Theo FiinGroup, nhóm ngành hàng mang tính tiêu dùng giảm mạnh nhất, bao gồm Thiết bị điện tử (Điện thoại, máy tính), Thời trang (Dệt may), Thực phẩm (Thủy sản).
Trong báo cáo “Triển vọng thị trường chứng khoán 2023”, FiinGroup nói về tình trạng xuất khẩu suy yếu 4 tháng cuối năm 2022 trước áp lực suy thoái tăng lên ở các thị trường lớn.
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bắt đầu chững lại từ tháng 8/2022 và ghi nhận suy giảm tháng thứ 2 liên tiếp so với cùng kỳ do suy thoái ở các thị trường xuất khẩu lớn (Mỹ và EU).
Theo FiinGroup, nhóm ngành hàng mang tính tiêu dùng giảm mạnh nhất, bao gồm Thiết bị điện tử (Điện thoại, máy tính), Thời trang (Dệt may), Thực phẩm (Thủy sản).
Với dự báo lãi suất điều hành sẽ duy trì ở mức cao đến hết năm 2023, khiến cầu tiêu dùng tiếp tục suy yếu, xu hướng suy giảm về xuất khẩu dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong các tháng tới.
FiinGroup cho hay việc Trung Quốc mở cửa trở lại được coi là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho một vài ngành trong nước như Du lịch và Thủy sản (cá tra) nhưng, xét về tổng thể, việc tăng xuất khẩu sang Trung Quốc không thể bù đắp lượng đơn hàng sụt giảm từ các thị trường lớn khác. Hơn nữa, nguồn cung giá hợp lý từ Trung Quốc khiến áp lực cạnh tranh cao hơn ở các thị trường xuất khẩu lớn.
Cũng nhận định về tình hình xuất nhập khẩu năm 2023, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) ước tính tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt mức 393-402 tỷ USD (tăng 5,8% – 8,3% so với cùng kỳ), nhập khẩu đạt mức 380-387 tỷ USD (tăng 5,4% – 7,3% so với cùng kỳ).
Theo kết quả dự tính trên, Việt Nam có thể xuất siêu 12,6-15,2 tỷ USD vào năm 2023.
Kịch bản tăng trưởng trên dựa trên giả định nhu cầu tiêu dùng hàng hóa toàn cầu suy giảm do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt. Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc tiếp tục là thách thức bởi tình trạng căng thẳng từ đàm phán ngoại giao song phương.
BSC cũng đưa ra dự báo tăng trưởng của từng nhóm ngành chủ lực. Về xuất khẩu, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện dự tính tăng 6- 8,3%. Mức này giảm khá nhiều so với mức tăng trưởng 10,6% trong năm 2022.
BSC cũng cho rằng dệt may chỉ tăng trưởng khiêm tốn từ 3,9- 5,2%. Các năm trước đó, nhóm hàng xuất khẩu này tăng trưởng khá.