Trung Quốc đã hoãn công bố nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng của tháng 9 khi Đại hội Đảng đang diễn ra. Động thái này khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính xác thực của số liệu và niềm tin vào kết quả tài chính của Trung Quốc.
Theo Financial Times, vào hôm 17/10, ông Zhao Chenxin, một quan chức cao cấp tại Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, cho biết: “Nền kinh tế đã phục hồi mạnh trong quý III”. Thông báo này được đưa ra chỉ một ngày trước khi dữ liệu GDP chính thức dự kiến sẽ được công bố.
Nhưng chỉ vài giờ sau, Tổng cục Thống kê Trung Quốc đã lặng lẽ cập nhật thông tin trên website cho biết việc công bố dữ liệu sẽ bị tạm hoãn. Các nhà kinh tế đã dự đoán mức tăng trưởng của Trung Quốc chỉ khoảng 3,3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ trong năm 2022 là 5,5%.
Việc tạm hoãn dữ liệu xảy ra đúng vào tuần tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện 5 năm mới có một lần.
“Chậm công bố dữ liệu không phải vì nền kinh tế phục hồi yếu mà là do Đại hội Đảng đang diễn ra. Các nhà chức trách muốn truyền thông và công chúng tập trung vào những thông điệp quan trọng trong sự kiện này”, ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại tập đoàn Jones Lang Lasalle, nhận định.
Nhưng sự chậm trễ cũng đến đúng vào thời điểm tăng trưởng trở thành một chủ đề nhạy cảm với Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với khủng hoảng bất động sản và các đợt phong tỏa kéo dài do chính sách Zero COVID.
Ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Morgan Stanley cho biết: “Mức tăng trưởng hơn 3% có thể là kết quả tốt nhất mà [Trung Quốc] đạt được với các biện pháp phòng dịch COVID nghiêm ngặt và lực cản từ lĩnh vực bất động sản”.
Theo Reuters, những dữ liệu khác, bao gồm sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị, thường được công bố cùng với GDP, cũng đang bị trì hoãn. Giá nhà ở trong tháng 9, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 19/10, cũng nằm trong danh sách này.
Trước đó, Tổng Cục Hải quan cũng đã không cung cấp dữ liệu thương mại tháng 9 theo đúng lịch vào ngày 14/10. Các số liệu thống kê thương mại được kỳ vọng sẽ cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc suy yếu hơn so với tháng 8, do nhu cầu toàn cầu giảm xuống.
Dữ liệu thương mại vẫn tiếp tục không được công bố vào hôm 17/10 và Tổng cục Hải quan cũng không trả lời các câu hỏi về sự chậm trễ này. Vào Đại hội Đảng năm 2017, số liệu GDP quý III vẫn được công bố như thường lệ.
Mất niềm tin
Theo Bloomberg, việc chậm trễ công bố dữ liệu và không đưa ra lời giải thích đang làm tăng những nghi hoặc về việc các thống kê kinh tế bị điều chỉnh vì mục đích chính trị, đồng thời khơi mào cho nhiều suy đoán về tình hình phát triển của Trung Quốc, vốn đã chậm lại, nay đã chuyển sang chiều hướng xấu.
Chậm trễ trong cung cấp dữ liệu còn tạo ra vấn đề sâu hơn. Trung Quốc mong muốn nắm vai trò lãnh đạo trong nền tài chính toàn cầu. Nhưng nước này lại phớt lờ việc công bố những dữ liệu có tác động tới tâm lý nhà đầu tư và định hướng kỳ vọng về lãi suất, chính sách tài khóa.
Vào năm 2017, những dữ liệu kinh tế quan trọng lại không bị trì hoãn giữa lúc Đại hội Đảng diễn ra. Việc Tổng cục Thống kê đưa ra thông báo vào phút chót đã làm dấy lên những nghi vấn về tình trạng nền kinh tế Trung Quốc.
Số liệu thống kê một tháng không thể thay đổi quan điểm dài hạn về quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc. Nhưng việc xử lý vụng về đang tạo ra một cái nhìn khác về cách mà số liệu được công bố với thế giới.
Trung Quốc đã có ý định biến nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu. Các quan chức cũng có mục tiêu thúc đẩy thị trường trái phiếu. Để đạt được những mục tiêu này, Bắc Kinh cần gây dựng được niềm tin. Các nhà đầu từ cần biết mình đang bỏ tiền vào đâu.
Những nhà quan sát Trung Quốc trong dài hạn cho biết chính trị từ lâu đã có ảnh hưởng tới lĩnh vực thống kê. Dữ liệu GDP đã luôn bị những người hoài nghi để mắt tới.
Trong nhiều năm, chiều hướng của dữ liệu đã không thay đổi nhiều. Theo một tài liệu được Wikileaks công bố vào năm 2010, Thủ tướng Lý Khắc Cường từng nói với các quan chức Mỹ rằng số liệu GDP là “do con người tạo ra” và “chỉ mang tính tham khảo”.
Các nhà kinh tế cho biết Trung Quốc đã nỗ lực để cải thiện các tính toán và thứ hạng của dữ liệu cấp cao nhất của mình. Vào năm 2020, Bắc Kinh đã cho phép ảnh hưởng của đại dịch COVID trong những tháng đầu tiên được thể hiện trên số liệu.
Từ tháng 1 đến 3/2020, nền kinh tế Trung Quốc đã sụt giảm 6,9%, kết quả tồi tệ nhất trong ít nhất ba thập kỷ. Nếu dữ liệu bị thay đổi, mức suy giảm đã không lớn như vậy. Tăng trưởng đã dần trở lại trong năm 2020, lên đến 18,3% vào quý I/2021.
Gần đây, tốc độ phục hồi đã chậm lại khi chính sách Zero COVID khiến những khu vực đô thị lớn và thành phố công nghiệp trọng điểm phải phong tỏa. GDP chỉ tăng 0,4% vào quý II/2022 so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố nền kinh tế đang cải thiện, và hối thúc triển khai các biện pháp kinh tế để hỗ trợ quá trình phục hồi. Bloomberg đặt câu hỏi rằng nếu nền kinh tế đang tốt lên, tại sao Trung Quốc lại phải tạm hoãn công bố số liệu?
Động thái bất ngờ hoãn công bố số liệu cũng cho thấy Trung Quốc sẽ còn một chặng đường dài để đuổi kịp Mỹ. Vị trí số một thế giới cần khả năng lãnh đạo và quyền lực hơn là các con số thống kê về GDP.
Vị trí số một còn tượng trưng cho độ tin cậy của thể chế. Nếu Washington quyết định trì hoãn việc công bố các chỉ số hàng tháng hoặc hàng quý trong đại hội của Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa, diễn ra 4 năm một lần, thì chắc chắn Mỹ sẽ phải hứng chịu sự phẫn nộ từ khắp thế giới.
Sự tín nhiệm khó có thể giành được và dễ dàng bị thổi bay. Như tại Anh, chương trình nghị sự của Thủ tướng Liz Truss đã bị chính các bộ trưởng của mình hủy bỏ. Nền kinh tế Anh sẽ phải mất nhiều năm để phục hồi lại sau cuộc khủng hoảng vừa qua. Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang đứng trước nguy cơ đánh mất lòng tin của nhà đầu tư quốc tế vì tùy tiện hoãn công bố số liệu.