaus Schwab, nhà sáng lập WEF, chia sẻ. “Những vấn đề đó phải được đưa ra bàn thảo tại Davos. Đặc biệt, rủi ro một cuộc khủng hoảng lương thực trên quy mô toàn thế giới cũng cần nhận được sự quan tâm ngay lập tức”, ông nói.
“Diễn đàn năm nay mang tính thời điểm cao nhất trong hơn 50 năm hình thành và phát triển”, Schwab, nhận định.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức theo hình thực trực tiếp sau hai năm gián đoạn vì Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Ba chữ R
“Có 3 chữ R đang rất được quan tâm ở thời điểm hiện tại: Đó chính là Russia (Nga và các vấn đề liên quan tới chiến dịch quân sự của quốc gia này trên lãnh thổ Ukraine); Recession (Rủi ro suy thoái), và Rate (Lãi suất)”, Jane Fraser, CEO Citigroup, chia sẻ. Không khí “u ám” bao trùm bữa ăn trưa do Hội đồng Kinh tế Quốc tế của WEF tổ chức, một doanh nhân người Mỹ, cho biết.
Chủ đề xung đột địa chính trị nhận được sự quan tâm lớn nhất từ các đại biểu. Hai phiên thảo luận có tên “Nga – điều gì tiếp theo?”, và “Chiến tranh lạnh 2.0” đều chật kín chỗ, thu hút nhiều khán giả hơn tất cả những phiên làm việc khác liên quan tới đại dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế.
Dù chỉ xuất hiện trên sóng truyền hình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn là một trong những nhân vật nổi bật nhất tại WEF năm nay. Ông được chào mừng nhiệt liệt dù trước đó lên tiếng hối thúc các doanh nghiệp quốc tế rời bỏ nước Nga hoặc dừng giao dịch với quốc gia này.
Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF, cho biết việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine “đang phá hủy cuộc sống của hàng triệu người dân, kéo giảm tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát”.
Đồng thời, bà cảnh báo cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với “thách thức lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2”.
Tác động của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và lãi suất tăng càng trở nên rõ nét trong bối cảnh xung đột Ukraine nổ ra, đe dọa tới thành tựu phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
Một khảo sát đối với các kinh tế trưởng tại nhiều doanh nghiệp và tổ chức quốc tế thực hiện bởi WEF cho thấy tâm lý chung của họ đã chuyển sang bi quan trong vòng nửa năm trở lại đây. Hoạt động kinh tế tại Mỹ, Trung Quốc và phần lớn các nền kinh tế mới nổi sẽ ở mức cầm chừng. Triển vọng kinh tế ảm đạm tại châu Âu, liên quan tới xung đột Ukraine, là điều được nhiều người dự báo.
Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF, phát biểu tại WEF 2022. Ảnh: Reuters. |
Robert Habeck, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết: “Tôi lo sợ rằng nền kinh tế thế sẽ rơi vào suy thoái, gây ra tác động lớn tới không chỉ khí hậu mà còn là sự ổn định toàn cầu”.
Nhà đầu tư, đồng thời là nhà từ thiện George Soros nhấn mạnh rằng: Quyết tâm theo đuổi chiến lược Zero Covid của Trung Quốc là “sai lầm nghiêm trọng nhất” của ông Tập Cận Bình. “Bên cạnh cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản, tác động của sai lần này lớn tới nỗi có thể làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu”, Soros nói. “Với việc nhiều nút thắt chuỗi cung ứng chưa được giải quyết, lạm phát toàn cầu hoàn toàn có thể biến thành suy thoái toàn cầu”.
Vấn đề khẩn cấp toàn cầu
Tại Davos, nơi WEF khẳng định quyết tâm “cải thiện hiện trạng thực tại của thế giới, một phiên họp bên lề nhằm thảo luận vấn đề này đã được tổ chức. Tuy nhiên, điều đó dường như là chưa đủ.
Nga và Ukraine chiếm tới 25% tổng nguồn cung lúa mì của thế giới, và Belarus, quốc gia cũng đang bị cấm vận, là quốc gia xuất khẩu phân bón kali lớn thứ 2 toàn cầu. Hàng hóa nông nghiệp của Ukraine đang bị ách tắc trên Biển Đen, tình hình xung đột khiến mùa vụ bị bỏ dở. Và để giữ vững tình hình an ninh lương thực trong nước, nhiều quốc gia đã ban bố lện cấm xuất khẩu, kích hoạt làn sóng bảo hộ lương thực trên quy mô toàn cầu.
Beata Javorcik, Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Xây dựng và Phát triển châu Âu miêu tả tình hình hiện tại là một “cơn bão hoàn hảo”, đồng thời cảnh báo tình thiếu hụt lương thực toàn cầu sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn so với giai đoạn 2008-2011, thời điểm hạn hán và suy thoái toàn cầu khiến cho chi phí lương thực tăng cao tại nhiều, gây ra tình trạng bất ổn chính trị, châm ngòi phong trào Mùa xuân Arab.
Bộ trưởng Tài chính Arab Saudi Mohammed al-Jadaan nhận định thế giới chưa quá đề cao tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lương thực.
“Tôi cho rằng đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu là có thật nhưng cộng đồng quốc tế vẫn đang đánh giá thấp điều này”, ông chia sẻ với CNBC trong khuôn khổ WEF 2022.
“Và sẽ có rất nhiều những hệ lụy mà không chỉ các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi phải đối mặt. Đây là một vấn đề mang tính toàn cầu.”
Ấn Độ trước đó ban bố lệnh cấm xuất khẩu lúa mì. Ảnh: Reuters. |
Trong khuôn khổ WEF, bà Kristalina Georgieva (IMF) chia sẻ: “Chúng ta được chứng kiến nhiều cú sốc giá hàng hóa xảy ra tại một số quốc gia. Giá dầu giảm trước quan ngại nền kinh tế tăng trưởng chậm, nhưng giá lương thực liên tục leo thang. Chúng ta có thể hạn chế sử dụng nhiên liệu khi nền kinh tế giảm tốc, nhưng không thể ngừng ăn mỗi ngày”.
“Rủi ro về một cuộc khủng hoảng lương thực nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu trong khuôn khổ WEF”, theo Anne Richards, Giám đốc điều hành Fidelity International. “Chúng ta cần đảm bảo rằng lương thực và chuỗi cung ứng lương thực không bị ‘vũ khí hóa’ trong bối cảnh bất ổn hiện tại”, ông nói.
Diễn đàn năm nay cũng tập trung thảo luận chủ đề biến đổi khí hậu. Nhiều đại biểu nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra bởi xung đột Ukraine có thể sẽ khiến cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh gặp nhiều ngăn trở.
Daniel Yergin, Phó chủ tịch S&P Global, cho biết các vấn đề địa chính trị chưa bao giờ được thu hút được sự quan tâm lớn như hiện tại trong suốt 25 năm qua. Ông cũng bổ sung rằng quá trình chuyển đổi năng lượng xanh “đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với trước khi xung đột nổ ra”.