Nội dung chính
Từ năm 2024, hàng loạt dự án hạ tầng đường bộ lớn được đưa vào khai thác, nâng tổng số km đường cao tốc lên hơn 2.000 km. Cùng với đó, những đại dự án hạ tầng đang và sắp triển khai hứa hẹn nâng bước cho ‘kỷ nguyên vươn mình’ của đất nước.
Hoàn thành 7 dự án đường bộ trọng điểm trong năm 2024
Năm 2024, ngành giao thông đã ghi nhận dấu ấn quan trọng với việc hoàn thành 7 dự án giao thông trọng điểm, nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.021 km. Đây là những công trình quan trọng, góp phần cải thiện kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đáp ứng mục tiêu đạt 3.000 km cao tốc vào năm 2025.
Nổi bật là cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, dài hơn 49 km, khánh thành ngày 28/4. Tuyến đường với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng giúp rút ngắn thời gian từ Hà Nội đến Vinh còn 4 giờ, tăng cường liên kết vùng Bắc Trung Bộ. Tiếp đó, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 78,5 km với vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng cũng hoàn thiện, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Nha Trang xuống 4-5 giờ.
Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt được đưa vào khai thác đúng dịp 30/4/2024 |
Tại Hà Nội, cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long thuộc vành đai 3, với tổng vốn đầu tư 342 tỷ đồng, đã đi vào khai thác, cải thiện đáng kể khả năng lưu thông tại khu vực phía Bắc Thủ đô. Ở phía Nam, tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên dài hơn 15 km, với vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng, là mắt xích quan trọng trong kết nối vùng đồng bằng Mekong, tăng cường giao thương tại An Giang và Cần Thơ.
Ngoài ra, một số dự án quốc lộ quan trọng cũng hoàn thành trong năm 2024. Quốc lộ 37 dài 11,6 km, với vốn đầu tư hơn 628 tỷ đồng, tăng cường kết nối vùng đồng bằng Bắc Bộ. Quốc lộ 2C Tuyên Quang, dài 27 km, với vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu tai nạn và thúc đẩy kinh tế vùng. Đặc biệt, quốc lộ 8A Hà Tĩnh, tuyến giao thông huyết mạch dài hơn 80 km, với vốn đầu tư 1.662 tỷ đồng, đã sẵn sàng tăng cường giao thương với Lào qua cửa khẩu Cầu Treo.
Với sự hoàn thiện của các dự án này, ngành giao thông vận tải đã tạo nền tảng quan trọng để tiếp tục triển khai các công trình lớn hơn, hướng đến mục tiêu đạt 3.000 km cao tốc vào năm 2025, qua đó nâng cao năng lực kết nối và phát triển bền vững trên cả nước.
‘Kỳ tích’ đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối
Ngày 29/8/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) khánh thành dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối, công trình quan trọng với tổng mức đầu tư 22.300 tỷ đồng, kéo dài 519 km qua 9 tỉnh thành. Đây là dự án quy mô lớn với 1.177 cột thép, trong đó có cột cao nhất 145m, được thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở. Dự án không chỉ nâng cao năng lực kết nối lưới điện Bắc – Trung – Nam mà còn đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc, tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.
Với tính chất cấp bách, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo sát sao, tổ chức 5 cuộc họp và 3 lần trực tiếp thị sát công trường, yêu cầu các đơn vị làm việc 24/7. Chỉ trong hơn 6 tháng, dự án đã hoàn thành, rút ngắn đáng kể thời gian so với các công trình tương tự thường mất 3-4 năm. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng, vốn là nút thắt thường gặp, được giải quyết nhanh chóng khi 9 địa phương bàn giao sớm, tạo điều kiện để các nhà thầu tập trung thi công.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 được hoàn thành với thời gian ngắn kỷ lục, là kỳ tích được làm nên bởi sức mạnh của cả hệ thống chính trị |
Dự án huy động hơn 15.000 nhân lực từ EVN, các Tổng công ty Điện lực, và tập đoàn lớn như Viettel, PVN, VNPT. Lực lượng quân đội cũng hỗ trợ đáng kể, đặc biệt tại các địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa, góp phần vận chuyển thiết bị, lắp dựng cột, và kéo dây. Đây là biểu tượng của tinh thần phối hợp hiệu quả giữa các bộ ngành, địa phương và toàn hệ thống chính trị.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 không chỉ là thành tựu kỹ thuật vượt bậc mà còn là minh chứng cho khả năng thực hiện các dự án lớn với tiến độ thần tốc, tiết kiệm nguồn lực. Công trình này đã tạo dấu mốc lịch sử mới trong phát triển lưới điện quốc gia, khẳng định vị thế ngành điện trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Quý 4/2024, Quốc hội chính thức phê duyệt Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư hơn 1,713 triệu tỷ đồng.
‘Đại dự án’ này dài 1.541 km, khởi đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Với thiết kế hiện đại, sử dụng công nghệ đường sắt trên ray, điện khí hóa, tốc độ tối đa 350 km/h, dự án sẽ có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Mục tiêu dự án là tăng cường kết nối vận tải trên hành lang kinh tế Bắc – Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, và ứng phó biến đổi khí hậu. Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư công, áp dụng các cơ chế đặc thù như phát hành trái phiếu Chính phủ, huy động vốn ODA, sử dụng nguồn tăng thu và tiết kiệm ngân sách để đảm bảo tiến độ.
Tiến độ dự án dự kiến bắt đầu từ năm 2025 với báo cáo nghiên cứu khả thi và hoàn thành cơ bản vào năm 2035. Với quy mô và tính chất chiến lược, tuyến đường sắt tốc độ cao này không chỉ thúc đẩy kết nối liên vùng mà còn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa giao thông Việt Nam tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.
Sân bay Long Thành góp phần vào kỷ nguyên mới cất cánh
Sau gần 4 năm khởi công, hình hài Cảng hàng không quốc tế Long Thành (gọi tắt là Sân bay Long Thành) đang dần lộ rõ. Dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Với ý nghĩa đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần thị sát và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Sân bay Long Thành để hoàn thành vào cuối năm 2026.
Hình hài sân bay Long Thành những ngày cuối năm 2024 |
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Giai đoạn một, sân bay xây một đường cất, hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách mỗi năm, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Dự án được chia làm 4 phần, bao gồm các công trình trụ sở quản lý nhà nước, công trình phục vụ quản lý bay, các hạng mục thiết yếu, và các dự án độc lập.
Trong đó, Dự án thành phần 1 xây dựng các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước do các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 2 xây dựng công trình phục vụ quản lý bay do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu do ACV làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 4 có tổng mức đầu tư 6.366 tỷ đồng bao gồm nhiều công trình, tương ứng với các dự án độc lập. Cục Hàng không Việt Nam được giao lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.
Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đến cuối năm 2024, các dự án thành phần ở sân bay đáp ứng tốt tiến độ. Tong đó, tháp không lưu đã cất nóc, đang hoàn thiện. Gói thầu nhà ga hành khách dự kiến hoàn thành trước 12/2025. Công trình đường cất-hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đã thi công vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch. Các dự án giao thông kết nối cũng sẽ hoàn thành chậm nhất ngày 31/12/2025.