Xuất khẩu tôm của Ecuador giảm 20.000 tấn từ ngừng kỷ lục thiết lập hồi tháng 7 xuống còn 83.000 tấn sau khi Trung Quốc kết thúc đợt thu gom cho dịp lễ Trung Thu. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo trang Undercurrent News, sau 3 tháng liên tiếp thiết lập kỷ lục, xuất khẩu tôm của Ecuador bắt đầu hạ nhiệt và quay trở lại mức bình thường trong tháng 8.
Số liệu của cơ quan quản lý thuỷ sản Ecuador (CNA) cho thấy xuất khẩu tôm của Ecuador giảm 20.000 tấn từ ngừng kỷ lục thiết lập hồi tháng 7 xuống còn 83.000 tấn sau khi Trung Quốc kết thúc đợt thu gom cho dịp lễ Trung Thu. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng tôm xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức 51.000 tấn, giảm từ mức kỷ lục 55.000 tấn hồi tháng 7.
3 tháng trước đó, Trung Quốc đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy lượng tôm xuất khẩu của Ecuador. Đỉnh điểm trong tháng 7, tổng lượng tôm xuất khẩu của Ecuador đạt hơn 100.000 tấn.
Thời tiết không thuận lợi kèm theo dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng đến những người nuôi tôm phía Nam Trung Quốc trong mùa hè này. Tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng giảm xuống còn 20 – 30% ở một số khu vực.Do đó, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ và Ecuador để chế biến.
Tuy nhiên, mặc dù giảm nhập khẩu tôm của Ecuador trong tháng 8 nhưng Trung Quốc tăng cường nhập khẩu tôm từ Ấn Độ. Trong tháng 8, Trung Quốc nhập khẩu 23.500 tấn tôm từ Ấn Độ, tăng 50% so với tháng 7.
Hiện tại, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Trung Quốc bắt đầu giảm nhiệt, trong khi nhu cầu ở các thị trường chính khác như Mỹ và Châu Âu cũng trầm lắng.
Lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 8 giảm 28% so với tháng 7 xuống 14.000 tấn.
Xuất khẩu sang Tây Ban Nha và Pháp cũng sụt giảm khiến tổng lượng tôm bán sang Châu Âu giảm 29% xuống 13.000 tấn.
Giá tôm xuất khẩu trung bình tăng nhẹ báo hiệu nguồn cung giảm hoặc các nhà máy đang tăng cường chế biến trở lại.
Theo đó, giá tôm xuất khẩu trong tháng 8 tăng nhẹ 0,08 USD/kg so với tháng 7 lên 6,41 USD/kg.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 534 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù giá xuất khẩu không mấy biến động so với tháng 8/2021.
Tính cung 8 tháng đầu năm, Ecuador xuất khẩu được gần 700.000 tấn tôm, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền thu về đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng 50% so với 8 tháng đầu năm 2021.
Hiện tại Ecuador vẫn đang tiếp tục tăng cường sản lượng tôm bằng phương pháp nuôi thâm canh. Sản lượng tôm của nước này được kỳ vọng sẽ đạt 2,5 triệu tấn trong năm 2025 tăng 2,5 lần so với con số hiện tại và gần tương đương với nhu cầu nhập khẩu tôm toàn cầu của năm 2021.
Giá cá tra đông lạnh xuất khẩu chạm đáy 6 tháng
VASEP cho biết giá cá tra đông lạnh xuất khẩu trong tháng 8 đạt 2,81 USD/kg, mức thấp nhất trong 6 tháng qua. Trong đó, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ vẫn đạt mức cao nhất 5 USD/kg, Philippines ở mức thấp nhất với 1,57 USD/kg.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong tháng 8, xuất khẩu cá tra đạt 195 triệu USD, tăng nhẹ so với tháng 7 và tăng 123% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng trưởng này không phản ánh xu hướng quá khả quan vì tháng 8/2021 là thời điểm đỉnh dịch COVID-19, xuất khẩu giảm sâu.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đã chạm mốc 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 23,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
VASEP cho biết thêm giá cá tra đông lạnh xuất khẩu trong tháng 8 đạt 2,81 USD/kg, mức thấp nhất trong 6 tháng qua. Trong đó, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ vẫn đạt mức cao nhất 5 USD/kg, lại là mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Giá cá tra đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,39 USD/kg trong tháng 8; Giá cá tra xuất khẩu sang Phillippines có mức thấp nhất trong các thị trường, đạt 1,57 USD/kg.
Tính chung 8 tháng đầu năm, giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, bình quân giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ đạt 4,64 USD/kg, Trung Quốc đạt 2,47 USD/kg, Mexico đạt 2,75 USD/kg, Thái Lan đạt 2,15 USD/kg và sang Brazil đạt 3,2 USD/kg.
Trong tháng 8, xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường có tín hiệu tích cực, với xu hướng cao hơn so với tháng 7. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 61 triệu USD, tăng 37% so với tháng 7 và gần gấp đôi so với doanh số xuất khẩu sang thị trường Mỹ. VASEP cho răng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc sẽ tiếp tục khả quan hơn trong những tháng tới.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã phục hồi 4% so với tháng 7 nhưng doanh số vẫn khá khiêm tốn 33 triệu USD.
VASEP dự đoán xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ khả quan hơn trong tháng 9, tháng 10 khi lượng tồn kho giảm dần và nhu cầu nhập khẩu phục vụ cho cuối năm và năm 2023.
Hơn nữa, lạm phát ở Mỹ được dự báo vẫn tiếp tục nóng trong những tháng cuối năm, sẽ khiến tiêu thụ thực phẩm và thuỷ sản của nước này hướng tới sản phẩm giá hợp lý như cá tra.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 18 (POR18) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/7/2021 đối với cá tra của Việt Nam.
Theo đó, DOC đã giữ nguyên mức thuế CBPG đang áp dụng đối với từng công ty căn cứ vào kết quả của các đợt rà soát gần nhất trước đó. Do vậy, quyết định này không tác động đến chiều hướng xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong năm nay.
Còn lại, các thị trường khác như Brazil, Thái Lan, Colombia, Nhật Bản, Malaysia đều có xu hướng tăng nhập khẩu cá tra trong tháng 8. Trong khi, xuất khẩu cá tra sang Mexico giảm 28%, Anh giảm 17%, Canada giảm 35%, Australia giảm13%, EU giảm 10%…
Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất gồm Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty Biển Đông Seafood, Nam Việt, IDI Corp và Công ty TNHH Chế biến thủy sản Vạn Đức, Tiền Giang, với tổng doanh số chiếm 37% tổng giá trị XK cá tra 8 tháng đầu năm nay.
VASEP dự báo nhu cầu nhập khẩu cá tra của các thị trường sẽ tăng trở lại vào một vài tháng tới, biến động tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ.
Với kết quả hiện nay và xu hướng hồi phục nhẹ trong vài tháng tới, kim ngạch cá tra năm 2022 có thể ghi nhận mốc kỷ lục 2,5 – 2,6 tỷ USD, cao hơn 56% so với năm 2021.